Câu chuyện từ "xứ hạnh phúc"

QUẾ VIÊN (TỪ COPENHAGEN) 02/08/2010 04:08 GMT+7

TTCT - Khi đọc thấy tin Vương quốc Đan Mạch một lần nữa đứng đầu danh sách những quốc gia mà người dân cảm thấy hài lòng nhất với cuộc sống, nhiều bạn bè trong nước đã hỏi tôi cảm tưởng ra sao khi sống tại “xứ sở hạnh phúc nhất thế giới”.

Phóng to
Khi đưa vụ “Thanh trùng nòi giống” ra trước dư luận Đan Mạch, bà Karoline Olsen chỉ muốn một lời xin lỗi từ chính phủ - Ảnh: BT

Thật ra hạnh phúc, cũng như nỗi bất hạnh, muôn đời là những khái niệm rất tương đối, tùy thuộc quan điểm của mỗi người và theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Đan Mạch là nước có mức sống cao, thanh bình, môi trường sạch và xanh, xã hội được xây dựng trên mô hình phúc lợi cho mọi người từ thập niên 1980, sự chênh lệch giàu - nghèo không cao, người bản xứ ít se sua nên hiếm khi làm khó mình bằng cách tự đặt ra quá nhiều yêu cầu cho cuộc sống... Nói chung, bí quyết để sống hạnh phúc của người Đan Mạch là tự hài lòng với cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, một đất nước được nhiều người xem là hạnh phúc vẫn có những vấn đề của họ, cũng như một mặt nước bình lặng không có nghĩa là không có những đợt sóng ngầm.

Những ngày này, dư luận Đan Mạch đang quan tâm đến câu chuyện của bà Karoline Olsen, nay đã 80 tuổi và cái gọi là chính sách “Thanh trùng nòi giống” được áp dụng tại các nước Bắc Âu từ năm 1929-1967. Trong thời gian đó Đan Mạch đã tiến hành triệt sản khoảng 11.000 phụ nữ, hầu hết bị cưỡng bách. Đối tượng chủ yếu là những người bị xem có dấu hiệu bệnh tâm thần hay thiểu năng, gái mại dâm...

Bà Karoline Olsen sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, có ba chị em gái. Khi bà lên 6 tuổi thì cha mẹ bị địa phương liệt vào hạng “đần” nên con cái bị tách ra và giao cho những gia đình khác nuôi nấng. Đến năm 14 tuổi, cô bé Karoline được đưa vào một trung tâm y tế. Tại đây cô bé cùng một số cô gái khác phải mặc đồng phục, được học chữ nhưng sống cuộc sống hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, thời gian chủ yếu dành cho việc đan vớ len.

Được một thời gian thì trung tâm tiến hành kiểm tra IQ và Karoline bị xếp vào hạng kém phát triển (bà Birgit Kirkebaek, nhà sử học, cho rằng phương pháp xếp loại phụ nữ vào loại “thần kinh yếu” hay “có bệnh tâm thần” vào lúc đó là rất khắc nghiệt, theo thời báo Berlingske ngày 18-7).

Karoline được thông báo nếu cô đồng ý ký giấy triệt sản thì sẽ được ra khỏi nơi này. Khi kể lại chuyện này với nhật báo BT (Đan Mạch), bà Olsen cho biết khi đó mới 14 tuổi, chưa thể hình dung hậu quả của chuyện triệt sản với tương lai sau này nên đã đồng ý ký giấy chỉ để được ra khỏi trung tâm.

Năm 1948, sau khi triệt sản, Karoline trở về cuộc sống bình thường, cũng đi làm như những cô gái khác nhưng với nỗi ám ảnh là có ai dám kết hôn với một phụ nữ đã bị cưỡng bách triệt sản. May sao, cô gặp một tài xế người Thụy Điển thông cảm với hoàn cảnh của cô, họ cưới nhau rồi về Thụy Điển sinh sống. Nay khi chồng đã qua đời, bà Olsen quyết định đưa câu chuyện của mình ra trước dư luận Đan Mạch.

Trước sự việc này, ngày 18-7 bà Benedikte Kiaer, bộ trưởng xã hội Đan Mạch, tuyên bố thông cảm với sự bức xúc của bà Olsen, nhưng việc này hoàn toàn đúng với tinh thần đạo luật có hiệu lực tới năm 1967 nên không thể có chuyện bồi thường hay xin lỗi.

Tuy nhiên theo ý kiến của bà Sytter Kristensen, giám đốc Trung tâm Phát triển người thiểu năng của Đan Mạch, dù chuyện triệt sản được thực hiện đúng với luật pháp vào thời điểm đó nhưng chính phủ vẫn có trách nhiệm xin lỗi những nạn nhân, tối thiểu vì lý do đạo đức.

Cũng cần nhắc lại là vào năm 1999, hai nước Thụy Điển và Na Uy đã quyết định công khai xin lỗi và bồi thường cho những người được xác định là nạn nhân của chính sách “Thanh trùng nòi giống” số tiền 175.000 kroner Thụy Điển mỗi người (khoảng 44.489 USD).

Trả lời phỏng vấn của Hãng truyền hình TV2 ngày 20-7, bà Karoline Olsen, hiện vẫn sống tại Thụy Điển với một chú chó nhỏ làm bầu bạn, cho biết bà không có ý định đòi Chính phủ Đan Mạch bồi thường tiền, chỉ đơn giản muốn có một lời xin lỗi từ những người có trách nhiệm vì đã tước bỏ quyền được làm mẹ và tự định đoạt cuộc sống của bà. Bà Olsen cũng nói sẽ không bao giờ trở lại quê hương. Có lẽ đối với bà Olsen, Đan Mạch không phải là “xứ hạnh phúc”!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận