25/06/2020 08:58 GMT+7

'Cầu nối' chính quyền điện tử

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Gần như tất cả các dịch vụ công ở TP Đà Nẵng đều có thể được xử lý qua mạng nhưng để thay đổi thói quen của người dân làm thủ tục trực tuyến thay vì trực tiếp đến cơ quan hành chính không phải là chuyện sớm chiều.

Cầu nối chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân dùng dịch vụ công trực tuyến tại “khu dân cư điện tử” - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đi tìm công dân điện tử

Để làm thủ tục khai sinh cho đứa cháu đầu, trước đây ông Lê Công Trí, người dân phường Nam Dương (quận Hải Châu) phải mang Giấy chứng sinh, sổ Hộ khẩu và các loại giấy tờ chứng minh về nhân thân lên phường đăng ký. 

Tuổi cao, ông Trí cũng không hề biết chỉ cần ngồi nhà làm vài động tác "click chuột" là thủ tục này có thể giải quyết. Vừa qua khi phường Nam Dương triển khai mô hình "khu dân cư điện tử" ông Trí được các đoàn viên hướng dẫn cách làm thủ tục qua mạng một cách nhanh chóng, tiện lợi.

"Đứa cháu trước tôi phải chạy lên phường làm giấy khai sinh còn lần này chỉ cần ra khu dân cư là được. Đã được hướng dẫn nên lần sau tôi có thể ngồi nhà mở máy tính để làm nhiều thủ tục"- ông Trí nói. 

Theo ông Trí, điều thuận lợi khi đến với khu dân cư điện tử là được những tình nguyện viên hướng dẫn rất tận tình, lại không phải xếp hàng chờ như lúc đến làm tại cơ quan hành chính. Còn việc giải quyết thủ tục qua mạng thì được cái thuận tiện là ông có thể theo dõi quá trình giải quyết công vụ, biết lúc nào hồ sơ của mình họ giải quyết xong.

Mô hình "khu dân cư điện tử" ở phường Nam Dương được chọn đặt tại nhà văn hóa trên đường Lê Đình Dương, nơi người dân dễ dàng tới lui. Hai chiếc máy tính kết nối mạng, máy scan và các tình nguyện viên luôn có mặt để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Bạn Cao Hữu Chiến, đoàn viên thanh niên phường Nam Dương, cho biết đây là mô hình thu nhỏ của "chính quyền điện tử" ở khu dân cư, hỗ trợ người dân thực hiện 5 thủ tục chính làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, xác định tình trạng hôn nhân và thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch.

 Mục tiêu chính của các tình nguyện viên là giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công qua mạng, hướng dẫn để họ biết và sử dụng lâu dài chứ không làm thay.

"Người dân đến đây sẽ được chúng tôi hướng dẫn mở tài khoản công dân điện tử và làm các thủ tục qua mạng. Có thêm những người chọn cách làm thủ tục hành chính qua mạng sẽ bớt đi gánh nặng công việc tại nơi tiếp nhận, người dân cũng không mất thời gian chờ đợi" – Chiến nói.

Cầu nối chính quyền điện tử - Ảnh 2.

Đoàn viên thanh niên Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng tham gia vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực truyến- Ảnh: THY PHƯƠNG

Thuận lợi để lôi kéo dân

Theo anh Hồ Phong Bảo, bí thư đoàn phường Nam Dương, trước đây để vận động người dân quen dần với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các đoàn viên cũng đã đến tận nhà hỗ trợ làm quen trên hệ thống. 

Tuy nhiên cách này khá mất thời gian, không đến đúng người đang thực sự có nhu cầu. Mô hình "khu dân cư điện tử" ra đời có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường nhưng tổ chức tại điểm sinh hoạt chung của người dân. 

Điều này sẽ tạo thuận lợi để người dân tương tác dễ dàng, tránh trường hợp tập trung đông người, chờ đợi, xếp hàng tại khu vực một cửa.

Ngoài ra có thêm thuận lợi là các tình nguyện viên tại khu dân cư điện tử nắm rõ từng trường hợp tại địa phương sẽ hướng dẫn tận tình để người dân có thể thao tác dễ dàng hơn. 

"Cái hay của mô hình này là giúp người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Không chỉ tạo sự gần gũi giữa chính quyền và người dân mà về lâu dài còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho toàn xã hội thông qua việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn"- anh Bảo nói.

Mục tiêu của mô hình là hướng tới việc phổ biến cho mỗi hộ một người biết thực hiện các thao tác làm thủ tục qua mạng. Do vậy anh Bảo cho biết sẽ "quay vòng" tổ chức tại nhiều khu dân cư trên địa bàn phường. 

Tính đến nay tại phường đã có khoảng 2.000 tài khoản được mở bởi các đối tượng từ 18-35 tuổi. Quận Hải Châu cho biết sẽ triển khai mô hình này tại 13/13 phường trong thời gian tới. 

Theo Sở Thông tin truyền thông TP Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố đã đủ năng lực giải quyết trực tuyến gần như 100% các thủ tục. Nhưng đây mới là phần từ phía cơ quan nhà nước, phần quan trọng còn lại là từ việc người dân chung tay sử dụng dịch vụ trực tuyến này.

Do vậy những mô hình giúp người dân nâng cao ý thức và tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến là vô cùng cần thiết, bởi lâu dài đây là giải pháp tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho các cơ quan.

Việc nghĩa sá chi Việc nghĩa sá chi

TTO - Ngôi nhà tạm của ông Nguyễn Tư (ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thường xuyên nghe tiếng gõ "thùng thụng" vào cửa tôn mỗi khi có người lạ tìm đến. Họ đều trong bộ dạng hồn xiêu phách lạc vì gia đình chẳng may có thành viên gặp nạn.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên