TTCT - Sự sống và cái chết trong thành phố (dự kiến phát sóng lúc 20g ngày 26-5) được chọn để kết thúc loạt bốn phim giới thiệu về VN (bắt đầu từ ngày 5-5) trên sóng của kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery. Đạo diễn Đào Thanh Tùng đã chia sẻ với TTCT những câu chuyện bên lề của một trong những nhà làm phim tài liệu VN lần đầu tiên có phim được trình chiếu với toàn thế giới. Phóng to Một cảnh trong Sự sống và cái chết trong thành phố - Ảnh nhân vật cung cấp * Ý tưởng Sự sống và cái chết trong thành phố đến với ông như thế nào? Tại sao ông tin đây là một ý tưởng xứng đáng để giới thiệu VN ra thế giới? - Người trẻ hay nhìn về phía trước, với những người không còn trẻ họ hay ngoái nhìn lại phía sau. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhiều lần tới nghĩa trang Văn Điển, nghĩa trang lớn nhất Hà Nội, đưa tiễn ai đó. Bao giờ tôi ra về cũng với tâm trạng nặng nề và cố lý giải ý nghĩa của cuộc sống. Tôi nhìn thấy ở nghĩa trang Văn Điển một thành phố của những người đã chết, là thành phố nơi người ta phải đến khi đi hết hành trình của cuộc sống. Phóng to Đạo diễn Đào Thanh Tùng - Ảnh nhân vật cung cấp Đô thị ồn ào và dần phình to ra mọi phía. Nơi tưởng như tận cùng của Hà Nội cũng không còn yên tĩnh. TP Hà Nội quyết định đóng cửa nghĩa trang Văn Điển vào ngày 1-7-2010, một quyết định đúng nhưng hơi sốc với những người đang sống và có người thân đang nằm ở Văn Điển. Ai cũng tự hỏi: người chết sẽ đi về đâu, hỏa táng hay phải đi về một nơi xa cách trung tâm Hà Nội gần 100km? Người Hà Nội sẽ phải thay đổi một tập quán ăn sâu vào tiềm thức: địa táng cho người thân của mình khi chết và sau đó ba năm cải táng đưa người chết về ngôi nhà mới. Tôi chợt nhận ra đó cũng là một vấn đề của đô thị, một vấn đề của truyền thống văn hóa người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ. Vậy thì tại sao không làm một bộ phim tài liệu về sự sống và cái chết ở thành phố với nhân chứng là một nghĩa trang sẽ phải “chết” sau nửa thế kỷ sống cùng với dân Hà Nội? Tục lệ cải táng của người Việt linh thiêng, liên quan tới tín ngưỡng và tâm linh. Giải mã được tục cải táng có lẽ sẽ đem lại cho người xem một sự hiểu biết nhất định về con người VN. * Các chuyên gia của Discovery nhận xét như thế nào về kịch bản của ông? Trong suốt quá trình thực hiện cùng với họ, ông đã thay đổi kịch bản thành phim như thế nào? - Ý tưởng kịch bản của tôi ban đầu tạo ra sự ngạc nhiên cho các đồng nghiệp đại diện kênh Discovery châu Á. Bản thân họ không hiểu tại sao đã chôn người chết rồi lại đào lên, cho đó như là một hành động kỳ quặc. Một hành động được coi là “kỳ quặc” có hệ thống, được số đông người Việt tuân theo, lại có chiều dài lịch sử cả ngàn năm, hành động đó chỉ có thể hiểu được từ cái nhìn theo hướng truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Họ tò mò về một luật tục của người Việt và cũng muốn biết xem cải táng là gì và diễn ra như thế nào. Công đoạn đầu tiên của quá trình làm phim là hình thành kịch bản, chúng tôi gặp nhau trao đi đổi lại nhiều lần, gọi là làm phim bằng miệng. Sau đó viết ra giấy toàn bộ đường dây câu chuyện, gọi là làm phim trên giấy. Quá trình “miệng và giấy” này diễn đi diễn lại nhiều lần với vô số câu hỏi tại sao như thế này mà không phải như thế kia, kéo dài mất vài tháng trời. Câu chuyện cải táng đối với người Việt ai cũng hiểu, đối với người nước ngoài quá khó hiểu, vì vậy phải tưởng tượng và sắp xếp lại cho thích hợp, dễ hiểu đối với người xem. Nhiều khi phải sửa đi sửa lại kịch bản, chán quá đành tự an ủi mình cứ coi như chơi trò giải ô chữ vậy. * Những cảnh quay nào ông thấy đáng nhớ nhất? - Thời gian thực hiện các cảnh quay tiền kỳ không dài, chỉ mất vài ngày, giống như đi chợ và chuẩn bị nấu nướng thì lâu, còn nấu thì nhanh và khi ăn còn nhanh hơn. Hơn nữa, nội dung của phim là một lễ cải táng, gia đình người chết mất rất nhiều thời gian chuẩn bị cho buổi lễ bao gồm nhiều công việc như họp gia đình, xem ngày giờ, chọn đất chọn hướng... cùng nhiều công việc không tên khác. Trong khi đó lễ cải táng chỉ được phép thực hiện trong một đêm trước khi có ánh sáng mặt trời. Tục lệ dân gian như thế nào, đoàn làm phim phải thực hiện theo như thế, không thể bày đặt cũng như không thể “sáng tác’’. Điểm nhấn của bộ phim dừng lại ở thời điểm bật ván thiên, khi đó mọi người có mặt đều rơi nước mắt, vì đó là khoảnh khắc người sống và người chết được gặp gỡ nhau lần cuối và chia tay nhau mãi mãi. * Phần hậu kỳ của phim được làm ở Singapore, nghe nói cũng có tranh cãi? - Các nhà làm phim tài liệu đều cho rằng xử lý phần hậu kỳ là quá trình sáng tạo lại tác phẩm của mình. Ở các kênh truyền hình nước ngoài, họ coi người dựng phim là đạo diễn hậu kỳ mà không phải là người chỉ bấm nút máy dựng như ở VN. Đạo diễn phim và đạo diễn hậu kỳ tha hồ tranh cãi những điều cần thiết và những điều không cần thiết. Tôi phải giải thích đi giải thích lại với người dựng phim những điều trước đó đã phải giải thích cho các đồng nghiệp của Discovery về lễ cải táng. Đến cuối ngày, cùng nhau xem lại bản nháp dưới sự giám sát của đại diện nhà sản xuất và tư vấn. Đưa ra bản nháp này, họ lắc. Lại làm bản nháp khác, họ lắc. Lại làm lại cho đến khi tìm được sự đồng thuận. Vì tôi là người làm phim cho họ và phát sóng trên kênh của họ, đương nhiên người quyết định cuối cùng không phải đạo diễn. * Cách làm việc của các chuyên gia Discovery có khác với cách ông làm phim tài liệu tại VN không? Ông ấn tượng những gì về họ? - Bản chất của phim tài liệu là ghi chép lại hiện thực một cách có ý đồ và sáng tạo. Người làm phim tài liệu ở bất cứ nơi nào và dù làm việc cho ai cũng cùng một quan niệm như thế. Điều khác nhau là phong cách làm phim tài liệu và định hướng của từng nhà sản xuất. Đối với kênh Discovery, điều tôi nhận ra và họ cũng nói thẳng: “Chúng tôi là kênh truyền hình trả tiền, phim không hấp dẫn, người xem sẽ chuyển kênh khác”. Ngay cả tên phim đã phải thay đổi nhiều lần, cuối cùng tên phim theo tiếng Anh là Digging up the dead (Đào người chết lên), gợi ra sự tò mò nhiều hơn so với tên tiếng Việt quá cụ thể là Lễ cải táng hay Sự sống và cái chết trong thành phố. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các kênh truyền hình bắt buộc họ phải có những nguyên tắc nghiêm khắc khi yêu cầu các nhà làm phim phải nỗ lực vượt qua bản thân mình. Anh đang làm phim cho ai thì phải tuân theo định hướng ở đó. Đó là sự sòng phẳng lạnh lùng. Họ thực tế, không quá nghệ sĩ. Họ đòi hỏi sự chuyên nghiệp chi tiết trong từng công đoạn sản xuất và trong từng vị trí công việc, thậm chí chuyên nghiệp cả trong tính sáng tạo của mỗi bộ phim. Điều này các nhà làm phim VN đang hướng tới, nhưng bao giờ tới lại là chuyện khác... Bắt đầu tại VN từ tháng 9-2009, dự án “First Time Filmmakers - Lần đầu tiên làm phim với Discovery” đã chọn bốn kịch bản: Những chiến binh chống tắc đường (đạo diễn Phan Duy Linh), Thành phố ngàn năm tuổi (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà), Sự sống và cái chết trong thành phố (đạo diễn Đào Thanh Tùng) và Rạp chiếu phim di động của ông Long (đạo diễn Vũ Mạnh Cường). Mỗi dự án được đầu tư 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng) để thực hiện và được trình chiếu trong “Travel & Living” (Đi và sống) - chuyên mục ăn khách nhất của kênh Discovery vốn thu hút hơn 400 triệu lượt người xem.
Ngắm nhan sắc Thanh Thủy, người đẹp Việt Nam đầu tiên đăng quang Hoa hậu Quốc tế HOÀI PHƯƠNG 12/11/2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy là người đẹp Việt Nam đầu tiên giành chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International). Cô cũng là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc thi này.
Huỳnh Thị Thanh Thủy là Hoa hậu Quốc tế Miss International 2024 HOÀI PHƯƠNG 12/11/2024 Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024 - Miss International - tại Nhật Bản khép lại, đại diện Việt Nam - Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng quang.
Giá vàng lao dốc, sau một tuần đã lỗ hàng chục triệu đồng/lượng ÁNH HỒNG 12/11/2024 Giá vàng thế giới giảm miệt mài, đến cuối ngày hôm nay, 12-11, giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 2.600 USD/ounce về mức 2.595,3 USD/ounce.
Bí thư Nam Định Phạm Gia Túc làm phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng THÀNH CHUNG 12/11/2024 Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc giữ chức phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.