17/04/2014 10:03 GMT+7

Câu chuyện của giáo dục

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - LTS: Trong diễn đàn số hôm nay, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - và ý kiến của một công dân trẻ... Không hẹn mà gặp, hai ý kiến đều nhấn mạnh vai trò của giáo dục và “noi gương” trong việc đẩy lùi tật xấu.

S46K1qFg.jpgPhóng to
Mẹ dẫn con qua đường trên vạch dành cho người đi bộ - Ảnh: T.T.D.

Không phải bỗng dưng mà... xấu

Tôi là một công dân trẻ thuộc thế hệ 8X đời cuối. Nếu được yêu cầu liệt kê toàn bộ những thói hư tật xấu của người Việt, tôi dư sức làm được, thậm chí làm say mê từ sáng đến tối cũng chưa hết. Nhưng nếu ai đó cắc cớ hỏi lại rằng bản thân tôi đã từng vi phạm bao nhiêu điều trong số những gạch đầu dòng ấy, tôi tin chắc bản thân sẽ ngậm ngùi trả lời rằng không dưới 1/3. Vì sao?

Không phải bỗng dưng người trẻ chúng tôi trở nên xấu. Hoặc ít ra, khi thực hiện hành vi xấu, chúng tôi vẫn ý thức được là không nên. Vậy tại sao chúng tôi không thể sống khác?

Một cô giáo từng đứng lớp năm này qua tháng nọ thuyết giảng hàng chục bài học đạo đức, song cũng chính cô phải làm kiểm điểm về hành vi nói xấu đồng nghiệp, thậm chí xô xát cả những người đáng tuổi cha chú. Bất cứ đứa trẻ nào khi còn nhỏ đều được người lớn giảng dạy về đức tính khiêm tốn, biết nhường nhịn, chia sẻ nhưng chỉ cần lớn thêm một chút, chính bản thân nó dư sức nhận ra cuộc sống khác xa với những gì được tuyên truyền trong sách vở. Ra đường, đèn vàng mà dừng lại sẽ lập tức bị mắng là “đồ ngu”, “dở hơi”, cản trở giao thông. Nhiều lúc muốn dừng xe lại nhường chỗ cho một cụ già qua đường nhưng một bánh xe dừng lại thì có ích gì trước hàng chục, thậm chí hàng trăm bánh xe khác cứ vùn vụt lao lên. Khái niệm xếp hàng mua đồ chỉ có khi tồn tại ít nhất bốn người cùng đợi chờ thứ tự, nếu không thì ngược lại, ai cũng chen lấn, xô đẩy, mình không hòa vào đám đông ấy thì có là thánh cũng chưa biết khi nào đến lượt. Trong khi xã hội vẫn đang cực lực lên án thói tham nhũng, gian dối nhưng chỉ cần bước ra khỏi nhà là nhìn thấy cảnh dấm dúi với những người vi phạm giao thông. Kinh nghiệm những người đi trước đã truyền lại là chỉ cần “thủ” sẵn trong túi áo vài trăm nghìn thì cửa ải nào cũng qua trót lọt?!

Ở đây không phải tôi hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà chính do hoàn cảnh buộc người ta không có chọn lựa nào khác. Bằng chứng là cũng những con người ấy nhưng ở một xã hội khác, những hành vi đó không hề tồn tại, hoặc chí ít cũng giảm đi bội phần. Tôi đã từng dẫn một đoàn sinh viên qua Nhật thực tập. Ở đó, trong một môi trường hoàn toàn khác, các em không dám nói chuyện ồn ào, chen lấn trong thang máy hay xả rác xuống đường như khi ở nhà. Hỏi thử một em trong số đó, em này hồn nhiên đáp: “Ở đây không ai làm thế, nếu mình làm sẽ trở thành lạc loài sao cô?”. À thì ra tấm gương đạo đức mà mỗi ngày các em soi chiếu không phải là những bài học thuyết giảng trong sách vở, không phải chính bản thân các em mà từ hành động của những người đối diện. Nếu ở đâu đó một hành động bị cho là bình thường thì dù nó có là “xấu xí” vẫn được người ta “nhân bản” làm theo. Ngược lại, nếu một hành vi bị cả xã hội lên án thì dù có ý muốn làm người ta cũng phải đắn đo.

Nói tóm lại, không phải bỗng dưng chúng ta trở nên xấu mà là do cả xã hội chưa quyết tâm đẩy lùi cái xấu. Đặc biệt ở mỗi môi trường luôn có những người đóng vai trò làm gương, như ở gia đình có bố mẹ, đến trường thì có thầy cô giáo, xa hơn nữa là các tổ chức chính quyền… Nếu phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ này thì tin chắc thế hệ trẻ sẽ tránh xa được nhiều thói hư tật xấu.

THANH THU (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

“Vốn liếng” để vào đời

Không biết xếp hàng, không biết nhường nhịn, vô tư xả rác, đi đứng ngông nghênh theo kiểu một mình một chợ... Rất nhiều thói hư tật xấu của người Việt bộc lộ trong giao tiếp ở nơi công cộng mà dù đã được nói nhiều, phê phán nhiều vẫn không thấy giảm. Những thói hư tật xấu đó khiến các sinh hoạt trong không gian chung ở Việt Nam thường trông rất mất trật tự và nhếch nhác, nhất là ở những nơi có đông người tụ tập để cùng làm một việc.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là do ảnh hưởng của nếp sống quê mùa và do không được giáo dục tốt. Có một nguyên nhân sâu xa hơn nữa, đó là nhận thức về địa vị xã hội của cá nhân ở người Việt rất kém so với người phương Tây. Suy cho cùng, chính nhận thức đó, đúng hơn là nhận thức về giá trị xã hội của cá nhân, của bản thân chủ thể đã giúp người phương Tây được biết đến như một loại người lịch lãm, tự tin, biết ứng xử theo đúng các chuẩn mực của xã hội công dân. Nó cũng giúp tạo ra những cá thể có sức mạnh và trí tuệ, có khả năng dấn thân trong tư thế người làm chủ, người có quyền và có trách nhiệm cá nhân đối với vận mệnh của thế giới tự nhiên, của xã hội, cũng như của bản thân mình.

Người ta nói rằng sống trong xã hội thì phải thừa nhận ba điều: thứ nhất, con người là chủ không gian xã hội; thứ hai, con người có quyền tự do; thứ ba, con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Từ sự nhìn nhận đó, người ta hiểu cần phải ứng xử một cách có chừng mực và hợp lý khi sống trong xã hội, nhất là trong quan hệ giao tiếp giữa người và người. Bởi đơn giản, một khi mỗi người đều là chủ, đều có quyền tự do như nhau, ngang nhau thì mỗi người đều phải tôn trọng quyền làm chủ, quyền tự do của người khác.

Rốt cuộc người ta chỉ có thể thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ trật tự xã hội. Về phần mình, trật tự xã hội được xây dựng trên cơ sở một hệ thống chuẩn mực ứng xử, bao gồm luật pháp, phong tục, tập quán… Tuân thủ chuẩn mực chung, con người sẽ được hưởng tự do, đồng thời xã hội có trật tự.

Tất cả những điều đó phải được dạy cho con người từ tấm bé, để được thấm nhuần theo thời gian, trở thành vốn liếng hiểu biết cơ bản mà người ta phải có khi bước vào đời sống xã hội.

Không nhận thức, không hiểu được những điều đó thì con người, với bản chất vị kỷ và bản năng tự do vô chính phủ, như bất kỳ động vật nào sẽ có xu hướng sinh hoạt, ứng xử tùy tiện. Khi đó, dù sống trong không gian chung nhưng mỗi người xây dựng cho mình một ốc đảo. Xã hội là một tập hợp những ốc đảo, một tập hợp rời rạc, bởi giữa các ốc đảo không có mối dây liên lạc đặc trưng cho một tập thể, một cộng đồng có tổ chức.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên