Câu chuyện lay động nhiều trái tim: Cậu bé ở Quảng Ngãi được cứu sống nhờ người Ý hiến tặng gan
Cậu bé Nguyễn Anh Lộc (3 tuổi, ngụ ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) đang sống bằng lá gan của một người Ý hiến tặng. Câu chuyện bắt đầu từ nỗi bất hạnh từ lúc chào đời...
Sinh mệnh lửng lơ
Trong căn nhà nơi hẻm nhỏ ở TP Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (41 tuổi, mẹ Lộc) đang sắp xếp lại bệnh án của con. Bệnh án lúc tiếng Việt, tiếng Anh, khi tiếng Ý, nhưng chị Hằng vẫn biết chính xác trên đó viết gì nhờ vào ngày tháng.
Tháng 9-2021, cháu Lộc chào đời, bất thường đã xuất hiện. Lộc vàng da, vàng mắt... và khóc liên tục. Chị Hằng đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi khám, bác sĩ kết luận Lộc bị teo đường mật bẩm sinh.
Hai tháng ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cơn đau vẫn chập chờn đến đi khiến Lộc khóc mãi. Cuộc chuyển viện đầu tiên, hai mẹ con đùm túm vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ba tháng tuổi, cháu Lộc lần đầu lên bàn mổ để cắt túi mật.
45 ngày nằm viện, Lộc ổn và xuất viện. Cứ ngỡ những cơn đau sẽ dứt, nào ngờ chỉ một tuần về nhà, Lộc sốt cao. Chị Hằng tức tốc đưa con vào lại TP.HCM. Lần này, kết quả xét nghiệm đánh gục sức chịu đựng của người mẹ. Bác sĩ thông báo Lộc bị xơ gan, bệnh tiến triển quá nhanh không chặn lại được.
Phút giây ấy, chị Hằng gục khóc. Những lời động viên trở nên vô nghĩa. "Có cách nào cứu con tôi không bác sĩ", chị Hằng gào lên. Nỗi lòng người mẹ khiến bác sĩ nhói lòng. Bác sĩ lại lấy máu xét nghiệm và thông báo tia hy vọng duy nhất là ghép gan.
Chị Hằng đồng ý, nhưng khi nghe chi phí ghép gan 1,7 tỉ đồng, hy vọng của người mẹ nghèo bỗng chốc sụp đổ. Cả đời chạy ăn, chị nào có số tiền ấy để cứu con. Chị lại khóc, bác sĩ lại động viên.
Từ ngày sinh ra, Lộc ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Lộc liên tục sốt cao, chuyển biến xấu đi thấy rõ khi bụng phình to, mắt và da vàng hơn. "Có lần lúc 3h sáng, Lộc ho và nôn rất nhiều máu, phải cấp cứu trong đêm. Tôi hỏi gì bác sĩ cũng không nói, chỉ bảo cần bình tĩnh. Mà tôi sao bình tĩnh được", chị Hằng kể.
Rồi tiền cũng vơi đi, người mẹ mang con về quê chấp nhận số mệnh, bên con ngày nào hay ngay đó.
"Cuộc gặp" tình cờ
Lúc chị Hằng đang kể chuyện thì Lộc chạy đến bên mẹ nũng nịu. Vô tình Lộc kéo áo lên, lộ vết mổ kín bụng. Chị Hằng bảo mỗi lần nhìn vết mổ chị lại nhớ những ân nhân. "Đó là những ông Bụt của mẹ con tôi, gặp một lần biết ơn một đời", chị Hằng tâm tình.
Cơ duyên Lộc được cứu bắt đầu từ một lần chị đến tiệm kim hoàn gần nhà mua cho Lộc sợi dây chuyền bạc đeo phòng gió. Sợi dây quá dài, chị Hằng phải ẵm con lên nhờ cắt. Người chủ tiệm thấy bụng Lộc phình to đã hỏi chuyện. Nghe chị Hằng kể, chủ tiệm cũng xót xa và kể lại cho người bạn hay kêu gọi giúp đỡ người khác. Người đó là cô Thảo - một nhà giáo đã về hưu.
Cô Thảo biết chuyện kêu gọi giúp Lộc khi nhập viện cấp cứu. Lộc đã duy trì sự sống bằng lòng tốt như thế.
Điệp khúc cấp cứu lặp đi lặp lại, cô Thảo chỉ mong Lộc được sống một ngày lành lặn. Cô Thảo kể chuyện Lộc cho bác sĩ Nguyễn Hữu Anh Triết, đang sống và làm việc tại New York (Mỹ). Bác sĩ Triết thời gian qua đã kết nối, cứu chữa cho nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghe những lời thiết tha của cô Thảo, bác sĩ Triết kết nối với Bệnh viện Nhi đồng 1 làm xét nghiệm tổng quát cho Lộc và gửi cho đồng nghiệp ở Ý.
Tia hy vọng mở ra, dịp Tết cổ truyền 2023, bác sĩ Triết về Quảng Ngãi gặp các bệnh nhi mình đã và đang giúp. Phút giây gặp Lộc, bác sĩ Triết nói rằng "Lộc sẽ được cứu".
Mãi đến bây giờ, chị Hằng mới biết những lời nói của bác sĩ Triết chỉ để trấn an mình, thiệt tình bệnh Lộc rất nặng. Cô Thu Thảo cười và nói: "Bác sĩ Triết trấn an là thật, nhưng hy vọng cũng là thật, anh ấy tin ngành y không có giới hạn và bác sĩ sẽ có cách tạo nên kỳ tích".
Chuyến đi được bác sĩ Triết sắp xếp, việc còn lại là tìm gan hiến cho Lộc. May mắn là gan Đạt - anh trai Lộc - tương thích. Tin tốt được báo đi, bác sĩ Triết khẩn trương chuẩn bị chi phí và hướng dẫn chị Hằng lo thủ tục sang Ý. Nhưng rắc rối tìm đến, Đại sứ quán Ý thông báo ba mẹ con không đáp ứng tiêu chí đến Ý.
Lúc này, bệnh Lộc đã rất nặng, liên tục ho ra máu. Khi thông tin ba mẹ con không được cấp visa, bác sĩ Triết lập tức liên hệ với đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesu (nơi nhận ghép gan cho Lộc).
Tình huống quá khẩn cấp, đích thân người đứng đầu Bệnh viện Bambino Gesu đã gửi thư giới thiệu và bảo lãnh để Đại sứ quán Ý cấp visa cho mẹ con chị Hằng.
Thủ tục xong, đáng ra ngày 17-2-2023 mới bay, nhưng bác sĩ Triết đã dời lịch. Ngày 14-2-2023, mẹ con chị Hằng lên máy bay khi vừa nhận visa. Lúc ra sân bay, Lộc lại nôn ra máu, chị Hằng nguyện cầu cho con bình yên. Trời thương, Lộc ổn cho đến khi máy bay hạ cánh xuống nước Ý.
Tái sinh
Vừa xuống sân bay, nhân viên Bệnh viện Bambino Gesu đã chờ sẵn đón ba mẹ con. Rồi những người Việt sống ở Ý đến bệnh viện phiên dịch, giúp làm thủ tục. Những ngày tiếp theo, Lộc được điều trị rất kỹ, ngày nào cũng đo vòng bụng, lấy nước tiểu, máu... để xét nghiệm.
"Y bác sĩ ở Ý rất tận tâm, sáng nào cũng nói lơ lớ "chào Lộc", họ đã chăm sóc cho Lộc từng tí và kiểm tra sức khỏe cho Đạt", chị Hằng nhớ lại.
Ngày 5-4-2023, Đạt và Lộc vào phòng mổ. Bác sĩ lấy gan của Đạt ghép cho Lộc. Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ. Sau ca mổ, Lộc hôn mê 7 ngày, tỉnh lại là sốt li bì. Bác sĩ lại đưa Lộc vào phòng cách ly điều trị. Rồi thông báo vết mổ bung chỉ, phải mổ lại. Ngày 18-4-2023, Lộc bước vào lần mổ thứ hai, rời phòng mổ lại hôn mê sâu.
"Bác sĩ nói ống dẫn máu nuôi gan của Lộc hẹp, gan mới ghép có dấu hiệu chết dần. Phương án 1 là hy vọng vào khả năng sinh tồn giúp Lộc ổn lại. Phương án 2 tôi ký giấy chờ phần gan hiến tặng phù hợp sẽ ghép lại", chị Hằng nhớ lại.
Chị Hằng ký giấy đồng ý, nhưng trong lòng đã vô vọng, Lộc vẫn hôn mê, chờ có gan tương thích biết đến khi nào. Nhưng tình người luôn lấp lánh, 11h trưa 23-4-2023 chị ký giấy thì 13h30 bác sĩ báo có một người Ý còn trẻ đã hiến tặng gan và họ ưu tiên cho bệnh nhi đến từ Việt Nam là Lộc.
Từ tuyệt vọng, tình người đã kéo hy vọng trở lại. Ngay trong ngày, ca mổ thứ ba cho Lộc được thực hiện. Lá gan của người Ý tương thích. "Khoảnh khắc bác sĩ đưa tay ra dấu con ổn, tôi khóc nghẹn ngào. Y bác sĩ Ý cũng khóc, họ đã ôm động viên tôi", chị Hằng kể.
Những tháng ngày điều trị sau đó, y bác sĩ ở Bệnh viện Bambino Gesu luôn dành tình cảm đặc biệt với mẹ con Lộc. Họ luôn nở nụ cười và "chào Lộc" mỗi ngày. Cậu bé từ rụt rè cũng nở nụ cười chào lại và đưa tay "ze" với y bác sĩ.
Ngày 8-11-2023, bác sĩ thông báo Lộc đã ổn, ba mẹ con có thể về Việt Nam. Trước lúc chia tay, bác sĩ hứa một năm sau sẽ tạo điều kiện đưa Lộc trở lại Ý tái khám.
Hành trình giữ lại mạng sống cho Lộc thật sự quá hy hữu, bao lần chết hụt được giữ lại bởi tình người. Đến bây giờ, chị Hằng vẫn ngỡ mình đang sống trong một thế giới cổ tích nào đó.
Bởi khi bác sĩ Triết nhận giúp, thật tâm chị chỉ nghĩ sẽ được hỗ trợ một ít tiền, không thể ngờ ròng rã 10 tháng ở Ý, toàn bộ chi phí điều trị, sinh hoạt được bác sĩ Triết và bạn bè của anh lo. "Bác sĩ Triết là ông Bụt xuất hiện cứu lấy con tôi", chị Hằng nghẹn ngào.
Mong gặp người hiến gan
Trở về Việt Nam sau hành trình tái sinh, Lộc phải liên tục đến Bệnh viện Trung ương Huế kiểm tra sức khỏe và uống thuốc định kỳ. May mắn hơn nữa khi bác sĩ Triết lại kết nối với bác sĩ ở Huế theo dõi cho Lộc. Có gì bất thường, bác sĩ ở Huế sẽ trực tiếp trao đổi với bác sĩ Triết.
Chị Hằng biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ mẹ con mình. Mong muốn lớn nhất của chị là nếu được đi Ý tái khám cho Lộc, chị sẽ xin bác sĩ được gặp và cảm ơn người hiến gan. Không có lá gan ấy, Lộc đã chẳng còn trên cõi đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận