20/06/2015 08:40 GMT+7

Câu hỏi kiểu bành trướng quân sự

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Tâm lý thôi thúc trở thành nước lớn đã thể hiện một cách bi hài qua một câu hỏi của một nhà báo Trung Quốc trong cuộc họp báo giới thiệu nội dung Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung của trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel.

Ching Yi Chang của Tập đoàn truyền thông Shanghai Media Group hí hửng nêu câu hỏi: “Liệu tại đối thoại sắp tới, Mỹ sẽ hân hoan tiến bước tiếp trên các thỏa thuận mà Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt năm ngoái tại Bắc Kinh nhằm tránh đối đầu quân sự ở châu Á hay không?”.

Câu hỏi đó, trên bề nổi, thể hiện một thói quen đưa “tin lễ tân” với kết quả là tuyên bố chung này, thỏa thuận kia và ở đây là thỏa thuận năm ngoái.

Tuy nhiên trong chiều sâu, câu hỏi trên phản ánh tâm lý “đang là cường quốc” tranh giành thế giới khi tóm tắt thỏa thuận Bắc Kinh năm ngoái “nhằm tránh đối đầu quân sự ở châu Á”. Cách đặt câu hỏi của Chang phản ánh nỗi háo hức của một “anh chị” đang nổi lên muốn tranh giành ảnh hưởng.

Nếu thật sự xem sự trỗi dậy hiện nay là “cuộc phát triển hòa bình” thì làm thế nào việc Trung Quốc phát triển lại có thể dẫn đến đối đầu quân sự cho được?

Từ lâu rồi Trung Quốc vẫn đang xuất siêu so với các nước cũng đã có sao đâu, ngoại trừ những phản đối bảo hộ hay sản xuất kinh doanh không hợp pháp hay “lành mạnh”. Chẳng nước nào phản đối hay tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất cả!

Nếu chỉ suy nghĩ trở thành siêu cường kinh tế, thậm chí siêu cường phát triển xã hội thì làm sao lại phải nghĩ đến “tránh đối đầu quân sự ở châu Á”, trừ phi là do muốn bành trướng quân sự ở châu Á.

Câu hỏi của Chang đã được ông Russel biến thành một bài học “làm siêu cường là làm sao?”. Ông bắt đầu bằng cách trả lời đúng trọng tâm câu hỏi: “Có một quyết tâm vững chắc từ phía Mỹ để tránh việc đối đầu quân sự, kể cả với Trung Quốc”.

Thế nhưng ông lên lớp ngay: “Đối đầu quân sự phục vụ lợi ích của ai?”. Và rồi ông tỏ rõ vấn đề không phải là giữa Mỹ và Trung Quốc đối đầu, mà là vấn đề của cả thiên hạ: “Quả thật vấn đề Biển Đông là quan trọng trong các cuộc thảo luận Mỹ - Trung, song đó không phải là một vấn đề cơ bản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là vấn đề giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.

Đây là một vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Và thẳng thắn mà nói, đó là một vấn đề giữa Trung Quốc với luật pháp quốc tế. Đó là câu hỏi về tương lai của Trung Quốc và sự lựa chọn của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc, trong khi phát triển, cam kết hoạt động tương ứng với luật pháp quốc tế và quy tắc toàn cầu; nếu Trung Quốc, trong khi phát triển, bày tỏ quyết tâm duy trì các mối quan hệ mạnh mẽ, khỏe mạnh, tích cực với các nước láng giềng, khi đó chúng tôi sẽ hi vọng hành vi của Trung Quốc trong khu vực căng thẳng ở Biển Đông sẽ phản ánh được điều đó”.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên