TTCT - Trước thông tin nhà nước chuẩn bị cải tạo rạch Xuyên Tâm, người dân lo lắng tiền bồi thường không đủ mua nhà mới. Tiền bồi thường có đủ mua nhà mới?Cuối năm 2022, dự án rạch Xuyên Tâm mới được HĐND TP thông qua chủ trương nhưng UBND phường đã gửi phiếu khảo sát nhân khẩu và pháp lý nhà, đất đến từng hộ dân ở khu vực phường 15, quận Bình Thạnh từ giữa năm. Vì vậy, thông tin về việc di dời nhà khỏi khu vực ven kênh đối với người dân ở đây không còn lạ lẫm. Điều họ muốn biết nhất hiện giờ là mức giá bồi thường, khu tái định cư gần hay xa, tiền bồi thường có đủ mua nhà tái định cư hay không…Tuyến rạch Xuyên Tâm khu vực quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị ô nhiễm rác thải. Ảnh: NGUYÊN KHANGHơn 20 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thu bị di dời ở dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN). Vì không muốn ở chung cư tái định cư, bà đến khu phường 15 này, mua giấy tay một căn nhà ven kênh. Bà Thu làm thuê khắp xóm ven kênh, giờ có tuổi thì ở nhà giữ cháu nội, con trai bà Thu giao hàng theo xe tải và là lao động chính trong gia đình. "Ở đây tuy là nhà sàn nhưng gia đình tôi có chỗ chui ra chui vô. Nhà tôi giấy tay, nên tôi lo tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư. Tôi cũng mong được ở lại gần đây để các con tiện đi làm, ở gần mấy người hàng xóm cũ càng tốt vì các gia đình đã thân nhau, hiểu nhau từ trước tới giờ. Đời tôi trải qua hai lần di dời nên quen, chỉ lo mấy đứa nhỏ thay đổi chỗ ở chỗ học sẽ khó theo kịp", bà Thu nói.Nhiều người dân sống ven rạch Xuyên Tâm hiểu việc di dời, chuyển tới nơi mới thì môi trường sống tốt hơn, nhưng họ đều lo về gánh nặng tiền bạc, lo cuộc sống mới bị xáo trộn, tốn kém.Nhà nước hiểu dân, tái định cư sẽ thành côngChuyên gia Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), cho biết tài liệu của Ngân hàng Thế giới đã đúc kết, việc di dời người dân để thực hiện các dự án phải trải qua 3 giai đoạn: tiền tái định cư, tái định cư và hậu tái định cư. Ở giai đoạn tiền tái định cư, họ sẽ đến từng nhà để ghi nhận thông tin chi tiết về số lượng nhân khẩu, việc làm, nơi đi học hiện tại... của từng người dân, từ đó có đánh giá chi tiết về tình trạng việc làm, kinh tế của nhóm dân này cùng những nhu cầu của họ.Ở giai đoạn di dời, cần tổ chức công tác hỗ trợ dọn dẹp, xe cộ đưa người dân về nơi mới. Giai đoạn hậu tái định cư cần tới những đội công tác giúp đỡ người dân tại nơi ở mới làm thủ tục nhập học, chuyển hộ khẩu, đăng ký cư trú…Theo ông Thành, để tránh những "vết xe đổ" tái định cư ở những dự án trước đây, nhà nước phải nhanh chóng công bố giá bồi thường và phương án tái định cư cho dự án. Nơi tái định cư càng gần nơi ở cũ càng tốt. Những người tổ chức tái định cư phải bàn bạc, trao đổi, lắng nghe người dân di dời, cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời để họ đủ thời gian chuẩn bị tâm lý, vật chất cho cuộc di dời."Trong tái định cư, cần ưu tiên cho người dân duy trì cộng đồng cũ, ví dụ một tổ dân phố nên được bố trí tái định cư ở gần nhau. Khi cộng đồng không bị vỡ thì các mối quan hệ ít thay đổi, cuộc sống mới của người tái định cư dễ cân bằng. Chính sách sau khi tái định cư cũng quan trọng vì sẽ giúp người dân sớm được an cư, không vì khó khăn mà bán nhà đi nơi khác", ông Thành nói.Ông Thành cho rằng đối với người dân sống ven và trên kênh rạch ở dự án rạch Xuyên Tâm, chính quyền cần tìm hiểu kỹ thực trạng cuộc sống hiện nay của họ, phân nhóm nhỏ những trường hợp có hoàn cảnh, điều kiện tương đồng để có những chính sách cụ thể và ứng xử cho phù hợp. Nhu cầu của dân rất đa dạng, điều kiện kinh tế cũng khác nhau. Thông tin thu thập càng chi tiết rõ ràng, phương án hỗ trợ mới có thể xây dựng sát thực và hợp lý. ■ Trong năm 2023, TP.HCM sẽ chi hơn 87 tỉ đồng cho riêng khâu chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Theo Sở Xây dựng, dự án sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của khu vực như tình trạng ô nhiễm môi trường, thoát nước, chống ngập cho khu vực rộng khoảng 705ha, phát triển hệ thống giao thông, hình thành khoảng 11ha công viên cây xanh.Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, bằng nguồn vốn ngân sách TP.HCM. CHỜ ĐIỀU TRA XÃ HỘI HỌCTại kỳ họp thông qua chủ trương đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vào cuối năm 2022, HĐND TP.HCM yêu cầu UBND TP phải điều tra xã hội học khi xây dựng chính sách tái định cư, ưu tiên bố trí tái định cư đối với các hộ dân đủ điều kiện và hộ dân không đủ điều kiện nhưng có nhu cầu. Bên cạnh đó, quan tâm tới cuộc sống người dân sau tái định cư, bảo đảm nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và đầy đủ thiết chế văn hóa - xã hội.Trước đó, lãnh đạo UBND TP cũng nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan phải làm điều tra xã hội học về đời sống, nhu cầu tái định cư của người dân trong dự án rạch Xuyên Tâm để có những chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sát với nguyện vọng của người dân. Những tư liệu khảo sát sẽ là căn cứ để chính quyền tổ chức lại đời sống của người dân tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, làm cho dân hài lòng với đời sống mới, cuộc sống tốt hơn và sinh kế ổn định hơn.Tuy nhiên, theo UBND quận Bình Thạnh, đến nay người dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án rạch Xuyên Tâm chưa được điều tra xã hội học. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận này mới chỉ điều tra về diện tích nhà, đất, ghi nhận nhân khẩu của từng hộ gia đình chứ chưa có khảo sát về nguyện vọng, đời sống, công ăn việc làm, việc học và mong muốn của người dân về nơi ở, công việc mới… Quận cũng cần kết quả điều tra xã hội học để có sự chuẩn bị về quỹ nhà, nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân. "Việc điều tra xã hội học sẽ giúp quận nắm chính xác tình hình hiện tại, nguyện vọng về nơi ở, công việc làm sau khi di dời, địa điểm tái định cư, thậm chí là diện tích nhà tái định cư họ cần...", một cán bộ quận Bình Thạnh cho biết.Quận Bình Thạnh dự kiến sẽ đưa người dân trong dự án rạch Xuyên Tâm về các chung cư tái định cư 1.050 căn ở phường 12 và phường 22 (quận Bình Thạnh), chung cư Mỹ Kim, nền đất tái định tại phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) và xây dựng thêm chung cư tái định cư mới ở phường 12 (hiện đã có sẵn quỹ đất sạch).Sở Xây dựng cũng khẳng định tổ chức tái định cư cho người dân trong dự án rạch Xuyên Tâm được xây dựng kỹ để tránh những sai lầm khi di dời ở các dự án tương tự trước đây. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nay đã khác rất nhiều, người dân được bồi thường theo giá thị trường, những trường hợp không đủ điều kiện tái định cư được hỗ trợ, người có số tiền bồi thường quá thấp cũng được hỗ trợ để được nhận suất tái định cư tối thiểu hoặc mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, muốn biết nguyện vọng, nhu cầu của người dân thì vẫn phải chờ kết quả điều tra xã hội học. Từ kết quả đó, Sở Xây dựng mới có thể bố trí, chuẩn bị nhà cho phù hợp.Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết ban này chưa tổ chức điều tra xã hội học đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án rạch Xuyên Tâm. Dự án đã được duyệt nhưng các thủ tục giải ngân chưa xong nên chưa có kinh phí để thực hiện các bước tiếp theo.Tuyến rạch Xuyên Tâm khu vực quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị ô nhiễm rác thải. Ảnh: NGUYÊN KHANG Tags: Rạch Xuyên Tâm ô nhiễmRạch Xuyên TâmDi dờiTái định cưBồi thườngCải tạo
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.