Ann Hiatt hiện đang là chủ của một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, chia sẻ kiến thức cho các khách hàng là CEO của các doanh nghiệp trên khắp thế giới. Để có được một nền tảng vững chắc, Ann Hiatt từng làm việc tại Thung lũng Silicon suốt 15 năm qua, khi có cơ hội hợp tác cùng hàng loạt các công ty lớn như Amazon, Yahoo hay Google...
Đầu tháng 11, cô gây sốt khi chia sẻ câu chuyện được chính Jeff Bezos tuyển dụng trên trang cá nhân của mình.
Ann Hiatt lớn lên ở khu Redmond (bang Washington). Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nộp đơn ứng tuyển vào vị trí trợ lý năm 2002 ở Amazon. Lúc ấy, Ann hoàn toàn không có bất kỳ mối quan hệ nào tại công ty. Cô thậm chí còn chẳng có bằng khoa học máy tính, và "mù tịt" luôn ở khoản kinh nghiệm làm trợ lý cho một CEO.
Chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc bị loại, thế nhưng Ann vẫn vượt qua hàng loạt vòng phỏng vấn tại Amazon, kể cả với các quản lý cấp cao.
Tuy nhiên, hi vọng về một vị trí có trong Amazon gần như tắt ngúm, khi cô không nhận được bất cứ hồi âm nào sau vài tháng. Một ngày đầu tháng 10-2002, một nhân viên tuyển dụng gọi điện cho cô, đề nghị tham gia vào cuộc phỏng vấn tiếp nữa và xác nhận rằng, đây là cuộc phỏng vấn cuối cùng.
Đến ngày hẹn, cô mang tâm trạng vô cùng thoải mái, cho đến khi Jeff Bezos bước vào văn phòng. Cô hơi bỡ ngỡ, sau đó cảm thấy choáng váng khi bắt đầu nhận được lời hứa chỉ "hỏi đúng 2 câu" từ vị CEO này.
Bezos lấy bút và viết lên bảng: "Chúng ta sẽ làm toán. Tôi muốn cô tính được tất cả số ô cửa kính ở thành phố Seattle này?".
Câu hỏi thực sự hóc búa và đánh đố một cử nhân vừa chân ướt chân ráo rời giảng đường đại học như Ann Hiatt. Cô dần trấn tĩnh lại, phán đoán rằng Jeff Bezos đang muốn thử thách tư duy của cô, hơn là tìm ra một con số chính xác.
Ann Hiatt bắt đầu bằng việc ước lượng số dân ở Seattle, khoảng 1 triệu người. Sau đó, cô đưa ra lập luận rằng, mỗi người có một căn nhà, một chiếc ôtô và một văn phòng hoặc trường học, tất cả những nơi đó đều có ô cửa sổ.
Cô giả lập các phép toán, đưa ra những tình huống có thể xảy ra, thậm chí cả các trường hợp ngoại lệ. Ann phân tích rồi đưa các con số cho Bezos điền vào tấm bảng trắng. Dần dần, những con số liên quan đã lấp đầy các khoảng trống đang có trên bảng, trong hơn 10 phút.
Lời cuối cùng được Jeff Bezos đưa ra ở câu hỏi này là: "Tôi cảm thấy có vẻ đúng đấy!". Và câu hỏi "vui vẻ" của ông chủ Amazon đã được giải quyết gọn gàng.
Ở câu hỏi thứ 2, Jeff Bezos đưa ra là: "Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?", khá chung chung. Nhưng với Ann thì đây là một câu hỏi khá thú vị.
Cô trả lời: "Tôi tin rằng, ở Amazon mọi người đều ôm trong mình rất nhiều tham vọng và khát khao. Chắc chắn tôi cũng giống họ. Và mong mỏi được học hỏi từ họ, những người đi trước. Điểm mạnh của họ là điều mà tôi đang muốn bản thân mình hướng đến, phấn đấu. Dù trước đây, tôi từng có mục tiêu trở thành một giáo sư, nhưng tôi đã thay đổi tư duy, muốn trải nghiệm tại Amazon".
Ann cũng cho biết thêm, câu trả lời của cô còn có phần nêu rõ điểm yếu của bản thân, là "chưa có kinh nghiệm gì ở vị trí trợ lý", nhưng bản thân nhận thức được điều đó nên sẽ luôn trong tình trạng sẵn sàng để nỗ lực phát triển và thành công.
Chẳng cần chờ đến ngày hôm sau, cô được Jeff Bezos chỉ ngay cho một chiếc bàn, cách chỗ ông ngồi tầm 3 sải chân. Sau nhiều năm, cô mới hiểu vì sao CEO Amazon đã ưu ái dành cho một cô sinh viên vừa ra trường một vị trí như vậy. Thực ra, Jeff mong muốn có được những con người đầy tính quyết tâm và sáng tạo, dù thiếu hụt chuyên môn, kinh nghiệm.
Và cũng chính nhờ trải nghiệm này, Ann đã học được một bài học là luôn tìm kiếm những ai có tham vọng, thay vì những người luôn "chờ nước đến chân mới nhảy" hay cần sự thúc giục. Điều này đã giúp ích được Ann trên con đường xây dựng sự nghiệp của bản thân trong suốt 15 năm lăn lộn ở những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận