Phóng to |
Bùi Ngọc Thịnh và ba mẹ - Ảnh: Hữu Huy |
14 “người bạn” của Thịnh là đàn cò, đàn bầu, đàn sến, đàn guitar, đàn tranh, đàn organ, đàn kìm, trống, sáo trúc, violon...
Vừa chập chững đã bị mù
Ông Bùi Văn Lộc (44 tuổi, ba của Thịnh) khi còn học lớp 11 Trường THPT Trần Quý Cáp (Ninh Hòa, Khánh Hòa) bỗng dưng đau đầu dữ dội, thị lực giảm dần. Chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, kể từ đây cái tên Lộc “mù” ra đời.
Rồi Lộc “mù” gặp Thủy “mù” trong một lần tham gia Hội Người mù Ninh Hòa. Hơn sáu năm tìm hiểu, vượt qua mọi tự ti mặc cảm về số phận, Lộc “mù” và Thủy “mù” đã tiến tới hôn nhân.
Cuộc sống của đôi vợ chồng gặp vô vàn khó khăn, kinh tế phụ thuộc những đồng tiền công chẻ tăm tre. Nhưng họ lại khao khát có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Năm 2000 Thịnh ra đời, trong niềm hạnh phúc và nỗi lo của mẹ cha.
Rồi Thịnh bắt đầu tập đi. Cả nhà bật khóc khi cậu bé cứ đâm đầu vào tường, ngã dúi ngã dụi. Và rồi gia đình nhỏ lại có thêm cái tên Thịnh “mù”.
Những nốt nhạc tóe máu
Năm 3 tuổi, Thịnh đã có cảm giác với các loại nhạc cụ khi được ba mẹ đưa đi nghe chương trình văn nghệ do Hội Người mù Ninh Hòa biển diễn. Lúc ấy Thịnh bắt đầu cảm nhận được nhịp điệu trống, những tiếng trống dần dần thành nhịp, thành điệu. Những ngày sau, Thịnh nằm một chỗ, gõ từng âm phách bằng đôi đũa gỗ quên cả đói.
Lên 5 tuổi Thịnh bắt đầu biết đi, nghe thấy nhạc Thịnh lại tíu tít lên. Đêm về lại bắt mẹ hát ba đàn, âm nhạc thấm dần trong trí não cậu bé mù. 6 tuổi, Thịnh bắt đầu tập tành với dàn trống cũ của Hội Người mù Ninh Hòa. Trong gần một năm “thần đồng” đã chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn. Đến nay, Thịnh đã chơi được gần 300 bài hát bằng nhiều loại đàn khác nhau.
Cách đây gần ba năm, Thịnh được Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Nha Trang đặc cách tuyển thẳng. Một ngày của Thịnh ngoài việc tập luyện đánh đàn còn tự mày mò học chữ nổi, đồng thời thường xuyên lên Internet (bằng phần mềm hỗ trợ người mù) để nâng cao kiến thức.
Hỏi về quá trình tập luyện của mình, Thịnh cho biết: “Những ngày đầu tập luyện, đôi tay em thường xuyên chảy máu. Mỗi lần nghe nhạc em lại thấy rạo rực. Mất đi đôi mắt, nhưng mình cảm nhận được thế giới xung quanh bằng nốt nhạc”.
Ngoài khả năng chơi thành thạo các nhạc cụ, Thịnh còn có thể sáng tác nhiều bài hát. Nhiều người không khỏi xúc động khi nghe bài hát Cho ta với lời ca giản dị: Cha mẹ sinh ra ta/Cho ta cả cuộc đời/Bầu trời xanh bao la/Không phủ kín tình cha/ Biển rộng xanh mênh mông/Không đong đầy tình mẹ/Mai sau lớn lên người/Con xây đắp cho đời/Công ơn cha và mẹ/Suốt đời con không quên.
Thịnh giờ đang sống cùng ba mẹ ở trụ sở Hội Người mù Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Thành tích của Bùi Ngọc Thịnh Năm 2005 (6 tuổi): đoạt giải thưởng giọng hát hay của Đài PT-TH Khánh Hòa. Năm 2006: đoạt hai huy chương vàng và bạc tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim của Hội Người mù Việt Nam. Năm 2011: được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam. Ngoài ra, Thịnh đã đoạt huy chương vàng guitar cổ điển và huy chương bạc với ca khúc Đứa bé trong liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ IV của Hội Người mù Việt Nam. 26-5-2012: Bùi Ngọc Thịnh đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là trường hợp đầu tiên của châu Á nhỏ tuổi nhất, bị mù chơi được nhiều loại nhạc cụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận