Scott Kelly - Ảnh: AP
Ông đã làm điều đó thế nào? Dưới đây là chia sẻ của ông trên tờ Time:
Kể từ khi trở về sau chuyến đi vào trạm không gian kéo dài một năm, tôi đã đi khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm của mình. Và một trong những điều nghe được từ khán giả đã khiến tôi ngạc nhiên: đó là họ tin rằng khoa học là quá khó, quá phức tạp, một người bình thường không thể hiểu được.
Cảm hứng từ một quyển sách
Rõ ràng là hơn 1/3 thế giới nghĩ rằng tôi là một thiên tài, vì theo chỉ số tình trạng khoa học 3M, 36% dân số trên khắp thế giới nghĩ rằng bạn cần phải là một thiên tài để có được một sự nghiệp trong khoa học. Tôi muốn nói với các bạn rằng điều đó là không đúng.
Khi còn bé, tôi thường bị xao nhãng và không thích khoa học (và khá nhiều môn khác). Tôi đạt được những điểm số rất tệ và gần như không thể tốt nghiệp được trung học.
Chỉ khi là sinh viên đại học, tôi mới tìm thấy được động lực để học hành chăm chỉ để đảo ngược mọi chuyện và lấy được một tấm bằng kĩ thuật, điều mà dẫn tới sự nghiệp phi công thử nghiệm và phi hành gia sau này của mình.
Nhưng niềm tin đó - rằng khoa học là một nỗ lực bí ẩn vượt ngoài tầm với của tất cả, trừ những người tài năng nhất, nhờ vào di truyền như chúng tôi, có thể đang cản trở hàng ngàn theo đuổi những sự nghiệp trong khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học.
Và điều đó thật tệ hại, bởi vì luôn có một chỗ trong những lĩnh vực đó cho bất kỳ người nào sẵn sàng khám phá đam mê của họ và sẵn lòng làm việc vì nó.
Mặc dù có cha mẹ chăm chỉ và một người anh song sinh (cũng là phi hành gia, tên là Mark Kelly) học rất giỏi, nhưng tôi dành phần lớn thời gian ở trường của mình để nhìn ra cửa sổ và mơ mộng giữa ban ngày.
Tôi đã dường như không thể tập trung vào những gì thầy cô đang nói, và dù rất muốn làm một điều gì đó tuyệt vời với cuộc đời mình, tôi bắt đầu chấp nhận sự thật rằng tôi sẽ không bao giờ có thể đạt được những gì mình hi vọng.
Tất cả điều đó đã thay đổi, khá tình cờ, khi tôi đọc được quyển The Right Stuff, một tác phẩm kinh điển của Tom Wolfe về cuộc đời của những người Mỹ lần đầu tiên khám phá không gian.
Được tạo cảm hứng, tôi quyết định trở thành một phi công trên những chiếc hàng không mẫu hạm - hoặc thậm chí là một phi hành gia.
Để làm điều đó, tôi khám phá ra rằng mình cần có được một tấm bằng kĩ thuật, nghĩa là phải học giỏi trong những lớp khoa học và toán. Vì thế, kể từ ngày hôm ấy, tôi quyết định học tốt môn toán và khoa học.
Sau quá nhiều năm mơ mộng giữa ban ngày, điều đó thật không dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu nghĩ về nó như một môn thể thao. Càng luyện tập các kĩ năng học tập của mình, tôi càng trở nên giỏi hơn và học được nhiều hơn.
Cuối cùng, nó trở thành một cuộc thi với chính tôi để xem tôi có thể trở nên giỏi cỡ nào. Không ai ngạc nhiên hơn tôi khi một học sinh từng học dở ẹc bắt đầu đạt điểm A trong môn kĩ thuật. Tôi khám phá ra rằng bất cứ ai mà muốn đều có thể học được môn này - họ chỉ phải sẵn lòng làm việc thôi.
Và điều đó làm nổi lên câu hỏi: chúng ta có thể làm gì để tạo động lực cho những em hay mơ mộng thời nay?
Khoa học không hề khó
Phi hành gia Scott Kelly (phải) và anh song sinh Mark Kelly - Ảnh: NASA
Không có một công thức kì diệu, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể tìm được một số manh mối trong chỉ số tình trạng khoa học 3M. Nó thật thú vị: mặc dù nhiều người trả lời khảo sát bị khoa học làm cho "sợ", nhưng 92% bậc cha mẹ lại muốn con cái họ biết nhiều hơn về khoa học.
Điều đó nói với tôi rằng nhiều người trong số chúng ta - cha mẹ, thầy cô, bạn bè, gia đình - cần ngưng "tiếp tay" cho niềm tin sai lạc rằng toán và khoa học là quá khó.
Tôi không bao giờ muốn nghe ai đó nói với các con gái mình rằng "Tôi không phải là một người dành cho môn toán" hay "Bộ não của tôi không suy nghĩ cách đó", vì tôi tin rằng những thông điệp này có thể củng cố ý kiến cho rằng bạn phải là một người giỏi toán và khoa học bẩm sinh.
Và điều đó là không đúng. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng chuyện đó không liên quan tới di truyền học, mà là liên quan tới việc tìm thấy được sự thích thú và sau đó là học hành chăm chỉ.
Nếu một đứa trẻ cho thấy "tia lửa" trong bất cứ chuyện gì, chúng ta cần giúp tiếp thêm nhiên liệu cho đám lửa đó. Khi một học sinh gặp một khái niệm khó trong môn toán hay khoa học, chúng ta nên làm gương kiên trì bằng cách giúp chúng chia thử thách đó thành những bước nhỏ hơn.
Cha mẹ nên dành thời gian để học lại những điều cơ bản, để bài tập ở nhà không phải là một bí ẩn đối với cả cha mẹ lẫn con cái.
Tôi thích nhìn thấy cảnh cha mẹ dẫn con cái vào các viện bảo tàng khoa học, bảo tàng kĩ thuật và những hội chợ khoa học. Chúng sẽ có niềm vui - và chúng sẽ biết rằng khoa học và kĩ thuật là để làm nên những thứ khiến cho cuộc sống trở nên tốt hơn.
Nếu bạn là một học sinh mà đã được bảo rằng có "những người có dòng máu khoa học" hay "bạn không phải xuất thân từ một gia đình có những người dành cho khoa học", thì tôi xin bạn hãy phớt lờ những nhận xét đó.
Có thể rằng bạn chỉ chưa tìm thấy được điều làm cho bạn thích thú thôi. Cũng có thể là đề tài đó đang không được giải thích theo cách khiến cho bạn cảm thấy thu hút.
Lời khuyên của tôi là gì? Hãy nhìn vào những gì làm cho bạn thích thú bên ngoài trường học. Bạn có thấy chính mình đang tạo dựng nên cái gì không? Bạn có quan tâm tới thiên nhiên và hệ sinh thái không?
Bạn có thích đọc về những hình ảnh mới nhất trong các trò chơi điện tử không? Điều đó sẽ cho bạn những manh mối về lĩnh vực nào - kỹ thuật, sinh học, lập trình - mà bạn có thể cảm thấy thích thú.
Sau đó, hãy nói chuyện với những người trong các lĩnh vực đó như các giáo sư hay chuyên gia chẳng hạn (cha mẹ rất giúp ích trong việc giúp tạo nên những mối quan hệ đó). Hãy nghe những câu chuyện về con đường sự nghiệp của họ để được hướng dẫn và lấy cảm hứng.
Khó ư? Có thể là thế, nhưng bất kì điều gì đáng có thì đáng để theo đuổi.
Hãy tin tôi, một người từng mơ mộng giữa ban ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận