Đoàn khảo sát tham quan tại khu nhà vườn rộng 5ha của gia đình ông Ba Tân ở Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: Đình Dân |
Giữa tháng 11-2015, Sở Du lịch TP.HCM, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cùng đại diện các công ty du lịch đã có chuyến khảo sát sau sáu tháng thí điểm liên kết với nhà vườn để đưa khách du lịch đến tham quan.
Dù chuyến đi được chuẩn bị kỹ từ trước nhưng đoàn làm việc vẫn bị... bỏ rơi khi vào một vườn hoa ở Củ Chi. Lý do: chủ vườn bận đi công tác nên không có người tiếp đón!
Chia sẻ chuyện này, ông Phan Xuân Anh - một doanh nhân có thâm niên làm du lịch, cố vấn của Công ty du lịch Tân Hồng - cho biết: “Cảnh này các công ty du lịch thường xuyên gặp khi làm việc với chủ vườn. Mới đây tôi đưa một đoàn khách nước ngoài đi thăm làng nghề thì gặp sự cố: vé mua hết rồi, nhưng khi khách đến thì đại diện làng ra bảo cả làng đi gặt lúa không còn ai tiếp”.
Kể lại câu chuyện này, ông Xuân Anh cho rằng để việc liên kết mang lại hiệu quả cho cả đôi bên cần có sự đồng bộ hơn. Sở Du lịch TP.HCM cần bố trí song song hai điểm trở lên để dự phòng đảm bảo tính lâu dài khi phát triển thành sản phẩm tour.
Đến với các điểm du lịch nhà vườn, du khách không những có nguy cơ bị bỏ rơi mà các vấn đề khác như: thiếu dịch vụ, thiếu sự quản lý bài bản... cũng làm du khách chưa hài lòng.
Hầu hết các công ty du lịch tại chuyến khảo sát đều cho rằng họ chưa có sự liên kết nào với nhà vườn sau sáu tháng đi vào thí điểm mô hình này. Nguyên nhân chủ yếu là dịch vụ cho du khách tại các nhà vườn còn nghèo nàn. Mới đây một đoàn khách nước ngoài đến nhà vườn rộng 5ha tại Củ Chi (TP.HCM), sau 45 phút thăm thú vườn cây, ao cá... thì đến giờ trưa, đoàn du khách muốn ở lại vườn dùng bữa nhưng chủ vườn nói chưa có dịch vụ này.
“Sản phẩm dịch vụ tại các nhà vườn chưa phong phú. Khi đến tham quan du khách có nhu cầu trải nghiệm công việc chăm sóc cây, cắt hoa... nhưng lại không thể thực hiện được” - ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc sản phẩm Công ty du lịch Vidotour, nói.
Ở góc độ chủ vườn, nhiều người lại cho rằng họ cũng có những cái khó cần sự chia sẻ. Ông Ba Tân, chủ một nhà vườn lớn tại Củ Chi, tâm sự trước giờ chỉ biết làm vườn, kinh doanh cây cảnh, chưa làm du lịch bao giờ nên không có kinh nghiệm.
Gần đây du khách có nhu cầu đến vườn rất nhiều nên ông cũng ý thức cần thay đổi, bổ sung các dịch vụ để khai thác du lịch như xây dựng đội ngũ nhân viên tiếp khách biết ngoại ngữ, xây dựng bảng giá, mở thêm dịch vụ bán đồ lưu niệm, đồ ăn uống... Tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ là trên cơ sở tự phát, chưa bài bản.
Vì vậy, để khai thác lợi thế của các nhà vườn trên địa bàn TP.HCM, biến nơi đây thành các điểm du lịch hấp dẫn, cần có sự vào cuộc của ba bên là chủ vườn, công ty du lịch và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du lịch, cho biết đa số chủ vườn ở Hóc Môn, Củ Chi, quận 9... rất muốn hợp tác làm du lịch nhưng kết quả đến nay chưa như mong đợi.
“Việc kết nối nhà vườn và công ty du lịch chưa chặt chẽ. Nhà vườn chờ đợi sự hướng dẫn, còn công ty du lịch thì chờ nhà vườn thay đổi” - ông Khánh nói. Sắp tới Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh việc quảng bá các tour nhà vườn nhưng bản thân nhà vườn và các công ty du lịch cũng phải đầu tư và thay đổi.
Từng khu vườn cây cảnh bonsai, vườn lan xanh mướt mát kết hợp những mái nhà cổ nằm sát bên những làng nghề rặt miền Nam... đó là “món ngon” cho du khách đang có sẵn trên địa bàn TP.HCM. Thế nhưng, chỉ tiếc rằng “món ngon” này vẫn chưa được bày biện, tổ chức một cách bài bản để giới thiệu cho “thực khách” trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận