31/10/2017 12:20 GMT+7

Cậu học trò sửa đồ thuê kiếm tiền đi học

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Trong căn nhà tềnh toàng của cậu học trò Nguyễn Ngọc Thanh, lớp 12CB1, Trường THPT Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nổi bật là tấm vách đầy các tờ giấy khen.

Cậu học trò sửa đồ thuê kiếm tiền đi học - Ảnh 1.

Vừa về đến nhà Thanh liền mang quần áo ra sửa kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Ngọc Tài

Trái ngược với thành tích học tập ngày một tốt hơn của Thanh là kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Thế nên nỗi ám ảnh phải dở dang việc học của Thanh trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

"Thấy cha mẹ cực nhọc em không biết phải giúp gì ngoài việc cố gắng học sau này có việc làm ổn định để cha mẹ bớt cực"

Nguyễn Ngọc Thanh

Chạng vạng, cơn mưa ngày càng nặng hạt cả gia đình Thanh quáng quàng kiếm xô, chậu hứng nước dột từ mái nhà.

Mấy năm rồi căn nhà này chỉ ngày một xiêu vẹo và rách nát hơn. Mái nhà không lành lặn vẫn có thể tá túc tạm qua ngày nhưng trong nhà không có gạo ăn mới là nỗi lo lớn của cả nhà 4 người.

Bà Đinh Thị Lùn - mẹ Thanh buồn xo: "Gạo chạy ăn từng bữa. Ăn cơm chiều xong là rầu không biết mai lấy tiền đâu mua gạo. Nếu không có tiền thì năn nỉ người ta mua thiếu rồi nhín ra nấu cháo ăn. Chừng nào có thì trả từ từ".

Hai vợ chồng bà Lùn không đất sản xuất chỉ có mảnh đất nhỏ dưới bờ sông đủ cất căn nhà. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền làm thuê làm mướn nhưng cũng "khi có, khi không". Gần đây chồng bà thường xuyên bệnh nặng nên tiền bạc ngày thêm túng quẫn.

"Mùa khô cũng kiếm gần một triệu mỗi tháng chứ mấy tháng mùa nước không ai thuê gì thì cạo hạt điều, lột nhãn. Kiếm đỡ tiền gạo" - bà Lùn lại thở dài.

Cuộc sống ngày càng chật vật nên vợ chồng bà Lùn định cho hai con nghỉ học. Nhưng có nói thế nào Thanh vẫn lầm lũi đi học. Vừa đi học về Thanh phụ bà nội vá, sửa quần áo thuê kiếm tiền vừa giúp gia đình đong gạo ăn qua ngày vừa có chút đỉnh tiền dành dụm khi cần dùng.

Mọi sinh hoạt phí của Thanh đều cắt giảm đến mức tối đa. Sách thì xin của người quen còn tập thì sử dụng tập lãnh thưởng của năm học trước.

Chiếc bàn học Thanh cũng tận dụng từ cái bàn gãy chân, em chắp vá dùng đỡ. Riêng phần quần áo Thanh được thầy cô trong trường hùn nhau sắm sửa một ít còn lại thì mặc lại áo quần cũ.

Cậu học trò sửa đồ thuê kiếm tiền đi học - Ảnh 3.

Ngọc Thanh luôn phấn đấu học không ngừng với mong muốn giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng, ảnh Ngọc Tài.

Bà Đinh Thị Mừng - bà nội Ngọc Thanh kể ban đầu khi Thanh đòi học may vá, sửa đồ bà cũng ngạc nhiên. Bà dần dần bị thuyết phục vì sự chịu khó của thằng cháu. Mỗi ngày đi học về Thanh đều qua nhà bà mang đồ về nhà sửa, khi thì lên lai quần khi thì sửa dây kéo. Mỗi công đoạn em được trả vài ngàn đồng.

"Mấy lần cha mẹ Thanh đòi cho hai anh em nó nghỉ tui cũng đều cản. Nghỉ học rồi đi làm thuê làm mướn như vợ chồng nó khi nào mới hết khổ. Kệ cho hai anh em nó đi học. Có cái chữ dù sao vẫn đỡ hơn" - bà Mừng tâm sự.

Hỏi Thanh học sửa đồ, may vá có khó không em lắc đầu bảo cũng bình thường. Công việc này với Thanh không chỉ giúp em kiếm thêm thu nhập mà còn rèn luyện tính cẩn thận và chịu khó.

Thanh kể, khi nhỏ vì ham chơi nên thành tích học tập không được tốt. Đến năm lớp 6 Thanh nhiều lần chứng kiến cha mẹ bươn chải mưu sinh giữa trời nắng chang chang em mới thấm thía nỗi lo của gia đình và tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực học hành.

Từ đó thành tích học tập của cậu học trò dáng người gầy yếu ngày một khá hơn. Bốn năm cấp II em luôn đạt học sinh tiên tiến. Hai năm học lớp 10 và 11, Thanh đều đạt học sinh giỏi. Đặc biệt năm học 11 vừa qua em đạt giải ba học sinh giỏi môn Sử cấp tỉnh.

Cô Nguyễn Ngọc Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 12CB1, chia sẻ Thanh là học trò ngoan, chịu khó. Không chỉ học giỏi Thanh còn rất năng nổ trong các phong trào đoàn, hội và hoạt động văn nghệ.

"Ra chơi trong khi bạn bè ăn trưa thì Thanh thường ngồi tự ôn bài. Em kể thường mang theo nước uống để tiết kiệm. Nhìn Thanh khá ốm yếu nhưng sức học rất tốt và hầu hết đều tự học" - cô Thành kể.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên