TTCT - Mới ở tuổi “teen” đã in bốn cuốn sách được đón đọc rộng rãi và lập một quỹ xã hội trợ giúp hàng trăm người khiếm thị... Đó là câu chuyện của bạn trẻ Nga Mikhail Samarsky. Phóng to Bìa cuốn Cầu vồng cho người bạn - Ảnh: kidsworldbooks.blogspot.com Chào đời năm 1996, mới 13 tuổi Mikhail Samarsky đã giật giải cuộc thi sáng tác văn học do Hãng truyền thông OLMA tổ chức, xuất bản được hai cuốn truyện Đánh đu giữa những triền đồi và Cầu vồng cho người bạn, rồi cho ra mắt Mười hai lần chạm tới chân trời (tiếp theo Đánh đu giữa những triền đồi, 2010). Năm 2012, Cầu vồng cho người bạn và phần tiếp theo - Công thức của thiện tâm - do nhà xuất bản danh tiếng Eksmo ấn hành, được giới phê bình văn học khen ngợi và nhận nhiều giải thưởng. Tổng thống Nga khi đó, ông Dmitri Medvedev, đọc xong cuốn truyện cảm động này đã mời Mikhail tham gia cuộc gặp gỡ giữa tổng thống với các blogger (tháng 11-2011). Mikhail Samarsky - Ảnh: kidsworldbooks.blogspot.com Lên phát biểu, Samarsky không nói về mình mà tranh thủ kể về trường hợp cô gái khiếm thị Nastia Nakopia ở vùng Tulsk. Nakopia 17 tuổi, làm thơ rất hay, nhưng khi tốt nghiệp trường phổ thông thì mọi thiết bị dành cho người khiếm thị (bàn phím chuyên dụng, máy vi tính, máy đọc chữ nổi...) đều bị nhà trường giữ lại. Muốn mua sắm bộ mới phải có khoảng 6.000 rúp - quá sức của gia đình cô. Tổng thống đã lệnh cho Bộ Giáo dục sửa ngay luật cũ, nhờ đó học sinh khiếm thị sau khi ra trường được mang theo đầy đủ thiết bị chuyên dụng để vào đời. Chú chó dẫn đường vượt qua biên giới Cuộc sống của người khiếm thị là vấn đề Mikhail quan tâm sau một cuộc gặp tình cờ nhiều năm trước đó. Lần đó, đi dạo trong công viên khi trời đã chuyển tối, Mikhail gặp một thanh niên dường như dắt chó đi chơi mà vẫn không gỡ cặp kính râm, cậu tò mò. Tìm hiểu, cậu mới biết chàng trai kia khiếm thị. Lần đầu tiên trong đời, cậu nghe được câu “Chúng tôi có cặp mắt đã chết, nhưng trái tim đang sống”. Câu chuyện ám ảnh Mikhail mãi: người khiếm thị phải nhờ chó dẫn đường, hằng ngày hằng giờ đối mặt với nỗi sợ hãi, bất lực và tuyệt vọng. Mikhail ướm thử mình vào hoàn cảnh của anh, dùng băng đen bịt mắt suốt ba ngày ba đêm... Khi gỡ băng, thấy lại ánh cầu vồng trên bầu trời, cậu tự hứa: “Còn sống trên cõi đời này, mình còn giúp những người khiếm thị”. Tìm được ở ven Matxcơva ngôi trường luyện chó dẫn đường, Mikhail thường đến đó xem cách huấn luyện chó, hỏi chuyện những thầy dạy. Thực tế đó đã giúp Mikhail viết truyện với một thủ pháp độc đáo - toàn bộ cuốn sách là lời kể của con chó dẫn đường trước những gì diễn ra trong thế giới loài người. Giữa một xã hội không ít kẻ tham lam, toan tính, bon chen, phản phúc và vô cảm, đời chó dẫn đường cũng lắm thăng trầm: khi lang thang vạ vật, khi gác cổng giữ nhà, khi liều mình cứu chủ, khi chủ cũ thấy được cầu vồng lại phụng sự chủ mới, khi thảnh thơi ngẫm ngợi những điều tâm đắc của mình... Chuyện của “nhân vật bốn chân” đã khiến nhiều người đọc se lòng chột dạ. Tác phẩm này còn được ấn hành bằng chữ nổi, bằng các ngoại ngữ Đức, Czech, Bulgaria, Thụy Điển và đang được dựng thành phim truyện nhựa. Những trái tim đang sống Đã viết về người khiếm thị, bây giờ có thể bắt đầu giúp được họ bằng thực tế, Mikhail sáng lập quỹ “Những trái tim đang sống” nhằm quyên tiền mua máy đọc chữ nổi của Nhật Bản và những bàn phím chuyên dùng cho người mù điều khiển máy vi tính... Đời cũng có khá nhiều người hảo tâm: ông Andrei Riabinsky thấy con gái thích thú cuốn sách của Mikhail bèn hiến vào quỹ 2,5 triệu rúp, và trường hợp này lan truyền ra nhiều bậc phụ huynh nên “Những trái tim đang sống” đã giúp được hơn 100 học sinh khiếm thị. Trên toàn nước Nga có 300.000 người khiếm thị, theo thống kê chính thức, nhưng thực tế sao mà đếm hết nên Mikhail còn bao việc phải làm... Hiện Mikhail đang học trường nội trú thuộc Đại học Quốc gia Matxcơva (MGU). Quen nếp nhà - bố là nhà soạn kịch, mẹ viết truyện ly kỳ - nên hằng ngày cậu đều đọc 100-200 trang sách để trau dồi kiến văn. Cậu công khai chê những sáng tạo thời thượng hiện nay thường lánh vào những thế giới khác như ma cà rồng, người ngoài hành tinh... Mikhail Samarsky chỉ nhận mình là học sinh đang phấn đấu trở thành nhà văn, trong khi tác phẩm của cậu đang được những vị giáo sư khả kính nghiên cứu, và họ kinh ngạc bởi cậu học trò hiện đại này biết dùng nhiều từ ngữ cổ và lối diễn đạt thuần Nga... Theo aif.ru & mishasamarsky.ru Tags: Người khiếm thịTeenThế giới muôn màuMikhail SamarskyÐĂNG BẨY
Ngắm nhan sắc Thanh Thủy, người đẹp Việt Nam đầu tiên đăng quang Hoa hậu Quốc tế HOÀI PHƯƠNG 12/11/2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy là người đẹp Việt Nam đầu tiên giành chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International). Cô cũng là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc thi này.
Thời tiết hôm nay 13-11: Bão số 8 đi lên bắc Biển Đông, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa LÊ PHAN 13/11/2024 Hôm nay 13-11, thời tiết mưa to kết thúc tại miền Trung. Miền Bắc sáng có sương mù, còn miền Nam ngày nắng, chiều tối có mưa.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ : 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.
Hám lợi rồi sa chân vào những chuyến 'hàng cấm', khóc cũng muộn rồi ĐOÀN CƯỜNG 13/11/2024 TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa xét xử vụ một thanh niên người dân tộc thiểu số vì nghe theo lời rủ rê của bạn mà chở "hàng cấm" với mức án nghiêm khắc.