TP.HCM đưa ra phương án khai thác sử dụng cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và cầu tàu Ba Son để thu hút, phát triển và khai thác bến du lịch - Ảnh: LƯU DUYÊN
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay cầu tàu số 1 (bến ga tàu thủy Bạch Đằng) do Công ty TNHH Thường Nhật quản lý vận hành. Nơi đây được sử dụng làm bến kết nối hai tuyến buýt thủy phục vụ du lịch đường thủy.
Cầu tàu số 2 nằm ở vị trí bờ phải sông Sài Gòn, do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP khai thác phục vụ khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi thành phố Vũng Tàu.
Cầu tàu số 3 nằm đối diện trục đường Nguyễn Huệ đã không còn hoạt động bến thủy nội địa, đã được chỉnh trang thành công viên công cộng. Cầu tàu này do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố sử dụng.
Cầu tàu số 4 cũng không còn hoạt động bến thủy và đã là công viên công cộng.
Cầu tàu Ba Son (đối diện 4B Tôn Đức Thắng, quận 1) do UBND quận 1 sử dụng. Hiện nay đang tạm ngưng.
Căn cứ vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha) và ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất phương án tổ chức sử dụng cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và cầu tàu Ba Son.
Đối với cầu tàu số 1: Công ty TNHH Thường Nhật tiếp tục quản lý vận hành, làm bến kết nối hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, phục vụ du lịch đường thủy.
Đối với cầu tàu số 2: Trung tâm Quản lý đường thủy chịu trách nhiệm quản lý cầu tàu số 2, phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố điều hành hoạt động bến thủy nội địa tại cầu tàu số 2 phục vụ mục đích công cộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc Greenlines DP từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đối với cầu tàu số 3: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố thuộc Sở Xây dựng tiếp tục quản lý, sử dụng với chức năng công viên như hiện trạng.
Đối với cầu tàu số 4: Giao tài sản cầu tàu cho Trung tâm Quản lý đường thủy để tổ chức quản lý, khai thác bến thủy nội địa hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy (cho các phương tiện thủy nội địa cập bến đón trả khách, không neo đậu).
Đối với vị trí vùng nước giữa cầu tàu số 3 và cầu tàu số 4: Chấp thuận cho Cục Hải quan thành phố neo đậu một phương tiện ca nô công vụ (công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên các tuyến đường thủy).
Đối với cầu cảng B, C của cầu tàu Ba Son: Sau khi quy hoạch bến thủy nội địa tại cầu cảng B, C của cầu tàu Ba Son được phê duyệt, giao tài sản cầu cảng cho Trung tâm Quản lý đường thủy để quản lý, khai thác vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy và nơi neo đậu phương tiện của các cơ quan chức năng (Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra Sở Giao thông vận tải).
Nhằm tận dụng phát huy các cơ sở hạ tầng hiện có khu công viên bến Bạch Đằng, cầu tàu Ba Son phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng, kết hợp du lịch đường thủy, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận