Hiện trường sập dầm cầu vượt đi bộ ngày 13-11 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chiều 18-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết chủ đầu tư dự án cầu vượt đi bộ Suối Tiên quận Thủ Đức, TP.HCM đã có báo cáo về chiều cao thực tế của cầu sau khi phối hợp với các đơn vị liên quan đo đạc tại hiện trường.
Sau khi sự cố xảy ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư dự án với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đo đạc, kiểm tra chính xác hệ thống mốc tọa độ, cao độ của đường song hành (đơn vị khác thi công), cao độ mố, trụ cầu bộ hành.
Kết quả kiểm tra cho thấy mặt đường song hành nơi cầu vượt bắc ngang đã hoàn thành từ năm 2016 có cao độ chỉ chênh một chút không đáng kể và nằm trong sai số cho phép từ 1-2cm. Do đó, nguyên nhân chiều cao cầu thấp hơn thiết kế do mặt đường song hành được loại trừ.
Trưa nay, Sở Giao thông vận tải đã có cuộc họp về vấn đề này và sẽ báo cáo kết quả cho UBND TP về vụ sập dầm cầu nêu trên. Theo nguồn tin, chiều cao thực tế thấp nhất tại cầu vượt đi bộ Suối Tiên là 4,44m, tức thấp hơn thiết kế 0,31m.
Về chiều cao thực tế của xe container va chạm vào dầm cầu vượt, một lãnh đạo Công an quận Thủ Đức cho hay Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP đang kiểm tra, thẩm định nên chưa có kết luận chính thức.
Một lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xa lộ Hà Nội cho biết có nhiều lỗi của nhiều đơn vị dẫn đến sự cố này.
Theo hồ sơ, quá trình thực hiện cầu vượt đi bộ có thay đổi vị trí ban đầu. Cụ thể do vướng các hộ dân dẫn đến cầu vượt này phải dời cách vị trí ban đầu 14m.
Cụ thể, vị trí xây dựng cầu dịch chuyển 14m so với vị trí ban đầu nhưng đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kiểm tra cao độ, giám sát thiếu kiểm tra số liệu để thông báo cho chủ đầu tư. Trong khi đó, đơn vị thi công xong không đo đạc, kiểm tra có đủ cao độ hay không mà đã cho xe cộ lưu thông qua lại.
Sở Giao thông vận tải cho biết cầu vượt đi bộ Suối Tiên thuộc công trình xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính của ĐH Quốc gia TP, thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã tư Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn.
Nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP, doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xa lộ Hà Nội. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là đơn vị thi công. Công ty cổ phần tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long là đơn vị tư vấn giám sát thi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận