Một nhóm bán hàng rong hăm dọa du khách để ép mua đồ cúng tế trước cổng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - Ảnh: Đức Vịnh |
Từ ngã ba chùa Tây An đến trước mặt lăng Thoại Ngọc Hầu, du khách cứ lần lượt bị hết tốp này đến tốp khác vây quanh níu kéo nài mời mua nhang đèn, bông hoa, vé số.
Đủ kiểu trấn lột
Ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch UBND P.Núi Sam, cho biết khu vực núi Sam có hơn 100 người bán hàng rong và 30 người liên quan đến bói toán, đoán xăm, cúng hạn. Trước tết chính quyền, công an địa phương mời họ đến phường để tuyên truyền, yêu cầu làm cam kết không được bán hàng lừa gạt du khách và hành nghề mê tín dị đoan. Tuy nhiên chỉ khoảng 50 người có mặt và sau đó nhiều người vẫn tiếp tục hành nghề. |
Thấy ba du khách có vẻ sang trọng chuẩn bị vào cổng miếu Bà, cánh bán hàng dạo liền lên tiếng tranh nhau xí phần “mối của tao nghe, của tao đó” rồi chạy ùa tới mời mua nhang đèn. Khách mua vừa trả tiền xong liền có một nhóm khác bám theo “tiếp thị” phải mua thêm gạo, muối, dầu ăn để cúng thì... Bà Chúa Xứ mới chịu chứng và để được ban phước, tài lộc.
Sau những lời lẽ thống thiết như được “lập trình” sẵn, họ dúi vào tay khách túi nilông đựng sẵn mấy gói gạo muối, chai dầu ăn rồi đẩy khách vào miếu, bảo: “Mấy anh chị cứ đem vào cúng đi cho kịp giờ tốt cái đã, lát sau ra tính tiền cũng được”.
Nhìn mấy món hàng trị giá chẳng bao nhiêu nên khách cầm theo vào miếu cúng, khi vừa trở ra liền gặp ngay đám đông với vẻ bặm trợn xúm lại đòi phải trả 2 triệu đồng. Khách chưa kịp phân bua liền bị họ hăm dọa nên chỉ còn nước... móc tiền trả.
Hai chị em bà Lê Thị Hằng (Long Thành, Đồng Nai) được một nhóm bán hàng dạo “tư vấn”: bà 50 tuổi, tuổi này năm nay gặp hạn lớn phải cúng đủ gạo muối, dầu mỗi thứ 50kg.
Trước vẻ… nhiệt tình và những lời ngon ngọt như mía lùi ấy, bà đồng ý mua. Nhóm này đưa chị em bà vào cúng với hai bao buộc kín. Bà thắc mắc về số lượng vật phẩm mình mua, bọn họ bảo “tụi tui xách vô cúng giùm luôn rồi”, và xẵng giọng: “Tổng cộng 4 triệu đồng, đưa ngay đây!”.
Khi bà bảo không đủ tiền, đám đông liền vây lấy hùng hổ bảo: “Tụi này kéo bà lên núi lột sạch quần áo xem bà còn tiền hay không”. Quá hoảng sợ, bà Hằng vét túi, giỏ xách chỉ được 2 triệu đồng đưa họ, một người trong nhóm còn giật lấy thêm điện thoại di động. “Cầu may, giải hạn đâu chưa thấy mà đã gặp nạn trước mắt” - bà Hằng kể lại với vẻ ấm ức.
Mất tiền vì cúng giải hạn
Chiều 13-2, tốp du khách đến từ Vũng Tàu mang nhang đèn, bông hoa, trái cây chuẩn bị vào miếu Bà cúng thì phát hiện người bị mất điện thoại, người bị móc sạch túi.
Cúng xong ai nấy đều lộ vẻ buồn bã, nhanh chóng lên xe quay về, dù trước đó họ lên lộ trình sẽ tiếp tục đi mua sắm ở chợ cửa khẩu Tịnh Biên, rồi du lịch ở Hà Tiên. “Gặp cảnh này chán ngán quá rồi, chẳng còn thiết tha tham quan, mua sắm gì nữa” - bà Hồ Thanh Hương, một du khách, than thở.
Dọc đường lên núi luôn có nhiều tốp phụ nữ, thanh thiếu niên cầm nhang đèn đứng ngồi chực chờ sẵn. Họ vây lấy khách mời mọc, nài ép mua hàng cho bằng được, mỗi ốp nhang giá cao gấp nhiều lần.
Số này còn bám theo gạ gẫm xem bói, xin xăm, mua bùa chú. Khách được dẫn vào mấy ngôi chùa nhỏ, am thất ở phía sau lăng Thoại Ngọc Hầu. Ai lỡ vào đấy trở ra đều mang vẻ mặt như… đưa đám.
Bà Nguyễn Thu Mai (Gò Vấp, TP.HCM) kể hai mẹ con bà đi lễ chùa được hai phụ nữ gạ xin xăm, sau đó dẫn tới một căn nhà tường xây. Tại đây một người đàn ông xưng là thầy M.K. vừa giải xăm, vừa coi bói phán rằng gia đình bà sắp gặp đại nạn.
Thấy mẹ con bà phân vân, thầy phán tiếp: “Ngay trên đường về nhà hôm nay coi chừng bị tai nạn xe cộ, hai mẹ con bà kẻ chết không kịp trối, kẻ bị tật nguyền suốt đời. Thôi đưa tiền thầy mua lễ vật cúng giải trừ kiếp nạn cho”. Bà Mai cho hay “tua” xin xăm xem bói và nhờ cúng ấy… tốn mất 4 triệu đồng.
Trong vai khách hành hương, chúng tôi cũng được dẫn tới một am thất tại đây. Tay thầy bói cứ huyên thuyên đủ điều, rồi gạ đưa 2 triệu đồng để cúng giải hạn giùm. Chúng tôi bảo không đủ tiền rồi bước ra, thầy bám theo cảnh báo: “Trên đường về coi chừng huynh bị xe đụng đó. Nếu có quen biết ai ở đây thì đi mượn hay rút thẻ ATM đưa tiền cho thầy cúng giải nạn rồi hãy về”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận