13/10/2017 09:15 GMT+7

Cầu thủ hạng 3 vất vả mưu sinh

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Không như các cầu thủ ở Giải hạng nhất và V-League có thu nhập tốt, các cầu thủ thi đấu ở Giải hạng ba quốc gia chỉ có thu nhập từ 2,7-5 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tiền ăn tại CLB.

Trung vệ Nhật Tân (Vĩnh Long) trong trận thắng Kiên Giang 5-0 ở lượt trận cuối Giải hạng ba quốc gia 2018 tại sân Thành Long chiều 9-10. Ảnh: N.K.
Trung vệ Nhật Tân (Vĩnh Long) trong trận thắng Kiên Giang 5-0 ở lượt trận cuối Giải hạng ba quốc gia 2018 tại sân Thành Long chiều 9-10. Ảnh: N.K.

Cầu thủ thi đấu ở Giải hạng ba quốc gia thực chất là tuyến trẻ của các địa phương. Vì thế, họ phải ăn ở tập trung và tập bóng đá suốt cả tuần.

“Mang tiếng là thi đấu ở giải không chuyên nghiệp nhưng các cầu thủ thực chất phải sống trong môi trường chuyên nghiệp bởi họ được chấm công hằng ngày và không được vắng mặt. Do đó, dù thu nhập có thể không đủ trang trải cho cuộc sống, các cầu thủ cũng khó có thời gian để đi làm thêm bên ngoài” - HLV Nguyễn Minh Cảnh của đội Vĩnh Long vừa giành quyền lên chơi ở Giải hạng nhì quốc gia 2018 chia sẻ.

Ở đội Vĩnh Long, các cầu thủ được hưởng chế độ 120.000 đồng/ngày cho ăn uống và 80.000 đồng/ngày (trừ bốn ngày chủ nhật trong tháng) cho tiền công tập luyện. Ăn uống tằn tiện lắm mới dư ra được 600.000 đồng, cộng với tiền tập luyện, tính ra mỗi cầu thủ nhận còn lại chưa đến 2,7 triệu đồng/tháng. Với các cầu thủ trẻ, số tiền đó chỉ đủ chi tiêu cá nhân hằng tháng hoặc dành dụm để mua một đôi giày thi đấu xịn.

Với bốn cầu thủ đã có gia đình trong đội Vĩnh Long là Nguyễn Hoàng Minh, Phan Nhật Tân, Hồ Chí Hơn và Huỳnh Văn Huyền, họ chọn cách chỉ ăn tại đội một bữa trưa, bữa sáng và tối thì ăn ở nhà để dư tiền ăn được trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Nhưng với tổng thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, cả bốn cũng rất vất vả để lo cho gia đình của mình.

Đội trưởng Nguyễn Hoàng Minh (28 tuổi) chia sẻ: “Thu nhập của tôi hằng tháng sau khi trừ đi còn nhận được gần 5 triệu đồng. Số tiền này rất khó khăn để tôi sống với niềm đam mê của mình và có thể lo cho gia đình. May mà vợ tôi cũng đi làm nên phụ thêm được để cùng lo cho con”.

Trung vệ Phan Nhật Tân (22 tuổi) tranh thủ làm thêm công việc tiếp nhận hồ sơ vay tín chấp cho một ngân hàng để kiếm thêm tiền lo cho cô con gái mới hơn 4 tháng tuổi. Công việc của Tân là đi gặp gỡ khách hàng có nhu cầu vay tín chấp, ghi hồ sơ và đem về nộp cho ngân hàng thẩm định.

Nhật Tân chia sẻ: “Nếu có khách hàng gọi, tôi tranh thủ gặp họ sau giờ tập hoặc vào cuối tuần khi toàn đội được nghỉ. Nếu khách hàng vay được tiền, tôi được 200.000-300.000 đồng/hồ sơ. Tuy nhiên, mỗi tháng tôi cũng chỉ kiếm được 1-2 hồ sơ vì không phải khách hàng nào cũng được ngân hàng duyệt cho vay. Ở Vĩnh Long không có dịch vụ xe ôm công nghệ. Nếu có chắc tôi cũng tranh thủ chạy thêm khi rảnh, miễn sao phải đảm bảo việc tập luyện và thi đấu cho tốt”.

Dạy bóng đá cộng đồng kiếm thêm thu nhập

Vụ án các cầu thủ Đồng Nai dàn xếp tỉ số ở V-League 2014 đã khiến bóng đá tỉnh này rơi vào khủng hoảng. Đồng Nai rớt hạng ở V-League 2015, sau đó giải thể luôn sau khi Giải hạng nhất 2016 kết thúc. Những cầu thủ cùng đội Đồng Nai chinh chiến ở V-League hay hạng nhất sau đó đi thi đấu khắp nơi và giờ quay trở lại với đội bóng quê hương tại Giải hạng ba quốc gia 2017 với những vai trò khác nhau.

Hậu vệ Nguyễn Vũ Ân (33 tuổi) và Lê Hữu Phát (29 tuổi) ra sân làm chỗ dựa cho các đàn em. Tiền vệ Nguyễn Xuân Thành (34 tuổi), thủ môn Danh Hoàng Tuấn (35 tuổi) vừa đảm nhiệm vai trò trợ lý vừa xỏ giày ra sân thi đấu. Cựu đội trưởng U-20 VN năm 2007 Nguyễn Đức Nhân (28 tuổi) đóng vai trò săn sóc viên cho đội... Thu nhập của họ dao động từ 4 triệu đến hơn 6 triệu đồng/tháng khiến nhiều cầu thủ rất khó khăn.

Một số cầu thủ tham gia dạy ở lớp bóng đá cộng đồng để kiếm thêm thu nhập. Do lớp mới mở nên chỉ có khoảng 20 học viên nhí, nhưng dù sao đó cũng là tín hiệu vui để họ yên tâm cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà.

Cầu thủ đội Bà Rịa - Vũng Tàu được chăm sóc tốt hơn

Với tham vọng được thi đấu ở giải đấu cao nhất của bóng đá VN, Bà Rịa - Vũng Tàu là đội bóng được đầu tư tốt nhất ở Giải hạng ba quốc gia 2017 và đã giành quyền thăng hạng nhì 2018.

Do không có nguồn cầu thủ sẵn có, đội đã mượn 23 cầu thủ trẻ 18 đến 20 tuổi từ các CLB như Sông Lam Nghệ An (SLNA), TP.HCM, Bình Dương, An Giang để thi đấu trong khoảng thời gian hai tháng trước và trong giải. Trong đó, đông nhất là từ đội U-19 SLNA với 15 cầu thủ. Ngoài việc được lo ăn ở, các cầu thủ còn nhận được tiền công 5-6 triệu đồng/tháng. HLV trưởng Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ đây là số tiền khá lớn với các cầu thủ trẻ, nhất là so với mức mà các cầu thủ trẻ SLNA nhận được.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hạng ba mưu sinh