Tiền tã, tiền sữa, tiền chích ngừa khám bệnh hằng tháng của nhóc gần 4 triệu đồng rồi, mà có mình mẹ đi làm lương chưa tới 10 triệu đồng. Giờ thêm tiền trường, tiền “biết ơn” cô giáo thêm 2 triệu đồng/tháng, eo hẹp đấy nhưng phải cố thôi.
Đại hội phụ huynh đầu năm, tôi chuẩn bị tinh thần nghe thông báo về các khoản đóng góp. Cô hiệu trưởng trình bày một giờ bằng máy chiếu về chương trình học, trang thiết bị đạt chuẩn chất lượng cao của trường. Kết thúc thuyết trình, cô giới thiệu ban đại diện cha mẹ học sinh. Vào lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy ngay vai trò của mình: vận động đóng góp cho trường, cho lớp.
Cụ thể thế này: trường mới thành lập, được Nhà nước rót cho 1,2 tỉ đồng lo cơ sở vật chất. Năm ngoái trường có hơn 400 học sinh, năm nay học sinh tăng lên hơn 600 cháu. Trường sợ các cháu ngủ trưa bị lạnh nên trang bị giường ngủ, mỗi giường hơn 500.000 đồng. Rồi trường phải mua cây xanh, trồng buồng chuối 100 nải cho các cháu ngắm nghía thích thú, trường phải mua vách tôn ngăn gì đó giữa các lớp học...
Kết quả là trường đang thiếu khoảng 360 triệu đồng, mong phụ huynh đóng góp hỗ trợ cho đủ. Trường không quy định ai đóng bao nhiêu, tùy lòng hảo tâm.
Ấy là về phía trường, còn về phía lớp của con tôi thì sao? Lớp con tôi là lớp bé xíu, trường phải bố trí ở tầng trệt, rất hợp lý. Mà tầng trệt lót gạch bông thì các cháu bị lạnh, các cháu làm bẩn ra sàn sẽ dễ té ngã. Vậy hội phụ huynh đề nghị lát sàn gỗ, diện tích lớp 82m2, vị chi 23 triệu đồng. Thêm tiền mua tivi với máy tính để trong lớp cho các cháu học thêm. Phụ huynh chúng ta đóng góp cho đủ 26 triệu đồng.
Tôi tự nhủ: lớp mới học đầu tháng 9, có vài bé học hồi hè thôi. Thế hội phụ huynh lấy thời gian đâu ra để họp mà thống nhất ý kiến lát sàn gỗ, rồi còn có con số cụ thể 82m2 giá 23 triệu đồng nữa? Có người thắc mắc: “Các cháu đã có giường nghỉ trưa, thế lát sàn gỗ làm gì?”.
Tôi tham gia ý kiến: “Trường xây dựng thì đã có kiến trúc và quy hoạch đồng bộ. Gạch bông lót thế nào để an toàn cho các cháu thì đã có sự kiểm định chất lượng rồi. Thế nếu lớp lót gỗ, lớp lót gạch, thẩm mỹ chung sẽ ra sao? Trường cũng không nằm trong vùng ngập lụt, nước không tràn vào thì ẩm lạnh thế nào?”.
Và tôi tự hỏi chẳng lẽ nhà ai có con nhỏ phải đưa con lên lầu cho khỏi ẩm hơi đất, hoặc ở dưới trệt thì nhà nào cũng phải lót sàn gỗ? Có ai kiểm định chất lượng, xác định độ trơn để đảm bảo sàn gỗ các cháu dây nước ra thì không bị trượt té?
Có vài phụ huynh mạnh miệng: “Vì con em mình, vài trăm ngàn đồng có đáng bao nhiêu!”. Người quan ngại: “Nếu bảo đóng góp tùy hảo tâm và điều kiện thì lỡ chỉ thu được 17 triệu đồng, số thiếu làm sao?”.
Bác hội trưởng dõng dạc: “Tui không nói là đóng góp chính xác con số bao nhiêu. Chủ trương không cho phép. Tùy hảo tâm thôi. Nhưng có anh lúc nãy tính sơ sơ nếu một người đóng 600.000 đồng sẽ đủ”. Và rồi biểu quyết 28 đồng ý, 18 không đồng ý, coi như thống nhất lót sàn gỗ.
Đi họp về mà tôi băn khoăn quá. Hay theo đúng tinh thần “tùy lòng hảo tâm”, tôi đóng ít ít theo khả năng của mình. Đóng góp ít, cô giáo và hội phụ huynh có nhìn con tôi như kiểu dị nhân không? Cũng có khi tôi lo hão, ai nỡ đối xử không tốt với con trẻ chỉ vì chuyện cái sàn gỗ?!
Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Cao Văn Long, Phi Khanh (Hà Nội), Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Tú, Trần Văn Thứ, Phạm Được (Đà Nẵng), Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Minh, Trần Hồng Minh, Dương Thị Thanh Huyền (Khánh Hòa), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Trần Ngọc Đức Anh, Phan Tuyết (Bình Thuận), Bình Yên, Nguyễn Văn Công, Lê Phạm Phương Lan, Thanh An (Đồng Nai), Thiên Anh, Hoàng Thái Hùng, Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Nguyễn Đức Tường, Lê Phương Trí, Nguyễn Quế Diệu, Lưu Đình Long, Sông Dài (TP.HCM), Hải Đăng, Hoa Mai (Tây Ninh), Nguyễn Minh Út (Long An), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu) cùng các tác giả Anh Thi, Lan Anh, Lâm Sơn Hà, Mai Vũ, Lê Quang Vũ, Angel Nguyen, Nguyễn Trọng Nhân, Hiền Hoàng, Đỗ Tấn Tri, Minh Thúy, Lý Thế Mạnh, vitdaudan12a4@...
Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua email [email protected] hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận