Tất nhiên đại hội Đảng là phải quan tâm đến nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác nhân sự - khâu "then chốt của then chốt" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định.
Nhìn lại suốt thời gian dài vừa qua, từ công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy công tác nhân sự có nhiều điều đáng suy ngẫm. Rõ ràng có sự chưa ổn bộc lộ qua các vụ việc tham nhũng bị phanh phui. Chỉ riêng cấp địa phương, có khá nhiều lãnh đạo tỉnh thành bị biến thành "củi". Câu chuyện ở tỉnh Bình Thuận là một trong những ví dụ cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Tỉnh Bình Thuận được tái lập từ năm 1992. Đây là tỉnh luôn tự đánh giá là rừng vàng, biển bạc. Tuy nhiên cho đến nay, kinh tế của tỉnh vẫn nằm ở mức tầm tầm bậc trung.
Hơn 30 năm sau ngày tái lập, Bình Thuận qua 7 đời chủ tịch, ngoài đương kim chủ tịch thì 6 người tiền nhiệm đều bị xử lý ở các mức độ khác nhau.
Ngoài ra còn có 2 cựu bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật Đảng và hàng loạt phó chủ tịch tỉnh cùng nhiều cán bộ sở - ngành bị bắt hoặc bị kỷ luật.
Hầu hết các vị chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị xử lý do có liên quan đến bảo vệ và khai thác tài nguyên như để xảy ra phá rừng, giao đất, giao mặt biển làm các dự án dịch vụ - thương mại.
Như vậy, qua các nhiệm kỳ, công tác nhân sự ở tỉnh Bình Thuận liên tục không thành công. Cụ thể là không chọn được người "đủ tâm, đủ tài".
Việc rà xét "vết tích lịch sử" của cán bộ còn có lỗ hổng, có người sai phạm từ trước nhưng vẫn được cất nhắc, tới khi vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện và kỷ luật thì mới "à ra thế...".
Bình Thuận không "cô đơn", một số địa phương khác cũng có "sự cố" về công tác nhân sự. Tại Bắc Giang, bí thư Tỉnh ủy mới trúng cử nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì bị bắt, chủ tịch tỉnh bị cảnh cáo.
Ở Quảng Ngãi, chủ tịch tỉnh bị bắt khi chưa hết nhiệm kỳ, chủ tịch tiền nhiệm xin nghỉ hưu sớm sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, chủ tịch nhiệm kỳ 2011 - 2016 mới bị bắt đầu năm nay về tội nhận hối lộ khi còn thực thi công vụ.
Ở Thanh Hóa, cựu bí thư và cựu chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cùng bị khởi tố, cựu bí thư tiền nhiệm bị kỷ luật cảnh cáo. Ở Đồng Nai, sau Đại hội Đảng của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 chưa bao lâu, cả bí thư lẫn chủ tịch đều bị bắt do trước đó nhận hối lộ.
Tương tự, ở Vĩnh Phúc, bí thư và chủ tịch tỉnh "sa lưới pháp luật" trong cùng vụ án. Mới đây nhất là Phú Thọ, có tới 3 cựu bí thư Tỉnh ủy bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nêu tên...
Tại các địa phương có các trường hợp "có vấn đề" như vậy đều xuất hiện dư luận không tốt trong thời gian dài nhưng các vụ việc đã không được xử lý, trong đó có nguyên nhân công tác cán bộ bị bỏ ngỏ.
Rõ ràng là những người ngồi ở "ghế trên" đã tự biến mình trở thành những "ông vua", khiến cho tập trung dân chủ cũng như công tác nhân sự, công tác kiểm tra giám sát bị vô hiệu hóa; mọi tiếng nói phê bình, góp ý phản biện bị bỏ ngoài tai.
Hậu quả là "cái lồng cơ chế nhốt quyền lực" bị bứt tung. Điều đó khiến cho những tồn tại vẫn nối nhau tồn tại, sai phạm tái hiện triền miên.
Qua những vụ việc nêu trên cho thấy nguyên nhân chính là quan liêu, thiếu sâu sát thực tiễn trong quy hoạch, tuyển chọn, xét duyệt nhân sự, dẫn đến tình trạng "tưởng đỏ là chín". Cơ chế kiểm tra, giám sát cũng chưa đủ mạnh và chưa được thực thi nghiêm túc, nghiêm khắc và nghiêm minh.
Nếu những vấn đề này không được khắc phục triệt để thì không những kinh tế - xã hội bị hạn chế phát triển, mà cái "lò" đốt quan tham sẽ vẫn cứ phải nhận thêm nhiều "củi".
Điều này một lần nữa phải nhấn mạnh tính "then chốt của then chốt" trong quá trình làm công tác cán bộ hiện nay và thời gian tới, như vậy mới có thể hạn chế được những vấn nạn như thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận