22/07/2017 10:18 GMT+7

Câu chuyện hòa bình - câu chuyện tháng 7

 LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Rất nhiều nước mắt đã rơi trong đêm nhạc ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Có cả nước mắt của những người trẻ chợt nhận ra hạnh phúc mỗi ngày mà mình đang hưởng đã được trả giá như thế nào...

Một nghĩa trang liệt sĩ với cả vạn bia mộ, với tượng đài, với những ánh nến bập bùng, với cỏ cây giữa núi rừng bỗng trở thành một sân khấu âm nhạc. Rồi từ không gian thiêng liêng đó vang lên những lời ca đã đồng hành với người lính trên dặm dài đường cứu nước, tự thân nó đã mang nặng biểu tượng của hòa bình. 

Có lẽ chính vì thế mà chương trình âm nhạc Câu chuyện hòa bình, dù từng diễn ra nhiều nơi trong nước và quốc tế, nhưng chính không gian sân khấu đặc biệt của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đêm 20-7 đã khiến chương trình lần này thể hiện trọn vẹn ý nghĩa mà nó muốn chuyển tải với chủ đề: Khát vọng hòa bình!

Rất nhiều nghệ sĩ từng tham gia biểu diễn trong bốn chương trình Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình trước đây ở Hà Nội, ở TP.HCM, ở Nhật Bản đều nói rằng chưa bao giờ cận cảnh với ý nghĩa của từ “hòa bình” như ở chốn này.

Hòa bình ở đây không còn là một khái niệm về không gian cuộc sống nhân loại, hòa bình đã được cụ thể bằng sự hi sinh, bằng thân xác của cả vạn người lính đang lặng im sau hàng hàng mộ chí bập bùng nến và hoa.

Giá trị của hòa bình được nhận ra từ dòng nước mắt của người thân, của đồng đội, những ngày này về đây, đứng trước những hàng bia và cứ thế tuôn trào.

Rất nhiều nước mắt đã rơi trong đêm nhạc diễn ra trong không gian nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, không chỉ những cựu binh đi qua cuộc chiến đã may mắn trở về khóc thương cho bạn bè lặng im dưới mộ.

Có cả những giọt nước mắt của những người trẻ chợt nhận ra hạnh phúc mỗi ngày mà mình đang hưởng đã được trả giá như thế nào!

Giàn đèn sân khấu của chương trình Câu chuyện hòa bình hạ áp. Nến trên những nấm mồ cháy gần tàn. Những em bé Vân Kiều ở quanh khu vực đến xem chương trình âm nhạc dường như chưa muốn về.

Với chúng, đêm nay là một đêm rất vui vì được xem ca nhạc, được thấy vùng quê yên tĩnh giữa núi đồi của mình bỗng sôi động, vẻ trầm mặc làng bản được bừng sáng.

Hình ảnh của những đứa trẻ đang chơi đùa trong nghĩa trang liệt sĩ cũng là một biểu tượng giàu sức gợi về hai tiếng “hòa bình”. Bởi sự mất mát của chiến tranh không chừa một ai, nhưng nó trở nên tột cùng đớn đau khi nạn nhân của chiến tranh là những em thơ.

Và tôi nhớ ra ở tháng 7 tại Quảng Trị còn những vết thương hằn lên trí nhớ tháng năm.

Như năm nay, ít ai biết, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, ở những thôn xóm của xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) có hàng chục gia đình sẽ làm đám giỗ cho 39 cháu bé đã chết trong một chuyến xe sơ tán thời chiến tranh bị trúng bom đúng vào những ngày này tròn 50 năm trước, đêm 28-7-1967.

Câu chuyện hòa bình - câu chuyện tháng 7 ở miền đất này vẫn thao thức cùng những nỗi đau năm tháng khôn nguôi như thế!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên