TTCT - Trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia Catherine Karnow - người nổi tiếng và quen thuộc với hàng ngàn bức ảnh chụp Việt Nam trong 35 năm qua. Catherine Karnow, nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đã ghi lại vẻ đẹp và con người Việt Nam qua những bức ảnh chân dung ấn tượng. Chị đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc với đất nước này. Những tác phẩm của chị thể hiện sự kết nối mạnh mẽ và cảm xúc chân thật, từ hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến những khoảnh khắc bình dị trong đời sống hàng ngày. Khám phá hành trình nhiếp ảnh của Catherine Karnow và cảm nhận tình yêu của chị dành cho Việt Nam.Những bức ảnh trong bài này là những bức chị yêu thích nhất trong vài năm qua, bởi như chị nói: "chúng thể hiện một mối liên kết mạnh mẽ, sâu sắc trong tâm hồn giữa tôi và một người khác, theo một quan điểm mà với tư cách một nhiếp ảnh gia, tôi tạo ra cái một "chiếc kén của sự thân mật", nơi người được chụp dường như trút hết cảm xúc vào ống kính, dường như muốn bộc lộ với tôi những tầng sâu nhất của phẩm giá và trái tim họ. Khi tôi trưởng thành hơn - cả với tư cách là một phụ nữ và một nhiếp ảnh gia - tôi càng yêu việc quay lại những nơi quen thuộc với mình, những nơi đầy ắp kỷ niệm, để ghi lại sự bình yên và niềm vui".Nhiếp ảnh gia Catherine KarnowTôi đã nghĩ rằng chị sẽ về Việt Nam dịp này...Tôi sẽ quay lại Việt Nam vào mùa thu này, dự kiến ở lại ba tháng. Năm nay là kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, đồng thời là 10 năm tôi mở lớp nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam, nên với tôi cũng là một kỷ niệm cá nhân. Tôi cảm thấy vừa tự hào, vừa muốn ăn mừng.Chị đã chụp ảnh Việt Nam một thời gian dài. Điều gì đã hấp dẫn chị lúc đầu, và mối quan hệ của chị với đất nước này đã dẫn tới những gì?Tôi đã chụp ảnh Việt Nam được vài chục năm, , nhưng thực ra tôi không định nghĩa mối quan hệ của mình với Việt Nam chỉ qua nhiếp ảnh. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong mối quan hệ đấy, là một khởi đầu quan trọng. Với tôi, đó là cảm giác được ở gần nhau, được đoàn tụ, như kiểu đó là nhân duyên của riêng tôi.Nhiếp ảnh chỉ là công cụ. Đúng là tôi đã trở lại nhiều lần để chụp ảnh, nhưng tôi ngày càng cảm thấy Việt Nam sâu sắc, giàu có và lớn lao hơn nhiều so với việc chụp ảnh của tôi. Mỗi năm tôi đều đi Việt Nam ít nhất một lần, từ 1-3 tháng. Tôi luôn có lòng tin rằng bất cứ khi nào trở lại Việt Nam, tôi sẽ tìm thấy những điều thú vị hơn, xúc động hơn, đánh động tâm linh hơn, phấn khích hơn so với lần trước.Hồ Sen, Kinh Thành, Huế, 2023. Hoa sen là biểu tượng của sự đấu tranh và vẻ đẹp. Từ nghịch cảnh (bùn lầy) vươn lên là vẻ đẹp (hoa sen). Và vẻ đẹp thì mong manh, cũng như cuộc đời. Trong bức ảnh này, mọi phần của hoa sen đều đẹp: từ chiếc lá xanh non tươi mới đến chiếc lá đã úa tàn chỉ còn trơ khung xương và sẽ sớm tan biến hoàn toàn. Đó là ý nghĩa của cuộc sống. Càng lớn tuổi, tôi càng cảm thấy luôn có một không gian và một chỗ dành cho tôi ở Việt Nam. Thông qua nhiếp ảnh, tôi tìm thấy con người mình, và thấy mình đang trở thành ai. Khi tôi tiếp tục bước đi trong cuộc đời, bức ảnh này là hình ảnh chân thật về con người tôi và điều mang lại sự bình yên cho tôi.Chị từng nói những vùng đô thị Việt Nam là mối quan tâm chính của chị cho tới nay, nhưng chị cũng nói muốn được lang thang tới những nơi khác, như các vùng nhiều người dân tộc thiểu số mà chị gọi là "mảnh ghép còn thiếu" trong hành trình dài ghi lại hình ảnh Việt Nam của chị. 10 năm qua chị có làm điều đó chưa?Tôi vẫn cảm thấy muốn khám phá sâu hơn. Tôi đã có cơ hội như vậy, tôi thấy rất phấn khích, vì chồng tôi sang Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Câu chuyện của anh ấy có phần bi kịch trong đó. Mẹ ba đứa con riêng của chồng tôi có nửa dòng máu Việt Nam, nên các con của anh ấy 1/4 là người Việt, các bạn rất tự hào về truyền thống của mình. Nhưng anh ấy lại chưa bao giờ tới Việt Nam. Và thật buồn, con gái đầu lòng của anh ấy qua đời khi mới 8 tuổi, tên bé là Oriana, đặt theo tên nữ nhà báo Ý Oriana Fallaci. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi cảm giác như cô bé đã mang chúng tôi đến với nhau, vì mọi chuyện khó thể tình cờ như vậy. Khi tới Việt Nam lần đầu năm ngoái, anh ấy lập tức yêu mến đất nước này. Và tôi tự nhủ: Nếu anh mà không yêu Việt Nam thì có chuyện với em đấy (cười).Giờ thì anh ấy nói về Việt Nam suốt, vì anh ấy là giáo viên dạy lịch sử và địa lý. Anh ấy luôn hứng thú về Điện Biên Phủ, nên chúng tôi đã đi đến đó và ở lại ba ngày, anh ấy rất thích thú, từ quan điểm lịch sử. Tôi nhờ vậy cũng có thời gian tìm hiểu đề tài người dân tộc thiểu số mà tôi chưa có cơ hội trước kia. Với tôi, tôi muốn khám phá miền Bắc Việt Nam nhiều hơn, và thích thú hơn với những thành phố nhỏ, những nơi còn chưa được phát lộ, dù nó ở ngay đó, nhưng ai cũng chỉ đi lướt qua.Bất cứ khi nào tới đây, tôi luôn có cảm giác: Tệ quá, mình sắp phải đi rồi, mình không đủ thời gian, không bao giờ đủ thời gian. Tôi chỉ cần thời gian mà thôi. Tôi muốn được đi chợ, nấu ăn, đãi tiệc bạn bè ở đây..., tất cả những chuyện ta vẫn làm khi không chỉ ghé thăm một nơi nào đó, mà thực sự sống với nó. Tôi đã nghĩ tới Hội An, nơi gần một sân bay lớn, cũng là nơi có nhiều người thú vị, người Việt Nam, Việt kiều, người nước ngoài... Càng lớn tuổi, tôi càng thích tự nhiên và sự yên tĩnh.Làng chài Duy Hải, Hội An, 2015. Tôi rất thích chụp qua những tấm lưới. Đây là một khoảnh khắc hoàn hảo khi những ngư dân tiến vào đúng vị trí lý tưởng - ngay khoảng trống giữa hai con thuyền. Bức ảnh có một vẻ duyên dáng và đẹp đến nao lòng. Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của người phụ nữ đang chèo thuyền - cô chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong ảnh, nhưng động tác đẩy mái chèo về phía trước chính là sự đấu tranh và sức mạnh của cô ấy.Tôi đã đọc sách của chị nhiều lần và xem rất nhiều bức ảnh chị chụp người Việt Nam bình thường trên đường phố. Qua năm tháng, chị có thấy khác biệt gì ở những con người trong ảnh của chị không?Tôi nghĩ điều không có gì thay đổi là cảm xúc tôi luôn có với Việt Nam, và khi chụp ảnh, tôi luôn bị cuốn hút bởi những con người và chủ đề nhiều cảm xúc. Gần đây, một sinh viên Việt Nam trẻ tuổi phỏng vấn tôi. Bạn ấy nói hình ảnh tôi chụp đầy khát khao, điều tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi thường nghĩ về nỗi buồn hay niềm hoài hương khi nói về tác phẩm của mình, trong những bức hình chụp vị giáo sư âm nhạc hay cô gái mặc bộ đồ hồng. Tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt họ, là người chụp ảnh, ta chắc chắn nghe được nhiều câu chuyện, nghe được nhiều người đồng điệu và muốn chia sẻ với ta. Với tôi, cảm giác đó quả thực luôn là nỗi khát khao, và cố gắng để hiểu được họ.Khu phố cổ, Hà Nội, 2016. Tôi yêu những khoảnh khắc nhỏ của một Việt Nam vượt thời gian. Những ngày này, phố cổ thật hỗn loạn: chật chội với xe máy, ồn ào vì còi xe… Nhưng, một sáng sớm, tôi bắt được một khoảnh khắc tĩnh lặng ở đó, đó chính là Hà Nội xưa mà tôi yêu. Tấm biển ghi “phở bò” theo kiểu cũ, bạn không còn thấy nhiều tấm như vậy nữa. Người phụ nữ trong bộ đồ màu hồng đi nhanh qua đường, phía sau là ngôi đền vàng xinh xắn, đúng lúc người đàn ông đưa miếng thịt lên miệng, thưởng thức bát phở ở chiếc bàn đỏ. Một khoảnh khắc hoàn hảo.Nhìn từ đỉnh đèo Hải Vân, 2024. Tôi đã đi qua đèo Hải Vân nhiều lần. Năm 1990, tôi đã chụp bức ảnh mà sau này trở thành biểu tượng của mình “Người phụ nữ trên tàu” con tàu chở chúng tôi đổ đèo. Mỗi lần quay lại Việt Nam sau đó, tôi đều dừng lại ở đúng vị trí này hoặc gần đó. Những năm 2000, các cặp đôi chụp ảnh cưới thường tạo dáng trên nóc một boong ke. Giờ đây, chỗ này đã thành một kiểu bảo tàng ngoài trời, có lối đi bộ và không được leo lên boong ke nữa. Điều đó cho phép tôi có một bức ảnh giản dị hơn: chỉ còn lại phong cảnh và mây trời.Hiếu và con gà trống, khu phố cổ, Hà Nội, 2017. Tôi không biết vì sao mình lại bước vào một cửa hàng chẳng có gì thu hút - một nơi trong phố cổ bán đủ thứ đồ kim loại sáng bóng - hoàn toàn không có gì “ăn ảnh” hay thú vị với tôi. Ở cuối kho hàng rộng lớn, một cậu bé đang chơi đùa với mấy con gà trống và gà mái - thú cưng của cậu. “Big Boy” - chú gà trống - thích ngồi trên đầu cậu bé. Con người, kể cả trẻ em, sẽ phản chiếu lại năng lượng của bạn, nếu bạn nghiêm túc, họ cũng sẽ trở nên nghiêm túc. Tôi hạ giọng nói nhẹ nhàng, như thể ru ngủ Hiếu vào một trạng thái trầm lắng, khuyến khích em rằng khoảnh khắc này thật đẹp, để em ngồi yên. Khoảnh khắc ấy giữ nguyên sự tĩnh lặng, như thể thời gian ngừng lại.Học viên Crystal Waye, một người Mỹ, cùng sư Tâm Quán tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế, 2024. Đối với Crystal Waye, khoảng thời gian tĩnh lặng khi cô ngồi cạnh sư Tâm Quán là một trải nghiệm mang tính chuyển hóa sâu sắc. Cô cảm thấy một mối liên kết vô hình và tuyệt đẹp với ông.Chị làm thế nào thuyết phục họ cởi mở với chị?Mọi người luôn mở lòng với tôi. Trước hết là vì những câu hỏi mà tôi nêu ra. Tôi không ngại hỏi mọi người về cảm xúc của họ. Rồi tôi tạo ra không gian để nhìn thẳng vào họ khi họ nói với tôi, tôi tập trung hoàn toàn vào không gian đấy, một cách cảm xúc và cá nhân, tôi hiện hữu ở đó, lắng nghe kỹ lưỡng, để họ nói. Tôi sẽ bám chặt lấy họ, thật gần gũi với họ, như tôi muốn, như tôi quan tâm đến họ, như tôi biết cảm xúc là điều khiến họ thật đẹp đẽ và là con người, bởi tôi biết câu chuyện rồi sẽ rất xúc động. Đó là điều tôi muốn họ hiểu, rằng tôi quan tâm tới họ, bằng tất cả những gì tôi có. Rồi sau đó bức ảnh sẽ hiện ra, có khi là giữa chừng, bức ảnh có thể hiểu là một phần của cách tôi lắng nghe họ.Lần trước chúng ta đã nói về chữ duyên, trong mối duyên của chị với Việt Nam...Tôi nghĩ chữ duyên của tôi gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ có vậy, lần đầu tiên tôi tới đây, tôi đã được trải thảm đỏ chào đón. Cha tôi đã phỏng vấn tướng Giáp và các vị tướng khác cho báo The New York Times. Ba tháng sau, khi tôi tới đây, họ nói tôi muốn gặp ai cũng được, muốn đi đâu cũng được. Chuyến đi đó là năm 1990. Rồi tôi gần gũi hơn với gia đình tướng Giáp, trở thành một người bạn. Năm 2014, có một nhà làm phim tài liệu về tôi và mối tình bằng hữu với gia đình Đại tướng. Họ phỏng vấn anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng. Tôi đã xem cuộc phỏng vấn, họ hỏi anh Biên: "Tại sao cha ông lại tin tưởng Catherine Karnow và để gia đình thân thiết với bà ấy?". Anh Võ Điện Biện nói, đó là do duyên số.Tôi nghĩ cái duyên của tôi với Việt Nam gắn bó với sự hiện diện tâm linh của tướng Giáp, và cả chuyện tôi đã lớn lên ở Hong Kong, vì tôi luôn khao khát một nơi chốn không còn tồn tại nữa. Tất cả chồng chất tạo ra duyên phận của tôi.Điều quan trọng nhất mà tôi thực sự muốn nói lúc này, là Việt Nam đối với tôi đã trở thành một mái nhà. Không chỉ là một mái nhà tinh thần như trước đây, mà có lẽ sẽ là một mái nhà thực sự, một nơi tôi có thể sống và an cư một thời gian. Và như thế là đủ. Catherine và sư Tánh Thuần, chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế, 2018. Tôi có một tình bạn lâu dài và sâu sắc với sư Tánh Thuần và chùa Huyền Không Sơn Thượng, kéo dài hơn 10 năm. Tôi yêu vẻ đẹp của nơi này ngay từ lần đầu tiên đến vào năm 2014, và bắt đầu đưa các học viên của mình đến đây từ khóa học đầu tiên năm 2015. Ban đầu rất khó để được chấp thuận. Vào tháng 7-2015, chỉ còn vài tháng trước khi khóa học bắt đầu, vị sư trụ trì vẫn chưa đồng ý tiếp nhận nhóm chúng tôi. Tôi khát khao được cho phép đến mức đã bay từ California đến Huế chỉ để ngồi dưới chân ông và cầu xin được đến chụp ảnh. Lúc đó, ông chỉ mỉm cười mà không nói gì. Nhưng hôm sau, ông nhắn tin cho tôi rằng ông đã thay đổi ý định. Ông nhận ra rằng chúng tôi là nghệ sĩ, và với ông, đó là một nghề cao quý. Và thế là tình bạn lâu dài bắt đầu. Chúng tôi trở lại nơi đây năm này qua năm khác, và giờ là sư Tánh Thuần tiếp đón chúng tôi.Sư cô chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế, 2023. Đây không phải là một bức ảnh chụp ngẫu nhiên. Tôi đã chụp ảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng suốt nhiều năm, nơi đây như ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi biết các sư cô sẽ đi qua những con đường ở Huế vào giờ sớm để nhận cúng dường, nên đã cùng họ đi từ chùa xuống thành phố. Vẻ bình thản trên gương mặt và phong thái nhẹ nhàng của sư cô là điều tôi cảm nhận được sâu thẳm trong lòng.Sư Tâm Quán, chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế, 2024. Bức ảnh này là một trong những tác phẩm đẹp nhất mà tôi thấy do học viên của tôi - Michele Janin - chụp. Bạn có thể cảm nhận được sự bình an sâu thẳm khi nhìn vào bức ảnh ấy.Ông Võ Điện Biên cùng các học viên workshop Nhiếp ảnh của Catherine Karnow tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, 2024. Hầu hết học viên của tôi là người Mỹ, nhiều người nhớ rất rõ về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Một số người là cựu chiến binh. Họ thường cảm thấy lo lắng khi đến miền Bắc Việt Nam, nhưng luôn bất ngờ trước sự ấm áp và hiếu khách của người dân nơi đây. Cựu đại sứ Ted Osius nói, ông xem các khóa học của tôi như một hình thức “ngoại giao nhân dân”. Buổi sáng chúng tôi dành thời gian bên anh Biên thường trở thành một khoảnh khắc mạnh mẽ để hàn gắn. Tôi hạnh phúc khi có thể đưa học viên của mình vào vòng tay của tình bạn đặc biệt này. Những ai tham gia các buổi giảng dạy nhiếp ảnh của chị? Và khóa nhiếp ảnh 10 ngày thường sẽ ra sao?Họ thường là người Mỹ, đôi khi cả người châu Âu quan tâm tới nhiếp ảnh. Họ tham gia vì thực sự muốn trải nghiệm Việt Nam. Khóa học sẽ đưa họ tới những nơi và gặp những người tôi biết và yêu mến, và đảm bảo tính đa dạng. Nên chúng tôi gặp đủ kiểu người, có khi ở cả ngày với những nhà sư hay dành cả buổi chiều ngồi với một thành viên nhóm 5 người thời kỳ đổi mới Gang of Five để tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam. Chúng tôi dành thời gian cho những khu vực tiểu văn hóa, đưa người học đến đó để họ hiểu về lịch sử đạo Phật, về nhiều góc cạnh của đời sống Việt Nam. Tags: Catherine KarnowGặp duyênNhiếp ảnh giaViệt namVõ Nguyên Giáp
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Huỳnh Mạnh Phương nói về bài phát biểu của mình tại đại lễ 30-4 BÌNH MINH 30/04/2025 Huỳnh Mạnh Phương, nữ thủ lĩnh thanh niên 9X tại TP.HCM, thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cô chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online trong sự kiện đặc biệt này.
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.