TTCT - Ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng. Điều này càng đúng với những bìa sách. The Dream and the Business của John Oliver Hobbes, bìa do Aubrey Beardsley vẽ2023 là một năm sôi động của ngành xuất bản với nhiều tựa sách mới, diện mạo sách bắt mắt và đa dạng. Thế giới sách đẹp đẽ và độc đáo ấy cho thấy kỹ thuật làm sách trong nước ngày càng phát triển. Và đưa ta lần ngược lại lịch sử làm bìa sách ẩn chứa rất nhiều biến đổi và sáng tạo.Một chức năng mớiTiền thân của những chiếc bìa sách đầy màu sắc ngày nay có lẽ là những chiếc bìa áo (dust jacket) xuất hiện từ những năm 1820, cùng với sự ra đời của máy móc và các vật liệu mới.Vào thời điểm đó, hầu như các cuốn sách đều được đóng bìa cứng bọc vải. Bìa áo cung cấp những thông tin căn bản về cuốn sách như tựa đề, tác giả, nhà xuất bản, giúp tăng độ bền của bìa cứng bên trong. Đó là một bước tiến căn bản so với chức năng giữ các trang sách lại với nhau của bìa sách trong lịch sử xuất bản hàng trăm năm trước đó, Ned Drew và Paul Sternberger, đồng tác giả cuốn By its cover nhận định.Đến giai đoạn 1890, các nhà xuất bản dần nhận thấy tiềm năng thu hút khách hàng bằng bìa sách. Những kỹ thuật in ấn mới cũng giúp cho chế tác bìa sách trở nên tinh xảo hơn. Từ đó bìa sách vượt ra khỏi chức năng thông báo thông tin đơn thuần, có thêm tính chất minh họa, quảng cáo nội dung bên trong phục vụ nhu cầu bán sách, bài viết "The History and Evolution of the Book Cover" (Lịch sử và sự tiến hóa của bìa sách) trên trang Buzbook nêu.Sau Thế chiến 1, bìa áo cực kỳ phổ biến, đặc biệt trong dòng sách thiếu nhi. Các nhà xuất bản mạnh tay chi tiền đặt hàng một số họa sĩ vẽ bìa. Năm 1906, Nhà xuất bản Fisher Erwin (Anh) đã cho ra mắt cuốn The Dream and the Business của John Oliver Hobbes, với phần bìa do Aubrey Beardsley thiết kế, sử dụng kỹ thuật in thạch bản ba màu. Ngày 30-7-1935, Nhà xuất bản Penguin (Anh) trình làng tuyển tập 10 cuốn sách bìa mềm đầu tiên trên thế giới. Bìa sách từ đây không còn là "vỏ bọc", chúng trở thành một phần tất yếu và quan trọng của cuốn sách.Bìa sách như một lăng kính văn hóaVà khi đã là một phần tất yếu của từng cuốn sách, mỗi bìa sách là một cách diễn giải những gì diễn ra phía sau nó. Nó là một hình thức dịch thuật liên ký hiệu. Nó biến đổi thông điệp từ hình thức văn bản sang ngôn ngữ hình ảnh. Đó là nơi diễn ra cái bắt tay giữa người thiết kế và tác giả, để hai bên cùng truyền tải nội dung của quyển sách cho chính xác nhất, theo cách riêng của từng người. "Các tác phẩm văn học phản ánh những cảm nhận cá nhân của tác giả, nên bìa sách cũng nên phản ánh những cảm xúc cá nhân đó… Nếu sự khác biệt giữa hai bên quá lớn, nó sẽ phá vỡ sự hòa hợp trong tổng thể quyển sách" - nhà văn Nhật Natsume Soseki từng nói. Cú bắt tay ban đầu kia quan trọng tới mức đến nay nhiều bìa sách dịch ở Việt Nam vẫn cần sự chấp thuận từ phía tác giả hoặc nhà xuất bản gốc trước khi xuất bản.Kỹ - mỹ thuật làm sách ở Việt Nam trong gần 30 năm qua cũng phát triển tương đồng với văn hóa đọc. Không chỉ số lượng sách xuất bản tăng nhanh (với khoảng 33.000 xuất bản phẩm và 450 triệu bản in trong năm 2023), nhiều tựa sách được nhiều nhà xuất bản cùng thực hiện. Chẳng hạn, với cùng một tác phẩm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, hiện lưu hành ít nhất ba phiên bản của Nhã Nam, Đông A và Kim Đồng. Với nhiều lựa chọn như thế, độc giả không chỉ nhìn vào tác giả hay dịch giả, mà còn nhìn vào diện mạo cuốn sách để đưa ra quyết định mua hàng. Với cộng đồng truyện tranh Nhật Bản (manga) tại Việt Nam, đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng một cuốn sách. Không ít lần cộng đồng này phản hồi về chất lượng sách đến các nhà xuất bản, đặc biệt là về các đầu truyện có giá trị kỷ niệm, sưu tầm. Với các lỗi về bìa, các nhà xuất bản "bù đắp" cho bạn đọc bằng in lại bìa áo và đính kèm trong tập tiếp theo.Bìa sách như một công cụ quảng báVới sử gia Anh Alexis Weedon, bìa sách là "ngưỡng cửa giữa không gian thương mại công cộng và thế giới văn bản thân mật nơi tác giả tâm tình riêng với chúng ta". Theo bà, mỗi khi nhìn thấy một bìa sách trong nhà sách, bạn đang bước vào một cuộc "thương lượng" với bìa sách đó. Cuộc thương lượng đó đi từ "bạn có nên để ý đến cuốn sách này?" sang "bạn có nên cầm sách lên đọc thử vài trang?" và sau rốt là "tôi có nên mua cuốn sách này?".Bìa sách trở thành công cụ quảng bá hiệu quả của các công ty xuất bản. Có thể tìm thấy vô số bài đăng "vote" bìa sách mới trên mạng xã hội của các đơn vị này như một cách mời gọi sự tham gia của độc giả vào quá trình làm sách ngay từ đầu. Ví dụ, đầu năm 2021 Nhã Nam công bố hai bìa sách dự kiến cho tác phẩm Tiếng triều dâng của Mishima Yukio do họa sĩ Tùng Nâm thực hiện. Nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng, Nhã Nam quyết định ấn hành cả hai phiên bản này. Tương tự, nhiều tựa sách như Xứ Cát, Nhà giả kim (đều từ Nhã Nam), bộ sách Mario Puzo (Đông A) hay Cánh đồng bất tận (Trẻ) đều được tái bản với bìa mới để đáp ứng nhu cầu mua cầu "mua sách vì bìa" của bạn đọc. Những năm gần đây, xu hướng làm sách "bản đặc biệt" lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu sưu tầm ngày càng tăng của nhóm độc giả có điều kiện tài chính tốt. Do các sách này thường được phát hành song song với bản thường nên yếu tố tạo nên sức hút của chúng nằm ở khía cạnh kỹ - mỹ thuật. Tiêu biểu cho xu hướng này là dòng sách S của Đông A. Các tựa sách này được chế tác thủ công, sử dụng bìa da cao cấp kết hợp các kỹ thuật chế tác cổ điển. Bìa sách của các ấn bản này cũng mang thiết kế hoài cổ, gợi nhớ diện mạo của sách bìa cứng thịnh hành ở phương Tây trước thế kỷ 20.Tuy nhiên, không phải lúc nào yếu tố bìa sách cũng được các nhà xuất bản tận dụng hiệu quả và đúng lúc. Năm 2020, chuỗi nhà sách Barnes & Noble tại Mỹ bị chỉ trích dữ dội vì chiến dịch "thiết kế lại bìa sách" nhằm hưởng ứng tháng lịch sử của người da màu. Ý tưởng đằng sau chiến dịch này là thay thế các nhân vật da trắng trên 100 bìa sách nổi tiếng thành người da màu. Bức xúc về ý tưởng thiếu tinh tế này, tác giả Angie Thomas chia sẻ trên Twitter (nay là X): "Sao [Barnes & Noble] không quảng bá sách do chính người da màu viết?".Bìa sách như một tác phẩm nghệ thuậtTrong tác phẩm Những thần thoại (Mythologies), triết gia Pháp Roland Barthes ví von những diễn giải liên ký hiệu, như truyền tải nội dung sách bằng ngôn ngữ hình ảnh, giống một cuộc đấu vật.Diễn biến trên sân đấu được khán giả lý giải bằng những hiểu biết về môn thể thao và động tác của các đấu sĩ. Ở chiều ngược lại, đấu sĩ cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của khán giả mà thi đấu nhiệt huyết hơn. Theo góc nhìn này, ngoài việc minh họa nội dung, bìa sách còn ẩn chứa những giá trị gắn liền với các nhóm đối tượng độc giả cụ thể. Đây là điều kiện tiên quyết để khi nhìn vào, những độc giả mà sách nhắm đến đủ khả năng cắt nghĩa và cảm nhận những hình ảnh đó. Nhìn rộng ra, bìa sách phản ánh thị hiếu thẩm mỹ xã hội nơi chúng xuất hiện. Thị hiếu này sẽ thay đổi tùy theo cộng đồng và thời điểm chúng ra đời.Một bìa sách của Alvin Lustig và Paul Rand. Ảnh: Flickr/theoinglisVà nghệ thuật bìa sách phát triển song song với sự trưởng thành của ngành thiết kế đồ họa. Đầu thế kỷ 20, Alvin Lustig và Paul Rand trở thành những nhà thiết kế nổi tiếng ở Mỹ khi đưa ra những bìa sách phá cách nặng tính hình học, kết hợp những kiểu chữ tối giản, rõ nét, trái ngược với các thiết kế khuôn mẫu và hoa hòe hơn trước đó. Ngôn ngữ hình ảnh của họ nhất quán với cách công chúng thời kỳ này nhìn nhận nước Mỹ như một miền đất của sự mới mẻ.Đứng trước yêu cầu phục vụ bán sách tốt hơn cho các nhà xuất bản, nhiều họa sĩ không chỉ vẽ bìa mà còn chịu trách nhiệm cho toàn bộ thiết kế mỹ thuật của cuốn sách. Khi quyền hạn sáng tạo lớn hơn, họ cũng có không gian thử nghiệm các thiết kế mới rộng rãi hơn. Cuốn sách Máu lạnh (Nhã Nam) năm 2012 do Tạ Quốc Kỳ Nam làm bìa từng gây tò mò cho độc giả với thiết kế "giấu tựa" khéo léo.Trong thị trường sách hiện tại, "tốt nước sơn" quan trọng không kém phần "tốt gỗ". Khi văn hóa đọc ở Việt Nam ngày càng khởi sắc, một bìa sách "tốt" và có duyên còn nằm ở giá trị kỹ - mỹ thuật và sự chế tác kỹ lưỡng. Nó phải khiến cho độc giả khi cầm sách lên biết rằng trên tay mình là một tác phẩm sáng tạo đầy tâm huyết từ trong ra ngoài. Một xu hướng khác là hình thức movie tie-in, tức là bìa sách sử dụng hình ảnh từ phim chuyển thể. Tiêu biểu cho hình thức này là các bìa Án mạng trên tàu tốc hành phương Đông (bản 2017) và Án mạng trên sông Nile (bản 2023, cả hai đều từ Trẻ) hay gần đây là Đất rừng phương Nam (Kim Đồng). Các bìa này thường ra đời cùng lúc với bản chuyển thể và tận dụng "sức hút" ngắn hạn từ các phim này để thu hút bạn đọc. Tags: Người thiết kếTác phẩm văn họcẤn tượng đầu tiênBìa sáchChất lượng sách
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.