Cầu Phước An được khởi công vào tháng 6-2023, do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, với tổng số tiền lên đến gần 4.900 tỉ đồng.
Theo đó, ở phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường dẫn lên cầu, những khối bê tông của mố, trụ cầu đã hình thành. Trên lòng sông Thị Vải, hai trụ tháp của nhịp chính cầu đã nổi trên mặt nước.
Phước An là cầu quan trọng trong kết nối giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Bởi hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) có thể lưu thông dọc đường liên cảng, qua cầu để lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Khi có cầu này, một phần xe cộ chở hàng hóa từ cảng hay đến cảng không phải đi qua quốc lộ 51.
Chưa hết, cầu còn có vai trò liên kết giao thông giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ
Ngày 28-2, Ban quản lý dự án giao thông Cái Mép - Thị Vải (thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - chủ đầu tư dự án cầu Phước An - cho biết đang tổ chức thi công 2/5 gói thầu xây lắp với ba mũi thi công liên tục. "Tiến độ thực hiện đang vượt hai tháng so với hợp đồng", lãnh đạo ban này thông tin.
Đáng chú ý theo chủ đầu tư, Phước An là cầu dầm - cáp hỗn hợp (extradosed), với hai tháp trụ của nhịp chính. Khoảng cách giữa hai trụ nhịp chính là 250m.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cuối tháng 2-2024, hình hài một cây cầu lớn đã hình thành bên dòng Thị Vải. Dưới đây là những hình ảnh thi công tại cầu Phước An.
Dòng sông uốn quanh vùng Đông Nam Bộ
Sông Thị Vải dài hơn 50km, bắt nguồn từ suối Bưng Môn (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) chảy theo hướng đông nam đổ ra Biển Đông tại vịnh Gành Rái.
Cầu Phước An bắc qua sông này đoạn thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cầu Phước An dài gần 4,4km, trong đó phần cầu dài hơn 3,5km, phần đường dẫn lên cầu dài gần 250m.
Tiến độ thi công cầu dự kiến là 5 năm kể từ ngày khởi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận