Cây cầu đi bộ lót gỗ lim Nam Phi dọc sông Hương đang dần được hoàn thiện - Ảnh: NHẬT LINH
Dự kiến, cuối tháng 10 cầu được đưa vào sử dụng. Hiện cây cầu là nơi thu hút khá đông người dân ở TP Huế đến đây đi bộ thể dục, chụp hình vào mỗi sáng sớm và chiều muộn.
Bạn Kiều Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, nói rằng kiến trúc của cây cầu gỗ lim này rất đẹp và lạ, khác xa với các cây cầu khác ở Huế. "Đứng từ cây cầu này mà nhìn ra sông Hương và cầu Trường Tiền là đẹp nhất rồi. Vậy nên có rất đông bạn trẻ như em chọn đây làm địa điểm để chụp ảnh" - Kiều Anh nói.
Được khởi công vào tháng 2-2018, cây cầu gỗ lim dọc sông Hương này là tâm điểm nhiều cuộc tranh luận của những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu Huế.
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cho rằng cây cầu này đang "phá nát cảnh quan của sông Hương". Theo ông Xuân, sự xuất hiện cây cầu đi bộ này là hoàn toàn không nên có bởi hằng năm sông Hương thường xảy ra lũ lụt, nước dâng cao chắc chắn sẽ nhấn chìm cây cầu.
"Lúc đó hệ thống điện, gỗ, sàn... của cầu ngập trong nước, gây hư hại. Để dòng điện rò rỉ ra ngoài như vậy, lỡ xảy ra chuyện gì thì ai là người chịu trách nhiệm?" - ông Xuân lo ngại.
Không những thế, ông Xuân còn cho rằng cây cầu đang cản trở dòng chảy của sông Hương, khiến bờ bắc con sông này có nguy cơ bị sạt lở. "Chưa kể rác thải, túi nilông... sẽ bị cây cầu này cản lại, tụ ngay dưới gầm cầu mỗi mùa nước lên gây hôi thối" - ông Xuân nhấn mạnh.
KTS Huỳnh Quang - nguyên viện trưởng Viện quy hoạch, chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp - thì ủng hộ việc tạo một sản phẩm mới để thu hút du lịch ở Huế phát triển như làm cầu đi bộ dọc sông Hương.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết việc này cần phải thận trọng, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng hơn nữa về cách làm, cách sử dụng cây cầu sao cho phù hợp với cảnh quan sông Hương hiện nay.
Ông Văn Viết Thành - giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế, chủ thầu thi công cây cầu - cho biết mọi phương án về vận hành, trùng tu, bảo dưỡng cây cầu đã được chủ đầu tư cùng các bên liên quan tính toán kỹ lưỡng.
Ông Thành nói rằng hệ thống điện, đèn chiếu sáng được lắp đặt trên cầu đạt chuẩn chống nước 100%, có thể ngâm sâu dưới 4m nước.
"Hơn nữa, theo tư vấn từ các nhà chuyên môn thì sông Hương không còn những trận lũ lụt nhiều như thời gian trước đây vì đã có hệ thống hồ chứa thủy lợi ở đầu nguồn. Việc ngập nước gây hư hại công trình hay rác thải đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng phương án giải quyết rồi" - ông Thành nói.
Cầu đi bộ bằng gỗ lim Nam Phi
Cầu đi bộ lót sàn gỗ lim dài hơn 380m, rộng 4m, cách mặt nước khoảng 1m, có lan can bằng đồng được xây dựng ở bờ nam sông Hương với tổng kinh phí 64 tỉ đồng.
Đây là công trình thí điểm nằm trong Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Trong số đó riêng diện tích mặt sàn trên 2.440m2 được lát bằng gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi có kinh phí 5,7 tỉ đồng. Dự kiến phía KOICA sẽ bàn giao cây cầu cho tỉnh Thừa Thiên - Huế để đưa vào sử dụng ngày 30-10.
Lý giải về việc chọn gỗ lim Nam Phi để lót sàn cầu, ông Nguyễn Việt Bằng - trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Huế - cho biết lim nằm trong nhóm “tứ thiết” gồm đinh, lim, sến, táu.
Đây là loại gỗ chịu lực, chịu ẩm tốt, không bị mối mọt, thích hợp cho khí hậu nóng ẩm ở Huế. Ông Bằng còn cho biết thêm trước đó cũng có nhiều thông tin về việc gỗ lim dùng để lót cầu không đảm bảo chất lượng, bị nứt nẻ. Sau đó, đơn vị giám sát đã cho kiểm tra và yêu cầu đánh dấu, loại bỏ toàn bộ những thanh gỗ không đảm bảo chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận