Phóng to |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tường Long - người đã góp phần cải tiến máy bay IL-14 thành máy bay vận tải - chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968 - Ảnh: T.HÙNG |
Có một sự kiện chiến tranh ít được biết đến: không quân nhân dân VN đã từng sử dụng “cầu hàng không” và lính nhảy dù chi viện cho chiến trường miền Nam trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, Tuổi Trẻ trở lại sự kiện này - một sự kiện bi hùng của những người lính lặng lẽ, trải dài trong suốt gần 40 năm qua.
Từ những chiếc máy bay vận tải, để phục vụ một chiến dịch đặc biệt, chúng đã được bí mật cải tiến thành chiến đấu cơ. Một câu chuyện tự hào của những người lính.
“Hãy trở về tìm Nguyễn Ái Quốc!”
38 năm sau, trong một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tường Long - nguyên tổ trưởng cơ khí ban kỹ thuật trung đoàn 919, người đóng góp lớn trong sự kiện “cầu hàng không” - nhớ lại:
Công việc cải tiến được tiến hành hết sức bí mật, nhiều chuyên gia không tin sẽ thành công, nhiều ý kiến còn cho rằng “treo bom tùm lum trên máy bay vận tải có khi vừa cất cánh bom rớt xuống thì khốn”. Người quan tâm nhiều nhất đến việc này là ông Nguyễn Văn Bang, phi công học từ Trung Quốc trở về. Ông nói với Nguyễn Tường Long: “Đó cũng là ý kiến để anh em mình quyết tâm thử, cùng thử, có chết thì cùng chết, không gì phải sợ!”. Ngày ấy chiến tranh ác liệt nên những chiếc máy bay IL-14 phải đưa về gửi ở sân bay Tường Vân (Trung Quốc), anh em phải sang đưa ba chiếc về Gia Lâm phục vụ cho việc cải tiến thành máy bay vận tải - ném bom. |
Anh hùng Nguyễn Tường Long là một trường hợp khá đặc biệt. Ông sinh ra trên đất Pháp, học xong ngành kỹ thuật hàng không, cha ông bảo với con trai rằng: “Hãy trở về VN tìm Nguyễn Ái Quốc mà giúp nước”. Và năm 1944, người thanh niên 21 tuổi ấy từ giã cha mẹ và em gái trở về Hà Nội để tham gia cách mạng và mãi mãi không bao giờ còn gặp lại người thân của mình. Đối với Tường Long và Việt kiều ngày ấy, cái tên Nguyễn Ái Quốc thiêng liêng đến nhường nào, đủ sức mạnh để động viên ông đi suốt cuộc trường chinh của đất nước sau đó.
Ngay khi ban kỹ thuật trung đoàn 919 nhận được lệnh của bộ tư lệnh quân khu về việc phải tìm mọi cách cải tiến kỹ thuật các loại máy bay vận tải thành chiến đấu cơ, Tường Long tin chắc đó chỉ có thể là loại máy bay vận tải IL-14 được mang về từ Siberia (Liên Xô cũ). Ông lập tức sang sân bay Gia Lâm tìm hiểu các tài liệu kỹ thuật nói về máy bay IL-14 nhưng tìm mãi không được, tình cờ phát hiện một tài liệu của Đức viết theo sách của Liên Xô nói về chiếc IL-14 dùng chở khách.
Ông và đồng nghiệp trong ban kỹ thuật bàn bạc nghiên cứu để lắp thêm hai giá treo bom dưới thân và cánh máy bay để có thể treo được bốn quả bom loại 100kg hoặc hai quả bom loại 250kg. Chưa hết, đã là chiến đấu cơ cần phải có hỏa lực mạnh, ông và đồng sự lại tiếp tục “mổ bụng” chiếc IL-14 lắp được 27 ống phóng đạn cối. Các ghế ngồi ở khoang hành khách được tháo tung ra để tận dụng hai gờ chạy dọc sàn máy bay, gắn thêm được 50 ống chứa 50 quả đạn cối 120mm. Mỗi lần muốn thả đạn cối, người ta rút chốt hãm, kéo dây cáp làm cho khung chứa đạn bị trọng tâm hất đạn cối rớt ra ngoài.
Điều chưa có trong lịch sử hàng không
Phóng to |
Từ trái sang: tổ bay Hoàng Ngọc Trung, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Bỉnh Sen, Trần Trung Quý... trước giờ xuất phát - Ảnh tư liệu |
“Trong lịch sử hàng không thế giới, có lẽ chưa ai dùng máy bay dân dụng làm máy bay chiến đấu cả. Tôi đã căn cứ trên số ghế ngồi và trọng tải máy bay để tính toán lắp bom cho đủ trọng lượng. Theo nguyên tắc kỹ thuật, người ta tính toán nếu bay với vận tốc 240km/g, sức cản trong 1cm2 là 40km, nhưng tôi và anh Bang kiểm tra thử khi bay thử nghiệm, sức cản thực tế nhỏ hơn như thế nhiều.
Vậy là cứ lắp bom đạn vào và mang ra sân bay thử rồi rút kinh nghiệm từng chuyến. Tất cả phải thực hành và kiểm tra trên máy bay, bởi dưới mặt đất không chịu sức cản ngược gió, phải bay và đánh dấu vào tay ga để sau đó điều chỉnh từ từ”. Một cải tiến được hình thành trong sự hợp tác chặt chẽ giữa kỹ thuật và phi công, và thành công tuyệt đối.
Đó là những ngày mà tướng Phan Khắc Hy, nguyên chính ủy Bộ Tư lệnh không quân (thuộc quân chủng phòng không - không quân), không thể nào quên trong ký ức của mình: ngày 27 Tết Mậu Thân (26-1-1968), ông Phan Khắc Hy và phó tư lệnh quân chủng đặc trách không quân, thượng tá Nguyễn Văn Tiên, mang theo mật lệnh của phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN Phùng Thế Tài, vượt cầu phao sông Hồng giữa ban ngày xuống thẳng sở chỉ huy trung đoàn 919 để phổ biến nhiệm vụ tuyệt mật: “Thả dù tiếp tế bộ binh và tấn công một số mục tiêu mặt đất ở phía nam vĩ tuyến 17!”.
Ngay sáng hôm sau, đoàn phó Phan Huyễn chỉ huy một lực lượng đặc biệt gồm 60 cán bộ chiến sĩ vào Quảng Bình lập sở chỉ huy không quân phối thuộc chỉ huy mặt trận. Sau đó hai tổ tham mưu, liên lạc không đón giao thừa, chuẩn bị một hành trang gọn nhẹ để theo chân hai cán bộ chỉ huy là Lê Quỳ và Hồ Bạch Đào tách khỏi đoàn đi sâu vào Nam, áp sát địa bàn chiến đấu. Còn ở đoàn bộ, ngày 28 tết, đoàn không quân Hồng Hà, mật danh trung đoàn 919, đã sẵn sàng chiến đấu cao. Đại đội máy bay IL-14 của thượng úy Nguyễn Văn Bang là đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt này.
Đêm 30 rạng mồng 1 tết, miền Nam tổng tiến công. Sáng mồng 1, sở chỉ huy thông báo khẩn: sẵn sàng chi viện miền Nam. Nhưng mồng 1, mồng 2... trôi qua vẫn chưa có lệnh xuất phát. Không khí đợi chờ căng thẳng. Thượng úy Bang và đồng đội hằng ngày tập trung quanh chiếc radio nghe thông tin mặt trận. Đối phương phản công. Rồi lệnh xuất kích cũng được ban hành.
Đó là lần đầu tiên phi công ra quân với một lực lượng đặc biệt. Nhiệm vụ tuyệt mật thành công, nhưng tất cả 20 chiến sĩ và bốn người lính nhảy dù ra đi mãi mãi. Một khúc bi tráng của không quân VN được viết vào lịch sử. Kỳ tới:Lực lượng đặc biệt, nhiệm vụ tuyệt mật |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận