Trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 9 m2, giấy khen của Phúc được ba mẹ lồng khung kính treo ngay ngắn trên tường. Đây đều là các khung cũ được chị Hoàng Thị Hiển (40 tuổi), mẹ Phúc, hiện đang làm nhân viên tạp vụ tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (cơ sở TP.HCM) đi nhặt hoặc xin về.
Với mức lương 3,6 triệu đồng mỗi tháng, chị Hiển đang phải nỗ lực từng ngày để xoay sở học phí cho Phúc và chăm lo cho gia đình. Từ hơn một năm nay, chồng chị mắc chứng đau cột sống và mất sức lao động, mỗi ngày chỉ có thể phụ vợ bán nước giải khát từ 7h đến 18h để kiếm thêm chút thu nhập.
Dù hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền để đi học thêm, 5 năm liền Phúc đều là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, luôn đạt được thành tích tốt trong mọi hoạt động tại trường.
Để đạt được kết quả này, chị Hiển cho biết ngoài giờ học tại trường và sau khi phụ giúp việc nhà xong, Phúc lại lấy sách vở ra tự học. Những bài chưa hiểu, em hỏi mẹ hoặc tranh thủ nhờ thầy cô chỉ dẫn ngay tại lớp. Có những ngày bài nhiều, Phúc học đến tận 11 giờ khuya rồi mới dám đi ngủ.
"Mỗi sáng, từ 5h thằng bé đã dậy để ôn bài trước khi đi học vào lúc 6h", chị Hiển chia sẻ.
Giấy khen của Phúc được treo ngay ngắn trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 9 mét vuông. Khung gỗ được mẹ Phúc đi xin hoặc nhặt về - Ảnh: BÌNH MINH
Thấy Phúc siêng năng, chịu khó, vào giữa học kỳ 2 của năm lớp 5, giáo viên chủ nhiệm đã động viên gia đình cho Phúc đi học thêm miễn phí. Tại lớp, cậu bé 11 tuổi luôn được nhận xét là rất ngoan, học hành tiến bộ và tiếp thu nhanh.
Dù mức lương của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu mỗi tháng, chị Hiển vẫn quyết tâm đầu tư mọi thứ tốt nhất cho việc học của Phúc vì biết con ham học.
Nói về Phúc, thỉnh thoảng người mẹ này không giấu được những giọt nước mắt. Phúc là đứa con ngoan, biết sẻ chia với cha mẹ nhưng thi thoảng cậu bé cũng không giấu nổi những suy nghĩ của một đứa trẻ.
"Có lần nó nói với tôi, anh chủ nhà sướng quá, được bố mẹ cho đi chỗ này chỗ kia. Tôi đành an ủi, động viên con, bảo con ráng học tốt, sau này thành tài rồi muốn đi chỗ nào cũng được", chị Hiển ngậm ngùi.
Bản thân làm công việc tạp vụ, chị Hiển thấm thía sự cực nhọc của một người lao động.
"Dù khó khăn cách mấy mình cũng phải lo cho con mình ăn học đàng hoàng. Mình chữ nghĩa không bằng người ta, đi ra đường làm việc tay chân cực nhọc quá rồi", chị kể.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù chỉ mới 11 tuổi nhưng Phúc tiêu xài rất tằn tiện. Cậu bé tự đi nhặt ve chai trong xóm trọ. Thấy ai quăng chai, lọ ra cửa nhà, Phúc lượm về rồi mang ra vựa ve chai ở công viên Gò Vấp bán. Mỗi lần bán được mười mấy, hai mươi ngàn, em lại đem về bỏ ống heo.
Số tiền này được Phúc lấy ra để phụ mẹ mua tập vở cho mỗi năm học mới. Cậu bé hồn nhiên khoe với chúng tôi năm học vừa rồi nhờ đạt học sinh giỏi nên được trường tặng một bộ sách giáo khoa.
Suốt từ đầu cuộc nói chuyện, chúng tôi nghe được rất nhiều những hy vọng mà chị đặt vào con mình. Cái giấc mơ về một tương lai tươi sáng của Phúc lớn lắm, đến mức có thể tiếp thêm động lực cho chị Hiển nỗ lực nhiều hơn mỗi ngày.
Chị khoe với chúng tôi vừa kiếm được một lớp học võ học phí thấp để Phúc tham gia, nói chị sẽ cố gắng cho con học tiếng Anh vì ngoại ngữ là kỹ năng quan trọng, luôn khuyên Phúc phải cố gắng mỗi năm mang về một cái bằng khen học giỏi, nói sau này Phúc lớn lên ráng tìm học bổng đi nước ngoài…
Trong khi đó, Phúc cũng nói em thích được đi học và sợ nhất một ngày nào đó không còn được đến trường.
"Con thèm được học lắm, bài học khó cách mấy con cũng học được, miễn là con được gặp thầy cô, bè bạn…" em nói.
100 suất học bổng
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận