18/08/2011 07:56 GMT+7

Cầu Ghềnh dấu tích trăm năm

Lời kể của ông Lê Văn Chín
Lời kể của ông Lê Văn Chín

Kỳ 1 - Ký ức trong chiếc bàn thiên trăm tuổi

Ông Lê Văn Chín đã 76 tuổi nhưng còn nhớ như in những lời cha mình kể về thời làm nên cây cầu Ghềnh với bao công sức của người dân cù lao Phố.

KN8OlJqX.jpgPhóng to

Những khối đá này chứa trong nó một thế kỷ ký ức đầy máu xương thuở xây cầu Ghềnh của người cha ông Lê Văn Chín - Ảnh: Hà Mi

Ký ức con người thợ xây cầu

Đã ngoài thất thập, ông Chín vẫn nhớ như in cầu Ghềnh hồi còn thuở hoang sơ. Chỉ ra cây cầu đang nhộn nhịp người qua lại, ông tự hào cho biết cha mình từng làm thợ sắt chung với bao người để làm nên một chiếc cầu đã trên trăm năm tuổi. Cha ông bảo thời xây cầu, hầu hết sắt thép và thiết bị làm cầu đều đưa từ Pháp sang.

Riêng thanh tà vẹt được dùng bằng gỗ sao để kết nối hai thanh sắt của đường tàu chạy. “Cha tôi nói khi đó để xây chân cầu, kỹ sư người Pháp thuê công nhân người Việt đóng ống thép xuống lòng sông, sau đó rút nước ra rồi cho thợ xây từ dưới lên. Cha bảo thợ dưới nước ăn lương gấp bốn lần thợ trên bờ vì rủi ro rất cao. Có người lặn lên không kịp, ra máu lỗ tai, lỗ mũi rồi chết. Lúc ấy làm thủ công nên bị hao người lắm” - ông Chín nhớ lại.

"Cha bảo thợ dưới nước ăn lương gấp bốn lần thợ trên bờ vì rủi ro rất cao. Có người lặn lên không kịp ra máu lỗ tai, lỗ mũi rồi chết. Lúc ấy làm thủ công nên bị hao người lắm..."

Cha ông Chín, cụ Lê Văn Thình (sinh 1885), được Pháp thuê làm thợ sắt nên sau này khi con cái lớn lên cạnh cây cầu vẫn thường hỏi han cụ về lịch sử của cây cầu. Vì vậy, ông Chín, một người con út trong gia đình, vẫn còn nhớ như in những gì cha mình kể lại.

Công đoạn của cụ Thình bấy giờ là đóng rivê (rivet) để kết nối những thanh chắn cho cầu Ghềnh. Hơn một thế kỷ trước, máy tán hơi chưa có nên người thợ sắt phải làm thủ công bằng cách bỏ rivê vào lửa nung đỏ, sau đó đưa ngay vào các đoạn nối thanh cầu để tán. Làm đến đâu tán đến đó.

Cụ Thình kể với các con thời xây dựng cầu không có ximăng nên người Pháp cho dùng mật đường trộn với vôi để làm vật liệu kết dính những móng cầu. Còn người Pháp có bí mật dùng nguyên liệu gì khác không thì cụ không được rõ. Nhưng để cây cầu Ghềnh nối nhịp đôi bờ cho người dân cù lao Phố, để có những chuyến đi trên tàu lửa về Sài Gòn - Gia Định đã chiếm nhiều mồ hôi, sinh mạng người cù lao thời ấy.

Giờ trong gian nhà của ông Chín vẫn còn đó những kỷ vật của cha mình mang về từ thuở xây cầu Ghềnh. Đó là ba khối đá hình bầu dục nhìn giống cục bêtông đã rêu phong mà ông Chín giải thích là vật liệu từng được Pháp dùng để xây móng cầu.

Lúc lớn lên nhìn thấy những khối bột nằm trong thùng gỗ như thùng chứa rượu vang, ông Chín hỏi thì được cha mình giải thích đó là chất liệu có mật ong và vôi để làm cầu, được ông mang về kê đồ trong nhà. Qua thời gian, thùng gỗ mục và những chất liệu ấy đóng thành khối như bêtông nên được gia đình ông tận dụng làm bàn thiên. “Gia đình vẫn để đấy. Cầu Ghềnh bao nhiêu tuổi thì nó cũng chừng ấy tuổi và chúng tôi xem đó như một kỷ vật của cha mình để lại” - chỉ tay vào khối bêtông ông Chín tâm sự.

Gành hay Ghềnh?

Theo Địa chí Đồng Nai (NXB Tổng Hợp Đồng Nai 2001), từ khi cầu Gành đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đã được thông tuyến với các tuyến Sài Gòn - Biên Hòa (1904, dài 71km), Sài Gòn - Xuân Lộc (1904, dài 81km), Xuân Lộc - Gia Ray (1905, dài 18km), Gia Ray - Mường Mán (1910, dài 77km) và Sài Gòn - Nha Trang (1913, dài 408km).

Tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận: Cầu Gành dài 223,30m, có kiểu kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cây cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai Lưu Văn Du cho biết qua tìm hiểu người dân ở cù lao Phố vẫn gọi là “Gành” chứ không phải “Ghềnh”. “Ghềnh” có thể sau này người ta phát âm trại ra chứ dân cù lao dứt khoát gọi là “Gành”. Theo ông Du, ở dưới vùng hạ lưu của cầu Ghềnh có những gành đá nên người xưa có thể từ đó mà gọi là “Gành”. Tuy nhiên, đến nay “Gành” hay “Ghềnh” vẫn chưa tìm thấy một dữ liệu nào để khẳng định chuẩn xác.

Chuyến tàu xưa

Lội ngược thời gian, ông Chín nhớ thuở cầu Ghềnh hình thành, ở ngã tư Chợ Đồn có một cái ga xe lửa. Cuối tuần, cha mẹ ông đưa ra ga Chợ Đồn để lên tàu về Sài Gòn. Ông mặc chiếc áo trắng nhưng khi về đến nhà màu áo đã ám đen vì khói tàu. “Thời đó tàu khoảng bốn toa, được đốt bằng củi để chạy nên khói mù mịt” - ông Chín kể.

Trong ký ức của ông Chín, hai bờ sông Đồng Nai nối cầu Ghềnh khi ấy rất hẹp và hoang sơ. Hai lối đi bên thành cầu được dành cho người đi bộ, xe đạp, còn giữa cầu dành cho xe hơi đi chung với đường sắt, nhưng khi ấy người ít, mỗi ngày chỉ một hai chuyến xe ngang qua. Hai bên đầu cầu cũng có người trực gác chắn dùng tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ (hoặc cờ) và dùng kèn làm hiệu lệnh để tránh xe đối đầu.

Khi nghe đến cầu Ghềnh năm xưa, vợ ông Chín, bà Trần Thị Hùm (74 tuổi), quay sang bảo: “Cây cầu này bằng tuổi má của tui đó. Hồi tui mười mấy tuổi, chiều chiều thường rủ nhau chơi cò cò ở gần cầu mà đường vắng hoe chứ đâu như bây giờ”. Rồi bà Hùm kể người dân cù lao rất thương cây cầu này vì đó như một chứng nhân của bao sự đổi thay ở vùng đất này.

Khi nghe chúng tôi hỏi gọi cầu Gành với cầu Ghềnh thì từ nào chuẩn xác, vợ chồng ông Chín cười: “Dân cù lao hồi xưa tới giờ gọi cầu Gành không à. Gành là gành đá nổi lên ở gần cầu thời đó nên dân mới gọi như vậy. Nói với dân cù lao mà gọi cầu Ghềnh thì người ta cười chết!”.

Gành hay Ghềnh cho một chiếc cầu hơn 100 năm tuổi dường như vẫn còn bỏ lửng. Nhưng ít ra gia đình ông Chín cả thảy đã có bốn thế hệ sống ở bên chân cầu này cũng là một trong những nhân chứng còn lại ở vùng đất cù lao Phố. Ông bảo: “Cho dù có tách cầu đường bộ thì cầu Gành vẫn mang dáng cổ xưa nên phải gìn giữ và trân trọng nó. Một ngày nào cây cầu này không còn nữa thì người dân cù lao buồn lắm”.

______________________

...Người lớn tuổi ở hai bên cầu mặc áo bà ba, lập hai bàn hương để cúng. Chuyến tàu lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên lăn bánh từ từ đi qua dòng sông hướng từ Dĩ An về ga Biên Hòa... Một thời mới mở ra.

Kỳ tới: Bắc nhịp thông thương

Lời kể của ông Lê Văn Chín
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên