27/02/2017 21:58 GMT+7

Câu chuyện xúc động về một ca mổ thay đổi số phận

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TTO - Hôm nay 27-2 là Ngày thầy thuốc VN, mỗi một thầy thuốc đều có những câu chuyện xúc động ở lằn ranh của sự sống - chết. Bác sĩ Trần Văn Phúc, một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu VN năm 2014, cũng có những câu chuyện xúc động như vậy.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ: Hôm đó là thứ 5. Một người mẹ mang đứa con 4 tuổi đến gặp tôi. Cháu bé chỉ còn da bọc xương, thở ì ạch, bụng chướng căng.

Chị nói trong nước mắt rằng đã đưa con đi khắp mọi nơi có thể, những loại thuốc tây y tốt nhất trên thế giới chị đều đã mua cho con, những bài thuốc đông y nổi tiếng dù phải đến những nơi hang cùng ngõ hẻm mới tìm thấy, thì chị cũng đã mang về.

Nhìn tập hồ sơ dày cộp với chẩn đoán viêm gan mãn diễn biến xơ gan giai đoạn cuối, tôi hiểu đó là một bản án tử hình.

Bế tắc

Tôi đã nói với mẹ của cháu bé rằng, tôi có thể làm được điều gì đó cho cháu!

Suốt đêm hôm đó tôi đã mất ngủ. Tôi hối hận vì đã gieo vào đầu bà mẹ một niềm tin mà tôi đang nói dối. Nhưng quả thật, tôi muốn làm một điều gì đó tích cực hơn là những suy nghĩ bế tắc.

Sáng hôm sau, tôi đến bệnh viện sớm hơn thường lệ và đọc kĩ lại toàn bộ bệnh án, khai thác từng chi tiết người mẹ kể trên con đường dài chị đưa con đi chữa bệnh.

Sau đó tôi hội chẩn với bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho cháu bé, rồi chúng tôi hội chẩn liên viện, với nhiều bác sĩ chuyên khoa sâu, có cả bác sĩ ngoại khoa. Tất cả đều bế tắc.

Điều không bình thường

Đọc kỹ lại bệnh án, tôi thấy một chi tiết đáng quan tâm. Đó là chẩn đoán 2 năm về trước bằng sinh thiết gan kết luận cháu bé bị viêm gan mãn, xơ gan; nhưng chỉ 3 tháng sau, siêu âm chẩn đoán đường mật trong gan bị giãn.

Cháu bé đã được làm sinh thiết gan 3 lần, kết quả đều ở bệnh viện trung ương trả lời. Siêu âm đã làm rất nhiều lần, ở chính những nơi cháu nằm điều trị.

Tôi băn khoăn về mối quan hệ bệnh chứng giữa viêm gan mãn có xơ gan, với tình trạng giãn đường mật sau đó. Rõ ràng, nếu cháu bé bị giãn đường mật trong gan, thì không thể sống được 2 năm trời.

Đây là điều không bình thường mà tôi phải trả lời cho bằng được.

Có nhầm lẫn?

Cả ngày thứ 7 và chủ Nhật, tôi và bác sĩ điều trị của cháu bé liên tục trao đổi về tình trạng cháu bé. Tôi cũng tìm đọc các tài liệu, từ mô phôi, giải phẫu, giải phẫu bệnh, sinh lí bệnh, triệu chứng, bệnh học, chẩn đoán hình ảnh… có liên quan đến bệnh lí gan mật.

Sau tất cả, tôi phát hiện rằng trong gan có cấu trúc hình ống (gồm đường mật, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, động mạch gan), nó phụ thuộc vào đường kính và tỉ lệ thành phần collagen cấu tạo nên thành, điều đó cho ra những hình ảnh siêu âm khác nhau.

Và tôi nghi ngờ, có thể đồng nghiệp của tôi lúc làm siêu âm, đã nhầm lẫn khi phân biệt 4 thành phần là đường mật, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, động mạch gan.

Lúc đó là 3 giờ đêm, tôi không thể ngủ. Và tôi nhận thấy, thời gian chờ trời sáng thật là dài…

Điều không ngờ

Đúng 7h sáng thứ 2, tôi đã có mặt ở bệnh viện và hẹn bác sĩ điều trị xem lại bệnh nhân.

Trên khuôn mặt người mẹ trẻ, nước mắt của nỗi buồn nhanh chóng biến thành những tiếng nức nở của sự sợ hãi.

Bàn tay yếu ớt của đứa con gái bé nhỏ vẫn nắm chặt những ngón tay của mẹ.

Tôi siêu âm lại cho cháu bé và thấy rằng đó không phải là đường mật bị giãn, mà là những tĩnh mạch gan. Vếch đầu dò lên chỗ tĩnh mạch chủ đổ về tim, thấy một đám vôi hóa chít hẹp lòng mạch, làm máu bị ứ lại.

Sáng tháng 2, trời còn se lạnh, vậy mà mồ hôi lại vã đầy trên trán, cả người nóng ran khi tôi phát hiện ra điều mà tôi không thể ngờ tới.

Nguyên căn gây nên tình trạng suy gan, chính là hội chứng Pick, nghĩa là màng tim bị viêm co thắt, nó ép tim lại làm cho máu đen không thể trở về. Lâu ngày, những chỗ viêm ấy vôi hóa, tạo thành những mảng như vỏ trứng bó chặt lấy quả tim bé nhỏ của cháu bé…

Một ca mổ thay đổi số phận

Ê kíp phẫu thuật tim mạch do bác sĩ Nguyễn Văn Mão, giám đốc Viện Tim Hà Nội, đứng đầu ngay lập tức sang hội chẩn.

Bệnh nhân được chuyển sang chế độ hồi sức đặc biệt, nâng cao thể trạng tối đa có thể.

Ca mổ diễn ra vào ngày thứ 5.

Người mẹ trẻ kiên nhẫn chờ đợi đứa con bên ngoài hành lang bệnh viện.

Sau vài giờ, bác sĩ thông báo những mảng vôi cứng như đá đã được bóc hết, quả tim được tự do, máu đen đã trở về buồng nhĩ và thất phải, biến thành dòng máu đỏ để hòa vào dòng tuần hoàn cơ thể.

Người mẹ òa khóc, nỗi sợ hãi làm tê liệt mọi giác quan đã biến mất, đứa con gái bé nhỏ mang bệnh trọng đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần!

Anh có từng gặp lại những bệnh nhân đã được cứu sống như cháu bé này?

Trở lại khám sau 3 tháng, nhìn cháu bé thay da đổi thịt, vui vẻ cười đùa đi lại, như một đứa trẻ trước đấy chưa hề bị bệnh hiểm nghèo, tôi không sao tả hết những cảm xúc trào dâng trong tâm hồn.

Tôi đã mang câu chuyện của cháu bé kể trong tất cả các bài giảng siêu âm gan mật, không phải để tự hào về việc mình làm, mà coi đó là bài học quý giá của người thực hành đạo nghề y.

Tôi cho rằng, nếu bác sĩ chỉ biết nhìn bệnh mà kê đơn thuốc, rồi yêu cầu người bệnh uống thuốc đúng theo đơn, thì đó là bác sĩ nghèo nhất trong số các bác sĩ.

Những bài học y khoa là cần thiết, nhưng trái tim của người bác sĩ cũng phải không ngừng thôi thúc sự tò mò và sự trăn trở vô hạn, để tìm ra những căn nguyên gây bệnh ẩn chứa đằng sau nó.

Nghề y là một nghề vất vả, nhiều bác sĩ nói họ không cho con mình nối nghiệp. Còn anh nghĩ như thế nào về nghề nghiệp của mình?

Làm bác sĩ, tôi được đào tạo để có thể làm việc liên tục trong 24g, mà ngành y chúng tôi gọi là trực. Và trong 24g ấy công việc thật là nhàm chán, thức ăn bệnh viện không sao nuốt nổi, cảm giác giống như bị biệt giam trong 1 tòa nhà quá lâu.

Sau mỗi buổi trực, chúng tôi vẫn có thể ở lại làm tiếp cả buổi sáng, thậm chí làm hết cả ngày hôm ấy.

Về đến nhà vẫn liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại, đêm ngủ cũng phải bật dậy đi đến bệnh viện, thứ 7 chủ nhật bỏ nhà đi cả ngày là chuyện hết sức bình thường.

Nếu cộng lại tất cả thời gian chia ra, thực sự chúng tôi phải làm việc 16g/ngày và 365 ngày như thế trong mỗi năm.

Vậy vì sao chúng tôi trụ lại được với nghề? Bởi vì y học thực sự là lao động của tình yêu, các bệnh viện không bao giờ ngủ và bản thân bác sĩ có bổn phận là phải đam mê công việc của mình…

Bác sĩ Trần Văn Phúc hiện đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Năm 2014, anh là 1 trong 10 gương mặt bác sĩ trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Ngoài công tác chuyên môn, anh còn tham gia viết báo ở các lĩnh vực, sáng tác âm nhạc và là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Bác sĩ Phúc tâm sự: “Con đường thực hành y khoa không bao gồm những chuyến đi, những trang viết hay những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chính những trải nghiệm này đã giúp tôi tạo nên một con đường riêng, để mang tình yêu của tôi đến với y học và con người”.

 

 

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên