Sáng 10-5, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình đầu tư công tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông).
Đây là "siêu ban" đang gánh trọng trách rất lớn với cả trăm dự án giao thông đang triển khai. Tổng số vốn cần giải ngân năm nay khoảng 34.500 tỉ đồng.
Công trình cửa ngõ qua 4 nhiệm kỳ
Mở đầu cuộc giám sát, nhiều đại biểu HĐND TP trăn trở về dự án cầu đường Bình Tiên đã trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Con đường có điểm đầu tại điểm giao nhau giữa đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí (quận 6); điểm cuối tại đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) với tổng chiều hơn 3,2km, rộng 30-40m.
Đại biểu Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, khẳng định dự án đã triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, dù đã trải qua 4 nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn loay hoay, chưa xong. Phải khẳng định rằng, công trình quan trọng không thua kém gì dự án rạch Xuyên Tâm.
"Con đường kết nối khu vực trung tâm ra quốc lộ 50, nối với vành đai 3 TP.HCM không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị. Vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nghiên cứu đưa vào danh mục bố trí vốn đầu tư công để sớm hoàn thành dự án", ông Bình nói.
Theo ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, dự án cầu đường Bình Tiên hay dự án cầu Nguyễn Khoái là hai dự án cực kỳ quan trọng của TP.HCM. Các công trình đã được đưa vào danh mục cần tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, hiện TP đang tập trung vốn triển khai nhiều dự án quan trọng như vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… Vì thế, việc bố trí vốn đầu tư công để đầu tư hoàn thành hai dự án trên còn khó khăn.
Dự án chậm vì chờ thủ tục 15 tháng!
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm chậm trễ di dời hạ tầng kỹ thuật dẫn đến việc thi công dự án giao thông kéo dài.
Có đại biểu nói rằng nếu chậm ở khâu bồi thường mặt bằng liên quan đến người dân thì có thể hiểu được, còn di dời hạ tầng kỹ thuật liên quan đến sở ngành cũng chậm là chuyện rất lạ.
Trả lời về vấn đề này, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP - giải thích rằng để hoàn thiện thủ tục di dời hạ tầng kỹ thuật phải lấy ý kiến nhiều sở, đơn vị chuyên ngành.
Chẳng hạn, ở nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh chờ tới 15 tháng. Vừa rồi, TP cũng đã phê bình Sở Xây dựng TP. Trong thời gian tới, khâu thủ tục sẽ nhanh hơn vì chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các đơn vị, sở ngành 2 tuần phải có ý kiến.
Theo ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, hiện nay Ban Giao thông đang triển khai rất nhiều dự án lớn với số vốn giải ngân trong năm nay 34.500 tỉ đồng. Do đó, khâu điều hành dự án cũng cần được lưu ý.
Sở ngành, địa phương cũng có trách nhiệm nhưng với vai trò của chủ đầu tư, Ban Giao thông phải có trách nhiệm toàn diện. Ban Giao thông phải rà soát, đánh giá từng công việc, vướng ở đâu thì phải tập trung báo cáo để TP đôn đốc, xử lý.
"Chẳng hạn, dự án đường Trần Quốc Hoàn đã khởi công từ tháng 12-2022 nhưng phải đến ngày 5-5 vừa rồi mới di dời cây xanh. Tại sao chúng ta không chủ động rà soát sớm, tạm bàn giao trước? Máy móc, thiết bị đưa về không làm được gì, việc này ảnh hưởng đến tiến độ, công tác thi công của nhà thầu", ông Bằng dẫn chứng.
Nói thêm về tiến độ dự án vành đai 3 TP.HCM, ông Bằng cho hay đã sẵn sàng khởi công dự án vào tháng 6-2023. Để đảm bảo tiến độ tiếp theo, thời gian tới Ban Giao thông cần tăng cường năng lực, trong đó bổ sung nhân sự một phó giám đốc để theo dõi toàn diện dự án vành đai 3 TP.HCM.
Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận xét rằng qua các ý kiến của các bên liên quan cho thấy trong quá trình triển khai có nhiều dự án gặp khó khăn. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Do đó, Ban Giao thông phải hoàn thiện chi tiết báo cáo, cụ thể từng dự án trọng điểm đang triển khai. Đối với các dự án đang vướng, Ban Giao thông phải đánh giá rõ vướng mắc cụ thể, nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, để HĐND TP có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận