Câu chuyện Kashmir

TRẦN NHÃ THỤY 06/06/2012 19:06 GMT+7

TTCT - 1. Kashmir từng là một tiểu quốc (princely state) nhỏ bé xinh đẹp nằm giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tháng 8-1947, khi Ấn Độ và Pakistan không còn là thuộc địa của Anh, theo Luật độc lập Ấn Độ, các tiểu quốc có quyền tự do lựa chọn hoặc sáp nhập vào Ấn Độ, hoặc thuộc về Pakistan. Kashmir có đa số dân theo đạo Hồi, nhưng tiểu vương Maharaja Hari Singh lại là một tín đồ Hindu giáo.

Không muốn sáp nhập Pakistan cũng như Ấn Độ, tiểu vương Maharaja Hari Singh muốn giữ một Kashmir độc lập nên ký hiệp ước không xâm phạm với Ấn Độ và Pakistan. Thế nhưng cả Pakistan và Ấn Độ đều muốn sở hữu Kashmir nên xung đột xảy ra. Tháng 1-1949, nhờ vào sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến tạm dừng, một đường ranh giới ngừng bắn được lập ra. Nhưng đường ranh giới này vẫn chia Kashmir làm hai phần thuộc kiểm soát của Ấn Độ và Pakistan.

Phóng to

2. Những dòng lược sử cho thấy dường như trong sự lựa chọn tự do, Kashmir đã gặp định mệnh của mình. Trong Đêm giới nghiêm (*), một tác phẩm được viết bởi một người Kashmir - Basharat Peer, ta có thể thấy Kashmir từ cột mốc năm 1989 khi phong trào ly khai, đòi tự trị của Kashmir bùng phát mạnh mẽ. Năm 1989, Basharat Peer mới 12 tuổi (tác giả sinh năm 1977).

Những khoảnh khắc bình yên của tuổi thơ trôi qua cùng những lo sợ, phẫn nộ, hoài nghi... Khi những thiếu niên trong làng tham gia các nhóm nghĩa quân thì chính Peer cũng sống trong bầu không khí nóng bỏng và quay cuồng đó. Nhưng chính sự minh triết của người cha (vốn là một nhân viên làm việc trong Văn phòng Chính phủ Kashmir) đã chỉ cho Peer cách thức để có thể đi qua cuộc chiến tranh mà cũng là đi qua một cuộc đời.

“Theo những gì mà cha đọc được, cha có thể nói với con rằng bất cứ sự vận động để giành độc lập của quốc gia nào cũng đều mất một thời gian rất dài” - người cha đã nói như vậy và ông khuyên chàng trai mới lớn rằng: “Nehru và Gandhi học luật ở Anh và đều là những nhà văn rất giỏi... Váslav Havel là một nhà văn rất lớn. Vị Dalai Lama cũng đọc rất nhiều và có thể dạy người biết bao điều. Không ai trong số họ dùng súng nhưng họ đã thay đổi cả lịch sử”.

Sự soi rọi đúng lúc của người cha đã khiến Peer thức tỉnh cũng như lấy được cân bằng để đối diện với tang thương trên quê hương mỗi ngày. Năm 1993, Basharat Peer lên Aligarh học cao đẳng, hai năm sau đó học đại học (khoa luật) ở Delhi. Tốt nghiệp đại học, Peer ở lại Delhi làm việc cho một hãng tin. Nhưng sự nghiệp viết báo của Peer chính thức là khi anh trở về Kashmir để viết bài cho tòa soạn của mình.

3. Một người Kashmir trở về với ký ức hằn nỗi đau và với một trái tim rất nhạy cảm (trong bối cảnh cuộc chiến khắc nghiệt) thật không dễ dàng gì, hơn nữa là trở về để viết. Trì hoãn thăm viếng, gặp gỡ, bởi dường như đến nơi nào cũng chạm nỗi đau. Ngay cả việc nhìn thấy con đường ranh giới ngày xưa (ngày nay gọi là Đường kiểm soát) Peer cũng cảm thấy thật đau đớn.

Theo Peer, đó không chỉ là con đường xuyên qua 576km núi non mà còn xuyên qua linh hồn của chính anh, và: “Nó xuyên qua tất cả những gì một người Kashmir, một người Ấn Độ, một người Pakistan nói, viết và làm”... Nhưng rồi cuối cùng Peer cũng vượt qua yếu tố tâm lý ấy để tiến hành công việc của một nhà báo thật sự và qua tư liệu báo chí đó, tác giả đã viết lại cuốn tự truyện thấm đẫm suy tư này.

Từng câu chuyện chiến tranh được kể lại. Có thể đó sẽ là những câu chuyện câm nín bởi ký ức quá đau buồn. Nhưng thật may mắn, Basharat Peer đến với những nạn nhân và nhân chứng chiến tranh không đơn thuần là với tư cách một nhà báo, mà như một người con, một người em, một người trong thôn làng...

Và có những câu chuyện chính tác giả đã chứng kiến một phần, giờ tìm kiếm ráp nối, phục dựng. Do đó Đêm giới nghiêm không còn đơn thuần là cuốn sách viết về chiến tranh. Sâu thẳm hơn, đây là cuốn sách viết về tình yêu, tôn giáo và thiên nhiên tuyệt diệu của Kashmir.

__________

(*): Đêm giới nghiêm, nguyên tác Curferwed night, Maya Huynh chuyển ngữ, NXB Trẻ ấn hành 2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận