Nsi (phải) tập luyện trong màu áo CLB Sài Gòn. Ảnh: N.K. |
Có được chứng chỉ hành nghề của FIFA từ năm 2006, bà MAE MUA từng “đạo diễn” nhiều thương vụ chuyển nhượng các ngoại binh đến V-League, cũng như đại diện cho nhiều cầu thủ thi đấu ở Brazil, Mỹ, Anh...
Công việc đại diện cầu thủ là thế nào, thưa bà?
- Nói một cách dễ hiểu, người đại diện cầu thủ sẽ thay mặt cầu thủ thực hiện các ký kết hợp đồng, công việc liên quan đến mặt pháp lý. Các cầu thủ thường có ít kiến thức, hiểu biết về khoản này nên rất dễ bị thiệt thòi khi ký hợp đồng.
Ở VN, các cầu thủ phần đông xuất thân con nhà nghèo. Lúc còn là cầu thủ trẻ, họ được CLB ký hợp đồng là cảm thấy mừng lắm rồi nên thường không để ý trong hợp đồng ghi cụ thể những gì, có những điều khoản nào. Việc ký hợp đồng như vậy hoàn toàn nằm trong tay CLB.
Bà tìm kiếm khách hàng như thế nào?
- Tôi hầu như không đi tìm cầu thủ, họ tự tìm đến tôi. Khi có được chứng chỉ hành nghề của FIFA, tên của tôi xuất hiện trên trang web của FIFA. Khi một cầu thủ muốn tìm cơ hội thi đấu ở quốc gia nào đó, họ sẽ vào trang web FIFA và tìm kiếm những người đại diện hợp pháp ở đây. Vì vậy, có nhiều cầu thủ và cả HLV nữa liên lạc với tôi để gửi hồ sơ của họ.
Bà Mae Mua. Ảnh: H.Đ. |
Ngoài hợp đồng với CLB, bà có tư vấn cho cầu thủ trong các hợp đồng hình ảnh, quảng cáo... hay không?
- Có, nhưng phần lớn là với cầu thủ ở nước ngoài. Cầu thủ ở VN gần như không có khái niệm về chuyện bản quyền hình ảnh. Công Vinh có thể xem như một trường hợp ngoại lệ ở VN.
Cách đây không lâu có vụ lùm xùm về chuyện công ty đại diện của thủ môn Bùi Tiến Dũng đăng công khai “bảng báo giá” các hoạt động của anh, bà nghĩ sao về việc này?
- Về mặt pháp lý, tôi không dám nói rằng công ty này sai bởi tôi không biết hợp đồng giữa CLB Thanh Hóa và Bùi Tiến Dũng có những điều khoản gì. Nhưng tôi không nghĩ làm như vậy là đúng.
Trong bóng đá chuyên nghiệp chẳng ai làm như vậy cả, dù có là tầm cỡ ngôi sao lớn đến mức nào đi nữa thì chuyện “giá cả” không ai lại công khai bao giờ, bởi mọi chuyện đều do người đại diện của cầu thủ thương thảo. Chưa kể với một ngôi sao mới nổi như Bùi Tiến Dũng, điều này lại càng không nên.
* Cầu thủ trẻ có được quyền có người đại diện không, thưa bà?
- FIFA không quy định độ tuổi tối thiểu để cầu thủ được có người đại diện. Nhiều cầu thủ trẻ ở nước ngoài có thể có người đại diện từ khi mới 12, 13 tuổi. Nhưng FIFA yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ của cầu thủ cũng phải tham gia ký vào hợp đồng đại diện cầu thủ. Người đại diện cầu thủ cũng sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào đến khi cầu thủ đến tuổi thành niên.
Chỉ nên trả khoảng 3% lương hoặc phí chuyển nhượng Để giảm thiểu những quy định rào cản nhằm trở thành một người đại diện, FIFA đã thực hiện một cuộc cải cách vào năm 2015. Đầu tiên là hệ thống cấp giấy phép. Trước năm 2015, một người đại diện cầu thủ được FIFA cấp giấy phép hoạt động cần trải qua bài kiểm tra cũng như bị đòi hỏi một số kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Còn theo quy định mới, người đại diện cầu thủ chỉ cần đăng ký với các hiệp hội bóng đá trong quốc gia họ hoạt động và trả một khoản phí. FIFA chỉ định nghĩa đơn giản về công việc của người đại diện là “đại diện cho cầu thủ hoặc CLB trong các cuộc đàm phán kết thúc hợp đồng hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng”. Nhưng xét một cách tổng quát, người đại diện sẽ có trách nhiệm trong việc quản lý các hợp đồng của cầu thủ với CLB và các nhà tài trợ, những vấn đề về bản quyền hình ảnh, quản lý tài chính cũng như những thủ tục pháp lý... Trong điều lệ được ban hành, FIFA chỉ khuyến cáo mức phí trả cho người đại diện nên nằm ở mức 3% lương của cầu thủ hoặc 3% phí chuyển nhượng. Theo thống kê của trang web chuyên về chuyển nhượng Transfermarkt.com, bóng đá thế giới hiện có 3.467 cơ quan môi giới bóng đá, 7.893 người đại diện hợp pháp và 122 quốc gia có giấy phép hành nghề hợp pháp. |
Dễ tranh chấp khi không có người đại diện Trước khi V-League 2018 khởi tranh, đã có 2 trường hợp tranh chấp cầu thủ vì sự thao túng của các tay “cò” môi giới. Đầu tiên là Claudecir - chân sút Brazil đã ghi 12 bàn thắng cho Quảng Nam ở V-League 2017. Dù còn một năm hợp đồng nhưng Claudecir đã đòi tăng lương và sau đó đòi thanh lý hợp đồng sớm, do đã nhận được lời chào mời hấp dẫn hơn từ một đội bóng khác ở V-League. Kế đó là Christian Jose Nsi Amougou, chân sút Cameroon ghi nhiều bàn thắng thứ hai ở V-League 2017 với 16 bàn. Dù đã tái ký hợp đồng với CLB XSKT Cần Thơ trước khi về nước nhưng sau khi trở lại VN, Nsi đã sang tập luyện tại CLB Sài Gòn - nơi có người quen cũ từng làm việc với nhau thời gian dài. Tranh chấp đó khiến ban tư cách cầu thủ của VFF phải vào cuộc xử lý và đưa ra phán quyết Nsi thuộc về XSKT Cần Thơ. N.K. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận