17/09/2020 08:26 GMT+7

Cầu Thủ Thiêm 2 đình trệ vì vướng mặt bằng

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 (TP.HCM) sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018. Thế nhưng đến nay, khi cầu đã thi công đạt hơn 70% phần việc, cầu đã vươn gần quận 1, còn một nhịp sẽ nối bờ thì mọi việc đình trệ.

Cầu Thủ Thiêm 2 đình trệ vì vướng mặt bằng - Ảnh 1.

Cầu Thủ Thiêm 2 còn một nhịp cuối cùng là sẽ nối bờ quận 1 nhưng chưa thể vì chưa được bàn giao mặt bằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến nay tiến độ xây cầu tiếp tục chậm và khó biết rõ ngày hoàn thành thực sự cây cầu có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng này, chỉ vì vướng giải tỏa mặt bằng phía quận 1.

Càng chậm, càng thiệt hại

Mỗi ngày dòng xe đông đúc từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn (quận 1) đổ về đường Tôn Đức Thắng đã được mở rộng thì bắt gặp ngay cây cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng, đã nối dài nhịp cầu từ đường Nguyễn Trung Ngạn đến giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn.

Tại đoạn đầu công trình, một tấm bảng ghi hàng chữ "chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này". Khi nhìn vào công trình im ắng, không bóng dáng công nhân, nhiều xe chen chúc thêm bức xúc vì "được" xin lỗi như trên. Tưởng là có sự bất tiện do thi công thì cũng ráng chờ đến ngày hoàn thành, đằng này...

Đến đoạn cuối công trình cầu Thủ Thiêm 2 ở góc đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) vào sáng 15-9, chúng tôi ghi nhận chỉ có vài công nhân đang sử dụng máy cẩu vài thanh thép để gia cố thép nhịp cầu chưa đổ bêtông.

Một kỹ sư cho biết chỉ còn vài công nhân thi công hoàn thiện hạng mục này, hiện nay số lượng công nhân trên công trình đã giảm đến 80-90% so với cách đây vài tháng.

Cầu Thủ Thiêm 2 đình trệ vì vướng mặt bằng - Ảnh 2.

Cầu Thủ Thiêm 2 chỉ còn một nhịp là nối bờ quận 1 nhưng chưa thể vì chưa được giao mặt bằng thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trên công trường phía quận 2, cầu chính, nhịp dây văng đã hoàn thành toàn bộ kết cấu dầm bêtông cốt thép, kết cấu trụ tháp S2 giữa sông và đã thi công được 27/34 đốt tháp.

Một kỹ sư nhà thầu cho biết hiện nay do vướng mặt bằng trên phần đất Nhà máy Ba Son phía quận 1 nên không thể thi công tiếp.

Vì vậy đơn vị cũng rút giảm số lượng kỹ sư và công nhân. Nhà thầu đang thi công cầm chừng các hạng mục như lắp đặt gờ chắn, thi công vỉa hè, lắp đặt tấm bao che, làm vệ sinh công trường.

Một kỹ sư cho biết trong số ba nhà thầu thi công cầu Thủ Thiêm 2 có một nhà thầu nước ngoài.

Dù công việc xây dựng cầu bị chậm và gần như không còn việc làm do không có mặt bằng thi công, nhà thầu vẫn phải trả lương đầy đủ cho các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và tiền khấu hao các thiết bị máy móc thi công nhịp cầu dây văng với ước tính mỗi ngày cả trăm triệu đồng.

Chỉ còn một nhịp nhưng chưa thể nối bờ

Đại diện Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án - cho biết đến ngày 14-9, nhịp cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 đang vướng giải phóng mặt bằng trên phần đất Nhà máy Ba Son phía quận 1 nên không thể thi công được.

Nhà thầu không thể lắp dây văng nối nhịp cầu cuối cùng để thông cầu chính từ quận 1 sang quận 2. Đến nay toàn bộ cáp dây văng lắp đặt cho cầu Thủ Thiêm 2 được nhập khẩu từ châu Âu đã đưa về đầy đủ trên công trường và đã lắp đặt được 36/56 bộ cáp dây văng ở chiếc cầu này.

Cũng do vướng giải tỏa trên phần đất quận 1, nhà thầu chưa thể thi công nhánh cầu N1 bắt đầu từ Công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cặp theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính và chưa thể thi công nhánh cầu N2 kết nối từ quận 2 đáp xuống đường Tôn Đức Thắng phía quận 1 trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn.

Cầu Thủ Thiêm 2 đình trệ vì vướng mặt bằng - Ảnh 3.

Việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã được quan tâm từ ngày làm lễ động thổ xây dựng cầu vào tháng 2-2015.

Lúc đó lãnh đạo Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh phát biểu: "Dự kiến cầu hoàn thành và đưa vào khai thác dịp lễ 30-4-2018. Trong trường hợp Tổng công ty Ba Son bàn giao mặt bằng sớm hơn thì thời gian hoàn thành có thể nhanh hơn so với tiến độ trên".

Trong các năm 2016, 2017 và 2018, chủ đầu tư đã liên tục gửi văn bản đến UBND TP.HCM và các sở ngành đề nghị sớm bàn giao mặt bằng cho dự án cầu Thủ Thiêm 2.

Theo chủ đầu tư, đến ngày 10-4-2018 chỉ nhận một mặt bằng là vị trí đốc (ụ tàu) D85000DWT của Nhà máy Ba Son, còn lại toàn bộ chưa nhận được mặt bằng để triển khai dự án, bao gồm 11.115m2 đất Ba Son và 1.607m2 đất quân đội.

Ngày 26-4-2018, Đại Quang Minh tiếp tục có văn bản đề nghị UBND quận 1 (UBND TP giao quận 1 làm chủ đầu tư phần giải phóng mặt bằng dự án cầu Thủ Thiêm 2) sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2.

Trong đó chủ đầu tư cho biết Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu dự án cầu Thủ Thiêm 2 phải được hoàn thành trước 30-4-2020.

Đến tháng 7-2020, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo trước ngày 10-9-2020 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Thế nhưng chủ đầu tư cho biết đến nay việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa được thực hiện.

Cây cầu lại đình trệ trong khi chỉ còn nhịp cuối cùng.

"Cửa ải" kẹt xe

dp_thuthiem (1) 1(read-only)

Đường Tôn Đức Thắng bên ngoài công trường cầu Thủ Thiêm 2 thường xuyên kẹt xe do mặt đường đang bị thu hẹp để thi công - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với nhiều người qua lại ở khu vực xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 trên đường Tôn Đức Thắng, đây là "cửa ải" kẹt xe vì vị trí xây dựng cầu nằm ngay giao lộ từ trung tâm ra cửa ngõ thành phố qua cầu Sài Gòn để ra xa lộ Hà Nội hoặc ngược lại.

Do đó mật độ xe từ các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng đổ vào đường Tôn Đức Thắng rất lớn để vào đường Nguyễn Hữu Cảnh ra cầu Sài Gòn.

Ngược lại, dòng xe rất lớn từ cầu Sài Gòn qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để vào trung tâm thành phố khiến áp lực giao thông tại đây luôn căng thẳng.

Do xung quanh công trường là hàng rào tôn che chắn nên hạn chế tầm nhìn của người lái xe. Để đảm bảo an toàn, nhiều người phải chạy xe với tốc độ chậm càng gây thêm ùn ứ giao thông.

Mở không gian phía đông thành phố

Dự án xây cầu Thủ Thiêm 2 kết hợp với cầu Thủ Thiêm 1 (quận 2 - Q.Bình Thạnh) mở ra không gian về phía đông thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của TP.HCM, kết nối trung tâm thành phố với bán đảo Thủ Thiêm và biến bán đảo này thành một khu đô thị hiện đại. Đồng thời góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố.

Cây cầu này cũng giúp liên kết mạng lưới giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giải quyết được một phần bức bách nâng cấp hạ tầng cơ sở trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cầu Thủ Thiêm 2 được thiết kế có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465m. Trong đó phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Đây cũng là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và ban đêm.

* PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM):

Cần yêu cầu các đơn vị sớm làm việc lại với nhau

Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM những năm qua, khi hoàn thành sẽ giúp quãng đường di chuyển từ quận 1 sang quận 2 được rút ngắn, giảm bớt áp lực giao thông cho tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận 1), nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông khu vực phía đông thành phố phần nào được giải quyết. Cây cầu này còn đóng vai trò rất lớn trong kết nối, phát triển kinh tế - xã hội ở khu Đông thành phố.

Tuy nhiên, ngày khánh thành cầu đã dời tới dời lui vài lần và cho đến nay, cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa hẹn chính xác được ngày về.

Hầu hết hạng mục chính của cầu Thủ Thiêm 2 ở phía quận 2 đang đúng tiến độ thì bên quận 1 lại gặp trục trặc do giải phóng mặt bằng. Thi công trì trệ, vấn nạn kẹt xe kéo dài thêm ảnh hưởng tới đời sống, đi lại của người dân.

Ngoài ra, cây cầu này càng chậm hoàn thành rất dễ nảy sinh các vấn đề về vốn, cây cầu dang dở sẽ lãng phí vì không khai thác được.

UBND TP cần yêu cầu các đơn vị sớm làm việc lại với nhau, sớm chốt hẹn bàn giao mặt bằng để thi công phần còn lại trong năm 2020 để cây cầu sớm đưa vào sử dụng, hoàn thành sứ mệnh được người dân và thành phố kỳ vọng.

* TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Hoàn thành sớm là nhiệm vụ cấp bách

Hiện nay tốc độ phát triển dân cư, kinh tế ở khu vực phía đông thành phố rất nhanh chóng. Các khu đô thị tập trung ở quận 2 khiến hạ tầng nơi đây rơi vào quá tải, ùn tắc. Các tuyến đường trục chính như Lương Định Của, Mai Chí Thọ thường xuyên kẹt xe.

Vào giờ cao điểm cầu Thủ Thiêm 1 cũng đông nghẹt xe. Do đó cầu Thủ Thiêm 2 đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giải quyết ách tắc giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội hai bên đầu cầu.

Đặc biệt, trong quy hoạch giao thông, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ nối vào trục song song với đường Lương Định Của, trở thành 1 trong 2 trục giao thông chính của khu vực cửa ngõ phía đông.

Cầu Thủ Thiêm 2 cũng chính là trục kết nối 2 đô thị hạt nhân là khu đô thị trung tâm và khu đô thị Thủ Thiêm sau này. Từ đây sẽ có các kết nối liên vùng đi sân bay Long Thành, khu vực Đông Nam Bộ nhanh chóng, thuận tiện.

Việc hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 là nhiệm vụ cấp bách mà thành phố phải thực hiện. Đi liền với việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2, thành phố cũng phải sớm có các chính sách về đất đai, kinh tế ở khu vực Thủ Thiêm cho phù hợp.

* Ông Trần Minh Hiệp (một người dân sống ở quận 2):

Bao giờ xong trả lời cho dân rõ

Trước đây khi nghe cầu Thủ Thiêm 2 đưa vào hoạt động năm 2018 thì ai cũng mong chờ để có thêm sự lựa chọn đi lại, giải tỏa ùn tắc giao thông ở hàng loạt tuyến đường lớn tại khu Đông TP vốn đã quá tải từ lâu.

Sau đó công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công triển khai nhanh chóng, hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) được chặt đi thay vào là "lô cốt" chiếm dụng hơn phân nửa mặt đường.

Kể từ đó đến nay người dân đi lại phải chịu cảnh kẹt xe thường xuyên, có ngày kẹt cả sáng, trưa, chiều, cứ vào giờ cao điểm là kẹt dọc tuyến Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn.

Đặc biệt là cao điểm từ 17h - 18h mỗi ngày, tất cả xe chen nhau đi trên một phần đường chật hẹp hơn 2m trên đường Tôn Đức Thắng. Do "lô cốt" án ngữ trên đường, nhiều người đi xe máy đã leo lên lề để đi khiến vỉa hè xung quanh khu vực này đều bị "băm nát".

Tôi cho rằng chúng ta nên quyết liệt hơn trong công tác giải phóng bàn giao mặt bằng ở phía quận 1. Bao giờ xong phải trả lời cho dân rõ.

Bên cạnh đó các tuyến đường liên kết với cầu Thủ Thiêm 2 như Lương Định Của cũng cần sớm được nâng cấp, mở rộng, không để xuống cấp mãi được. Thông suốt được giao thông các điểm này thì giao thông, kinh tế, xã hội của toàn thành phố sẽ đổi thay rất nhiều.

THU DUNG ghi

Cầu Thủ Thiêm 2 chưa lắp đủ dây văng vì chờ giải tỏa Nhà máy Ba Son Cầu Thủ Thiêm 2 chưa lắp đủ dây văng vì chờ giải tỏa Nhà máy Ba Son

TTO - Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 để giảm bớt áp lực xe lưu thông qua đường hầm sông Sài Gòn đang gặp trắc trở vì vướng giải tỏa mặt bằng ở Nhà máy Ba Son quận 1.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên