Năm 1978, cô Trương Tú Vinh đến trường tiểu học số 1 (huyện Vũ Xuyên, Nội Mông Cổ, Trung Quốc) để dạy môn Toán. Tại đây, cô được phân bổ chủ nhiệm một lớp - nơi có cậu học trò tên Trần Chí Đức, đem lại ấn tượng hơn cả.
Giờ ra chơi, Chí Đức thường lặng lẽ một mình, thay vì chơi với chúng bạn. Tuy sống khép kín nhưng Chí Đức có lực học rất tốt. Đến năm thứ 3 tiểu học, cậu bé bỗng chốc nghỉ ngang nhưng không báo cho nhà trường. Cô Tú Vinh không thấy học trò đến lớp đã nhiều ngày nên tìm đến nhà Chí Đức để tìm hiểu ngọn nguồn. Hóa ra vì hoàn cảnh gia đình, cậu bé đã không được phép đến trường nữa, được dự tính xin đi làm để kiếm tiền.
Nghe đến đây, cô Tú Vinh rất tức giận, nỗ lực thuyết phục gia đình cho Chí Đức quay trở lại trường học, bởi theo cô, chỉ có kiến thức mới thay đổi số phận một đứa trẻ. Trước sự nhiệt tình của cô giáo, Chí Đức được đến lớp và hiểu hơn về tầm quan trọng của việc học hành. Chí Đức được nhận vào một trường trung học trọng điểm của quận sau những năm tiểu học chăm chỉ, đồng thời mở ra một tương lai xán lạn cho cậu học trò nghèo.
Những năm ở trường trung học, Chí Đức gặp biến cố gia đình khi mẹ đột ngột qua đời. Việc học hành căng thẳng cùng với mất mát đã khiến tinh thần nam sinh suy sụp hoàn toàn. Cô giáo Tú Vinh khi biết chuyện đã nhanh chóng đến động viên, khuyên răn. Cô cho biết, chỉ có thành tích học tập ở thời điểm này mới chính là món quà xứng đáng dành đến người mẹ.
Chính sự khuyến khích kịp thời của cô giáo cũ đã biến cậu học trò nhạy cảm trở nên cứng cỏi hơn, tập trung lại việc học. Cuối cùng, Chí Đức đạt được vị trí thứ 2 toàn quận trong kỳ thi tuyển sinh đại học, trúng tuyển vào Viện Địa chất Trường Xuân.
Tuy nhiên, ngày nhập học gần kề mà trong túi chỉ vỏn vẹn 70 tệ. Nam sinh không có đủ tiền để mua một đôi giày tươm tất, nhất là khi mùa đông lạnh giá ở thời điểm này. Biết chuyện, cô giáo cũ một lần nữa lại vét túi để mua giày cho cậu học trò của mình. Cô đưa Chí Đức 20 tệ, trong khi lương tháng của cô chỉ có 37 tệ.
Khi đang học đại học, cha Chí Đức không may qua đời, khiến anh chàng thêm lần nữa suy sụp. Lúc này, cô Tú Vinh lại đến nhà cậu học trò để an ủi, chia sẻ mất mát. Bất kể trong hoàn cảnh nào, cô luôn xuất hiện bên cạnh Chí Đức, như một người mẹ thứ hai, khiến cậu học trò nghèo không khỏi xúc động, càng thêm quyết tâm học thành tài để đền đáp công sức, tâm trí cô đã dành cho mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Chí Đức tiếp tục học lên cao học và tiến sĩ. Anh cũng nhanh chóng có được công việc tốt, lương cao và cuộc sống trở nên khấm khá, đầy đủ hơn trước.
Vào sinh nhật lần thứ 60 của cô Tú Vinh, năm 2007, học sinh đến chúc mừng cô giáo cũ rất nhiều. Chí Đức đến cùng 100.000 tệ (hơn 350 triệu đồng) để gửi tặng cô giáo cùng lời hứa "1 căn nhà". Tuy nhiên, cô Tú Vinh không đồng ý vì món quà quá bất ngờ và quá lớn. Sau cùng, trước sự chân thành của cậu học trò cũ, cô giáo đã chấp nhận món quà - là một căn hộ 70m2 mà học trò "trả nghĩa".
Theo Chí Đức, căn nhà cũ của cô giáo đã xuống cấp rất nhiều, khá bất tiện để sinh hoạt. Vì thế anh đã ấp ủ dự định tặng cô một căn hộ mới để cô giáo thuận lợi hơn sau khi nghỉ hưu. Với anh, những lời động viên cố gắng học hành của cô giáo cũ đã làm nên Chí Đức thành công của ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận