Cậu bé mồ côi cha thành thủ khoa ngành CNTT, Trường ĐHSPKT Vĩnh Long - Video: CHÍ HẠNH - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Chồng mất vì bạo bệnh, bà Dung một mình chăm bẵm đứa con hơn 2 tuổi. Bà ngày đêm tần tảo làm thuê kiếm tiền chạy ăn từng bữa. Chưa bao giờ bà dám nghĩ, đứa con bây giờ thành thủ khoa vùng "đất học".
Bàn học tự chế sát cánh cùng chiếc máy may
Khi vừa hết giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, bà Huỳnh Ngọc Dung (49 tuổi) - mẹ của Nguyễn Tấn Phát (18 tuổi, ngụ ấp An Phú A, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - như trút đi gánh nặng chuyện tiền nong. Suốt gần 3 tháng nay hai mẹ con có gì ăn nấy, người ta cho gì lấy nấy, chứ không làm ra được đồng nào.
Bà kể: "Ngày con còn trong bụng, hai vợ chồng cũng có nhiều toan tính cho tương lai. Lúc đó, ổng đi mần hồ, kiếm từng ngày công một để lo ăn, lo tã, sữa… chuẩn bị đón con chào đời. Ngày cháu được 16 tháng tuổi cũng là lúc chồng tôi lâm bệnh suy thận nặng".
Thời ấy, gia đình bà Dung không có bảo hiểm y tế, chạy thận phải lên tận TP.HCM. "Một tuần chạy thận 3 lần, mỗi lần 1 triệu đồng. Một phần thương ổng, phần thương con, tôi về bán hết đất đai, ruộng để lo viện phí. Nhưng cuối cùng, ổng vẫn không thoát khỏi tử thần. Tôi cảm thấy có lỗi, vì lúc cha mất, thằng Phát chỉ mới 29 tháng tuổi. Nó không có cơ hội cảm nhận được tình thương của cha", bà Dung tâm sự.
Trắng tay, bà Dung bồng con nhỏ về ở nhờ trên đất mẹ ruột ở ấp An Phú A. Anh em trong gia đình cảm thương nên mỗi người một ít, góp lại dựng cho một căn nhà cấp 4 cạnh chuồng bò. Gia tài lớn nhất của mẹ con bà Dung lúc này là chiếc máy may. Hằng ngày, bà miệt mài đạp xe lên TP Vĩnh Long lãnh quần áo mang về nhà gia công.
"Mình đi đâu thì đèo con theo đó, làm ở nhà thì đặt nó nằm cạnh bên. Mỗi ngày làm từ sáng đến tối cũng kiếm được vài chục ngàn đủ cho hai mẹ con. Khi Phát vào lớp 1, tôi đạp xe đưa rước đến trường. Hơn 4 tuổi thì nó tự biết cách đạp xe. Thời đó, vì áp lực mưu sinh nên chuyện học hành con nó tự lo thân. Nhiều lúc mệt mỏi, tủi thân, nhưng vì con nên mình phải cố gắng", bà Dung nhớ lại.
Nguyễn Tấn Phát, cậu bé mồ côi cha, tự bản thân học tập để trở thành thủ khoa vùng "đất học" Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH
Bên trong căn nhà cấp 4 của mẹ con Tấn Phát giờ chẳng có gì quý, ngoài cái "cần câu cơm" là chiếc máy may. Giữa gian nhà là chiếc bàn nhỏ, đặt trước bàn thờ người chồng, người cha. Cạnh bàn may, một cái kệ rộng chừng 2 gang tay, dài chừng 1m Tấn Phát dùng làm góc học tập. Cậu đặt nó ở đây cũng là vì muốn vừa học, vừa tiện tay giúp mẹ gia công quần áo kiếm tiền.
Mỗi ngày, mẹ con Phát kiếm được khoảng 60.000 đồng tiền công. Nhưng ở xóm, hai mẹ con cậu được nhiều người biết đến bởi tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ với những người khó khăn hơn. "Ở xóm cũng có người cùng cảnh ngộ như tôi, mình lãnh một bộ 7.500 đồng, lãnh được nhiều thì mình san sẻ bớt cho người ta cùng kiếm sống", bà Dung chia sẻ thêm.
Thành thủ khoa vùng "đất học"
Chiếc máy may và cái kệ "kề vai sát cánh" bên nhau cả chục năm qua đã giúp mẹ con Tấn Phát có cái ăn, cái mặc, trở thành một cậu học trò xuất sắc - Ảnh: CHÍ HẠNH
Con lo chú tâm chuyện học, mẹ lam lũ kiếm tiền, nhiều năm qua chuyện hai mẹ con ngồi cùng một bữa cơm dường như là chuyện xa xỉ. Nhưng đáp lại là thành quả suốt 12 năm liền, Tấn Phát đều là học sinh giỏi và xuất sắc ở các cấp học.
Phát học giỏi nhưng trong nhà chẳng thấy treo một tấm giấy khen, thấy tôi tò mò, bà Dung cười nói: "Nhà tôi nghèo, nên từ nhỏ tôi đã dạy con biết khiêm nhường, từ tốn. Do đó mà tất cả giấy khen đều được Phát đem ép nhựa, cất hết vào tủ".
Tấn Phát cho biết, từ nhỏ đến giờ chỉ biết đến trường, rồi về nhà tự học và giúp mẹ, chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện được đi học thêm. Đến năm lên lớp 10, Phát theo học tại Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ). Thầy dạy môn hóa biết được hoàn cảnh khó khăn nên nhận dạy miễn phí đến năm lớp 12.
Thấy nghị lực của Phát, năm cuối cấp, cô dạy Anh văn nhận dạy miễn phí, rồi cho tiền đi học thêm môn toán để bước vào kỳ thi THPT.
Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, Nguyễn Tấn Phát đạt thủ khoa khối tự nhiên của tỉnh, với tổng điểm 6 môn là 52,95 điểm (toán 9,2; văn 8,25; lý 8,5; hóa 9,25; sinh 8,75; ngoại ngữ 9,0). Thầy Nguyễn Thanh Tươi - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Phát - cho biết, suốt những năm THPT, em luôn được tin tưởng giao vai trò lớp phó học tập, phụ thầy cô giúp đỡ bạn bè trong học tập.
Nhận được tin trúng tuyển vào ngành CNTT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Tấn Phát không khỏi lo toan. Mẹ thất nghiệp nhiều tháng qua, Tấn Phát bây giờ còn vướng nhiều cái không: không tiền đóng học phí, không máy tính, nhà không mạng Wi-FI, không phương tiện để đến trường, ngoại trừ chiếc điện thoại "cùi bắp" thầy cô góp tiền mua cho trước đó.
Hồi nhỏ con đã thấy mẹ rất khó khăn nên con cố gắng học tập. Học thật giỏi là cách giúp đỡ mẹ, để mẹ vui. Học thật giỏi, được lãnh thưởng cũng là một cách giúp đỡ mẹ bớt nỗi lo gánh nặng. Trước mắt con sẽ phụ mẹ gia công quần áo kiếm tiền. CNTT là ngành con mơ ước từ nhỏ, nếu được tiếp tục đến trường chắc chắn con sẽ phấn đấu để sau này còn lo cho mẹ về già. Vì sau này, mẹ chỉ còn duy nhất con là điểm tựa mà thôi.
NGUYỄN TẤN PHÁT
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận