Trong lúc đang chơi với bạn, một cậu bé người Ấn Độ bị rắn hổ mang cắn và quấn chặt vào cánh tay. Không hề sợ hãi, cậu bé này tức giận quay lại cắn chết con rắn hổ mang, một trong những loài rắn độc nhất thế giới.
Theo New Indian Express, cậu bé được biết đến với cái tên Deepak, đã bị tấn công bởi con rắn hổ mang ở ngôi làng Pandarpadh thuộc vùng Chhattisgarh, miền trung của Ấn Độ. Con rắn độc quấn chặt lấy cánh tay Deepak khi cậu bé đang chơi bên ngoài ngôi nhà của gia đình mình. Deepak càng hoảng loạn, con rắn càng quấn chặt hơn.
Deepak trở thành tâm điểm thu hút truyền thông sau màn trả đũa khiến con rắn hổ mang "đi đời nhà ma".
Cậu bé thét lên vì sợ hãi và đau. Nhưng giây phút sợ hãi qua mau, ngay sau đó là sự tức giận. Deepak tức giận lắc mạnh cánh tay của mình nhưng không thể làm con rắn rơi ra. Nhanh trí dùng cánh tay còn lại túm chặt con rắn, cậu bé cắn mạnh vào con vật khiến con vật chết ngay sau đó.
"Cháu cắn nó hai lần. Cả hai lần đều nghiến răng hết sức có thể", Deepak trả lời báo chí.
Sau đó, Deepak được mẹ đưa đến một trung tâm y tế gần đó để theo dõi xử lý nọc độc.
Tuy nhiên, điều diệu kỳ đã đến khi các bác sĩ phát hiện ra rằng cậu chỉ bị "vết cắn khô", có nghĩa là con rắn hổ mang cắn mà không tiết ra bất kỳ nọc độc nào. Deepak không có bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào và hồi phục nhanh.
Rắn hổ mang là một trong những loài độc nhất thế giới khi chỉ một lượng nhỏ nọc độc của nó có thể khiến một người trưởng thành rơi vào hôn mê và có thể tử vong nhanh chóng. Nhưng đôi khi chúng cắn mà không tiết ra nọc độc. Các vết cắn khô thường có ở những con rắn trưởng thành, có khả năng kiểm soát việc phun nọc độc từ các tuyến trong miệng của chúng.
Rắn sử dụng nọc độc để giết con mồi hoặc tự vệ. Vết cắn khô thường được phát ra khi con rắn đang cố gắng cảnh báo hoặc xua đuổi đối thủ, thay vì giết chúng.
Chuyện bị rắn tấn công là cực kỳ phổ biến ở Ấn Độ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trong số 63.000 người ước tính đã chết vì rắn cắn vào năm 2019 thì có tới 51.000 người sống tại Ấn Độ.
Việc tiếp cận với thuốc kháng nọc độc còn hạn chế ở các vùng nông thôn nghèo là một trong những yếu tố chính góp phần vào số người chết quá lớn. Sau khi bị rắn độc cắn, xác suất tử vong sẽ tăng lên nếu không tiêm thuốc chống nọc độc trong vòng sáu giờ.
Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới là giảm một nửa số người chết vì rắn cắn vào năm 2030. Để làm được điều này, cần có các biện pháp can thiệp để đảm bảo cung cấp kháng nọc nhanh hơn, kết hợp với các chiến lược phòng ngừa như tăng cường giáo dục và củng cố hệ thống y tế ở các vùng nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận