26/08/2015 14:10 GMT+7

Cầu nối truyền tin Biển Đông

PHẠM THỊ KIM LIÊN, (TP NHA TRANG, KHáNH HòA)
PHẠM THỊ KIM LIÊN, (TP NHA TRANG, KHáNH HòA)

TT - Tôi là mẹ của hai thuyền trưởng tàu cảnh sát biển. Những ngày Biển Đông dậy sóng, liên lạc với các con không được, nhờ Tuổi Trẻ tôi như “thấy” các con mình đang anh dũng chiến đấu với kẻ thù, với cướp biển.

Thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 4034 Lê Tiến Kim theo dõi trên rada việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam rạng sáng 16-7-2014 Ảnh: Hà Bình
Thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 4034 Lê Tiến Kim theo dõi trên rada việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam rạng sáng 16-7-2014 - Ảnh: Hà Bình

Tôi có hai con trai thì cả hai đều là cảnh sát biển VN. Con lớn là đại úy Lê Hải Trường (33 tuổi) và con trai út là đại úy Lê Tiến Kim (30 tuổi). Cả hai đều là những thuyền trưởng trẻ chỉ huy các con tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Rơi nước mắt với “Nhật ký Hoàng Sa”

Giữa năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của VN trong 75 ngày, mỗi sáng sớm tôi đều chờ đợi Tuổi Trẻ (thường được đưa đến quầy báo bán lẻ nhà tôi lúc gần 5g sáng) để đọc ngay những thông tin, hình ảnh nóng bỏng do phóng viên của báo có mặt trên các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư ngoài thực địa gửi về.

Chính nhờ chuyên mục “Nhật ký Hoàng Sa” hằng ngày mà tôi biết được con trai Lê Tiến Kim của mình, là thuyền trưởng tàu CSB 4034, đã bám trụ liên tục 25 ngày đêm ở Hoàng Sa, cùng đồng đội cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp khác của VN đã mưu trí, anh dũng, bền gan đấu tranh với tàu Trung Quốc thế nào.

Tôi đọc “Nhật ký Hoàng Sa" ngày thứ 61 mà rơi nước mắt khi hai phóng viên My Lăng, Đức Bình của Tuổi Trẻ miêu tả tối 29-6-2014, tàu CSB 4034 của Kim bị tàu hải cảnh của Trung Quốc chiếu thẳng đèn công suất cực lớn vào cabin buồng lái, tiếp đó tấn công liên tục trong 25 phút bằng trò chiếu đèn công suất lớn nhưng tắt nháy liên tục để gây ảnh hưởng đến mắt và tầm quan sát của chiến sĩ trên tàu ta.

Dù vậy, tàu CSB của Kim và các đồng đội vẫn bình tĩnh luồn lách, giữ vững đội hình, tiến sâu về phía giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Những ngày biển cả Hoàng Sa đầy sóng to gió lớn đó, trong lòng người mẹ là tôi cũng gió dông bội phần.

Mỗi sáng khi chưa kịp dọn hàng ra, cầm xấp báo Tuổi Trẻ trên tay, tôi phải đọc ngay những thông tin, bài viết về Hoàng Sa để biết tình hình của các lực lượng chấp pháp của mình ngoài đó, và cũng để hi vọng được hình dung ra con trai Lê Tiến Kim của mình làm nhiệm vụ thế nào.

Trong suốt 75 ngày Hoàng Sa oanh liệt năm 2014 ấy, Tuổi Trẻ là cầu nối truyền tin về đứa con xa đang làm nhiệm vụ ngoài thực địa cho người mẹ hậu phương ở nhà. Tôi rất ấm lòng và vinh dự.

Bà Phạm Thị Kim Liên bên cuốn sổ dán các bài báo Tuổi Trẻ viết về hai con trai thuyền trưởng cảnh sát biển Lê Hải Trường, Lê Tiến Kim - Ảnh: DUY THANH
Bà Phạm Thị Kim Liên bên cuốn sổ dán các bài báo Tuổi Trẻ viết về hai con trai thuyền trưởng cảnh sát biển Lê Hải Trường, Lê Tiến Kim - Ảnh: DUY THANH

Tự hào khi con là cảnh sát biển

“Những ngày biển cả Hoàng Sa đầy sóng to gió lớn đó, trong lòng người mẹ là tôi cũng gió dông bội phần. Xin cảm ơn Tuổi Trẻ đã đi cùng những bước đi của sự kiện, với nhịp đập, hơi thở của cuộc sống và sự phát triển của quê hương, đất nước, mang lại những thông tin hạnh phúc cho mọi người, trong đó có gia đình chúng tôi

Cuối năm 2014, lại một sự kiện khác liên quan đến “gia đình cảnh sát biển” nhà chúng tôi lại được nhắc trên Tuổi Trẻ.

Đó là sự kiện con trai Lê Hải Trường của tôi, thuyền trưởng tàu CSB 4031, cùng tàu CSB 4034 do em trai Lê Tiến Kim làm thuyền trưởng cùng các tàu khác của cảnh sát biển, dưới sự chỉ huy của chú ruột là đại tá Lê Xuân Thanh (chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 3) đã bắt gọn 11 tên cướp biển Indonesia cướp tàu Zafirah của Malaysia trong vùng biển phía Nam VN.

Báo Tuổi Trẻ sau đó đã có loạt bài nhiều kỳ “Cảnh sát biển VN chạm trán cướp biển” viết về câu chuyện bắt cướp biển rất mưu trí, anh dũng này.

Nhờ có báo, tôi và gia đình mới biết được các tình tiết Trường trao đổi bằng tiếng Anh với toán cướp suốt 39 giờ; hai anh em cùng chỉ huy tàu, phối hợp với nhau để tấn công toán cướp; chú Thanh đi tàu CSB 2001 nhưng ra tới thực địa là lên luôn tàu của Trường để ra lệnh buộc bọn cướp phải đầu hàng để Trường phiên dịch lại, hai chú cháu sát bên nhau nhưng không có giây phút rảnh để hỏi thăm tình cảm bởi nhiệm vụ bắt cướp rất cấp bách, căng thẳng...

Với độ lan tỏa rộng lớn, những bài viết của Tuổi Trẻ trong “Nhật ký Hoàng Sa” hay về việc cảnh sát biển bắt cướp biển đã làm dậy lên thêm lòng yêu nước trong mọi người.

Bà con láng giềng ở cùng khu phố cũng như từ quê xa Hà Tĩnh, rồi đồng đội bạn bè cũ khắp nơi, anh chị em sinh hoạt Đảng chung, cán bộ hưu trí... gọi điện, trực tiếp đến thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng gia đình tôi.

Tôi nhớ khi Tuổi Trẻ đăng bài về cảnh sát biển bắt cướp biển có in hình ảnh của Lê Hải Trường thì tôi đang trên tàu từ Khánh Hòa về quê Hà Tĩnh.

Một người bạn đi cùng đọc báo Tuổi Trẻ trên điện thoại đã la lên: “Thằng Trường, thằng Kim nhà chị bắt cướp biển nước ngoài được báo đăng đây nè”. Tôi đọc xong mà không giấu được niềm xúc động.

Về tới quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh thì đi tìm tờ báo Tuổi Trẻ không có, tôi phải điện thoại về Nha Trang nhờ cháu mua hộ mấy tờ, cất giùm để tôi lưu giữ. Vợ chồng già chúng tôi rất xúc động, tự hào khi có hai con trai là những chiến sĩ cảnh sát biển dũng cảm, góp phần bảo vệ cho đất nước bình yên.

Tôi cắt tất cả bài viết “Nhật ký Hoàng Sa”, những bài viết “Cảnh sát biển VN chạm trán cướp biển” trên báo Tuổi Trẻ đóng thành tập để tặng hai con trai Lê Hải Trường, Lê Tiến Kim khi các con về thăm nhà sau những chuyến công tác cân não với kẻ thù, với cướp biển ngoài khơi xa.

Tôi cũng cắt các bài báo đó dán vào một cuốn sổ để lưu giữ mãi cho cuộc đời mình.

PHẠM THỊ KIM LIÊN, (TP NHA TRANG, KHáNH HòA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên