Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn bài đăng của Đại sứ Litva tại Thụy Điển Linas Linkevičius trên mạng xã hội X và cho rằng nhà ngoại giao này đang úp mở về cuộc tấn công sắp xảy ra ở cầu Crimea (hay cầu Kerch).
Ngày 27-4, ông Linkevičius, nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao Litva, đã đăng tải bức ảnh chụp một cây cầu và bức ảnh chụp một vụ phóng tên lửa kèm dòng chú thích: “Nếu ai chưa có cơ hội chụp ảnh trên cầu Crimea thì vẫn còn thời gian nhé”.
Ngay sau đó, ông Dmitry Polyansky, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, phản ứng gay gắt với bài đăng của Đại sứ Linkevičius.
“Rồi họ sẽ phải hối hận về những sai lầm như vậy”, ông Polyansky nói.
Cũng theo RIA, đây không phải là lần đầu tiên truyền thông, giới chức và giới quan sát đề cập đến cuộc tấn công nhằm vào cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga.
Đầu tháng 4, tờ Guardian (Anh) dẫn lời một số quan chức cấp cao của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) tiết lộ về kế hoạch tấn công cầu Crimea trong vòng nửa đầu năm 2024.
Tờ Guardian cũng khẳng định phía Kiev sẽ mở cuộc tấn công lần thứ ba nhằm phá hủy cầu Crimea sau hai lần thất bại.
Trước đó, tháng 2-2024, đoạn ghi âm của lãnh đạo GUR Kiril Budanov với các sĩ quan cấp cao người Đức bị rò rỉ trên Internet từng tiết lộ Berlin cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev.
Theo trang News.ru phỏng đoán, Taurus có thể được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công cầu Crimea.
Cây cầu duy nhất nối Nga với bán đảo Crimea đã trải qua hai cuộc tấn công lớn. Đầu tiên là tháng 10-2022. Các quan chức Nga xác nhận quân đội Ukraine cài thuốc nổ vào một chiếc xe tải và cho xe phát nổ khi đi qua cầu. Vụ việc khiến ba người thiệt mạng.
Đến ngày 17-7-2023, cầu Crimea lại một lần nữa bị tấn công và hư hại một phần, khiến hai người thiệt mạng, một trẻ em bị thương.
Những ngày qua sau khi Ukraine được Mỹ viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn 300 km, nhiều người cho rằng cầu Crimea sẽ là mục tiêu.
Cầu Crimea có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nhiên liệu, thực phẩm… cho bán đảo Crimea, lãnh thổ Ukraine nhưng bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Cây cầu cũng là tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt vào Ukraine năm 2022. Nga đưa lực lượng từ Crimea đến các khu vực Kherson và một số tỉnh liền kề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận