Đại lễ có sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, phật tử và người nhà các nạn nhân từ khắp nơi đổ về để cầu siêu cho người thân, đồng bào không may qua đời vì tai nạn giao thông.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 20 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về, cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông, hàng trăm người đau xé lòng vì mất đi người thân yêu.
Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết đại lễ cầu siêu không chỉ tưởng niệm, cầu cho hương linh nạn nhân tai nạn giao thông được siêu thoát, mà còn gửi đến những người đang sống thông điệp hữu ích.
Thông điệp đó là không có gì quý hơn sinh mạng. Mỗi người cần có ý thức giữ gìn cuộc sống quý báu của mình, chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông để tham gia giao thông an toàn cho bản thân và tất cả những người xung quanh.
Đại lễ cầu siêu năm 2023 nằm trong chuỗi các hoạt động "Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2023", hưởng ứng tinh thần nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về "Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu", công bố Thập kỷ hành động thứ hai vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.
Qua đó, gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.
Đồng thời, kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận