TTCT - Năm 2010, từ một bài báo của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhiếp ảnh gia người Mỹ Catherine Karnow(*) đã tìm lại được nhân vật chị từng chụp 20 năm trước trong bức hình nổi tiếng Người phụ nữ trên tàu hỏa khi đi trên chuyến tàu Thống Nhất năm 1990. Tuổi Trẻ Cuối Tuần gặp lại chị ở Sài Gòn trong những ngày tháng 10 này để nhìn lại rất nhiều những ngẫu nhiên tình cờ ấy. Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow (Ảnh: Thuận Thắng)“Gặp duyên” là khái niệm rất Việt Nam và không dễ giải thích với người nước ngoài. Chị có thấy những tình cờ của chị với VN là “gặp duyên”?- Tôi luôn cố tìm hiểu đất nước này có ý nghĩa gì với mình. Cái cảm giác mà mình thuộc về cùng tất cả những ngẫu nhiên xảy đến trong suốt thời gian dài và sự gắn kết của tôi với mọi người. Đó như là định mệnh. Càng nhiều năm thì tôi càng cảm thấy điều này.Đến lúc tôi sắp xếp cho cuốn sách này cùng cuộc triển lãm (2015), tôi buộc phải suy nghĩ về mối quan hệ của tôi với VN. Có gì đó về những “sự ngẫu nhiên” tôi hay gặp mà không biết giải thích sao. Khi đó có người nói với tôi rằng VN có một từ để giải thích, đó là “gặp duyên”. Khi tôi hiểu được từ này, dường như nó khái quát hóa được tất cả trải nghiệm của tôi với VN.Nhìn lại, với những bức ảnh, chị dường như luôn xuất hiện đúng khoảnh khắc dù đó là Phương Anh (nữ Việt kiều với bức hình cầm đầu con gà), tướng Giáp hay cô gái bán hoa rất xinh?- Trải nghiệm sau nhiều năm, tôi thấy chắc chắn có điều gì đó bí ẩn. Tôi không biết nó từ đâu tới và vì sao lại vậy. Đương nhiên nó gắn với thực tế là tôi lớn lên ở châu Á, tôi ở Hong Kong cho tới năm 10 tuổi. Nhưng có phải chỉ là vì tôi được ở cạnh những người châu Á hay không? Không phải vậy. Chỉ là vì khi tôi lớn lên, cha tôi tới VN rất nhiều, tôi không tới VN khi nhỏ.Mọi người hay hỏi tôi về cha (nhà báo Stanley Karnow): “Ông ấy có nói về VN không? Chị có cố gắng thành công được như ông ấy?”. Luôn có những câu hỏi kiểu vậy. Nhưng những trải nghiệm của tôi ở VN thì chẳng liên quan gì tới trải nghiệm của cha tôi. Có phải là vì tính cách, con người tôi? Có phải là tôi hợp với VN? Có phải là vì những giá trị mà người Việt tôn trọng thì tôi cũng rất tôn trọng?Chị có thể nói rõ hơn những giá trị nào mà chị và người Việt coi trọng giống nhau?- Phải mất rất nhiều năm tôi mới nhận ra một điều: tôi luôn bị chìm trong cảm giác mất mát (kìm nước mắt). Tôi luôn sống trong cảm giác mất mát và hoài niệm. Nó định hình tôi, dẫn dắt tôi tới con đường phóng viên ảnh. Tôi luôn tự hỏi vì sao lại như vậy. Có phải nó bắt đầu từ việc tôi phải rời Hong Kong năm lên 10 tuổi - điều rất khó khăn với tôi. Tôi luôn có cảm giác hoài niệm rất nhiều.Cả gia đình tôi cũng hoài niệm rất nhiều (về thời gian ở Hong Kong). Chúng tôi yêu những năm tháng đó. “Đó là những năm tháng vàng”, họ luôn nói vậy. Tôi cảm thấy người Việt cũng có cảm giác hoài niệm và mất mát. Sự hoài niệm của họ rất mạnh.Nguyễn Quý Đức - chủ quán bar Tadioto, 2014Đến khi tôi học được từ “buồn” ở VN, tôi bắt đầu thấy vẻ đẹp từ những nỗi buồn, từ những mất mát. Nó khiến bạn nhận ra thay vì chỉ buồn thì ta nhìn thấy vẻ đẹp trong chính những nỗi buồn đó.Ở Mỹ hay các nước phương Tây, mọi người luôn tâm niệm là phải hạnh phúc và mọi thứ đều ổn. “Anh sao rồi?”. “Tôi rất ổn”. Hầu như không ai muốn nói về nỗi buồn. Người phương Tây không biết xử lý nỗi buồn và mất mát thế nào.Trên góc độ là phóng viên ảnh, khi tới VN bắt đầu chụp hình ở đây, đặc biệt là chụp con người, có những biểu lộ mà tôi sẽ chụp đi chụp lại. Dường như mỗi người khi nhìn vào camera hay nhìn tôi, nó giống như một điệu nhạc nổi lên và luôn có một nốt trầm trong đó. Đó là một cái nhìn rất đặc trưng mà bạn thấy ở chân dung của rất nhiều người tôi đã chụp trong nhiều năm qua. Tôi vẫn thấy điều đó trên những khuôn mặt người Việt ở đây - vừa trầm buồn vừa đẹp.Coca-Cola tới Việt Nam, 1995Chị nói về vẻ đẹp trong nỗi buồn ở thời gian đầu khi VN còn đơn sơ và nghèo. Giờ VN đã thay đổi. Nhìn con đường này (Đồng Khởi), kia là Louis Vuitton và cuối con đường này là khách sạn 5 sao với những trang trí dát vàng không khác gì Trump Tower. Với thay đổi, chị có còn thấy những vẻ đẹp trong nỗi buồn vốn là chủ đề rất lâu của chị?- Đó là câu hỏi rất hay. Cũng có những lúc tôi tự hỏi vậy. Khi tôi lần đầu tới, cánh cửa ở VN mới chỉ he hé mở, mọi người nhìn ra ngoài một chút để thấy thế giới hiện đại. Bạn có thể thấy cảm giác hi vọng, háo hức. Nó luôn thú vị với phóng viên ảnh, với những du khách được tới những nơi đóng cửa hay tách biệt với bên ngoài.Mở cửa, rồi tới giai đoạn đầy hào hứng. Có chút ngây thơ của những kỳ vọng, của mong chờ đối với Đổi mới - kỳ vọng của tự do, của các ý tưởng ùa vào. Rồi tôi tự hỏi liệu lúc nào đó đất nước này còn lý thú với mình nữa hay không trên góc độ phóng viên ảnh. Vì giờ khi cánh cửa mở toang, mọi thứ đều sáng sủa, đó là ánh nắng chói chang, thậm chí không phải là ánh sáng tốt (cả nghĩa bóng và nghĩa đen với nhiếp ảnh). Liệu có ở đó những cảm nhận và thích thú như trước?Tôi đã thấy những phóng viên ảnh đồng nghiệp cũng chụp một số hình thời kỳ đầu trong những năm 1990. Giờ khi họ trở lại thì ảnh họ rất tệ. Dường như họ không còn cảm thấy hấp lực ở VN nữa. Tôi cũng có những lúc nghĩ “vậy bản thân mình thì sao?”, khi ở đây giờ giống y như Singapore, New York hay bất cứ đâu, mọi người ở đây thậm chí dùng những ứng dụng còn hiện đại hơn tôi.Nhưng tôi vẫn thấy VN có những điểm hấp dẫn vô kể. Quay lại cảm giác nỗi buồn, tôi vẫn cảm thấy điều đó. Phải chăng vì đó là tính cách của người Việt?Năm 2014, tôi chụp những người thợ cắt tóc trên phố. Tôi vẫn thấy những cảm xúc buồn, sự tĩnh lặng đó. Tôi vẫn gặp những người “chạm” tới tôi về mặt cảm xúc rất sâu như vậy. Tôi nói chuyện rất lâu với người thợ cắt tóc và chụp chân dung ông. Tôi hỏi về những trang trí phù điêu của ông ở đó và thắc mắc: “Nhưng đây không phải đất của ông mà”. Ông ta bảo “Không. Nhưng tôi vẫn muốn làm nó đẹp thêm một chút vì hằng ngày tôi làm ở đây. Tôi cứ trang trí nó mấy năm qua”.Rồi ông nói: “Chị biết không, kể cả anh cắt tóc thì cũng có thể có cái phần nghệ sĩ bên trong anh ta”. Tôi thấy câu chuyện đó rất đẹp.Thợ cắt tóc, 2014. Anh Bùi Phạm Quát (trái) vẽ những phù điêu trên tường để “làm đẹp” nơi làm việc hàng ngày của mình Một cô bé trong trang phục áo nâu ở tổ đình Từ Hiếu, Huế, 2014Chị đã chụp hình ở đây gần 30 năm rồi. Chị có thấy sự thay đổi trong con người Việt?- Có những thay đổi. Nhưng có những thứ thì không. Là nghệ sĩ nên tôi tiếp xúc với thế giới một cách cảm xúc và trực giác. Cần như vậy thì mới có thể trở thành phóng viên ảnh giỏi được. Tôi không nói về cảm xúc một cách hỗn loạn, mất kiểm soát mà cảm xúc bằng sự cảm nhận, cảm nhận với con người. Ở VN, tôi không phải sợ chuyện thể hiện cảm xúc đó của mình. Người VN không chỉ tạo không gian cho bạn thể hiện cảm xúc, họ còn thấy sự thể hiện cảm xúc đó là điều đẹp đẽ.Ví dụ, tôi có thể gặp ai đó lần đầu và chúng tôi chụp hình với nhau 15 phút hay cả buổi chiều, thậm chí cả ngày. Cô gái bán hoa mà tôi chặn lại giữa đường để chụp ảnh làm hình bìa cho tờ tạp chí Smithsonian. Tôi gửi cho cô ấy tờ tạp chí mà cô ấy không bao giờ nhận được, đến lúc tôi quay lại để gặp cô ấy. Ở một số nền văn hóa nhất định, khi bạn mang hình ảnh lại cho họ, họ sẽ đơn giản nói: “Tuyệt quá, cảm ơn bạn”. Họ biết ơn và nói vài lời lịch sự.Ở VN phản ứng sẽ là: “Trời ơi, thật là tuyệt quá. Đẹp quá trời”. Bạn có thể cảm thấy rõ sự biết ơn rất lớn và sâu sắc từ họ với một điều gì đó rất đẹp đẽ. Nói cách khác, những gì người Việt thấy rất đẹp và xúc động thì tôi cũng đồng điệu với họ.Thầy dạy nhạc với chiếc đàn một dây, 1990Chị thích VN nào hơn: VN đơn sắc, không có những biển quảng cáo Coca-Cola hay VN bây giờ với đủ thứ vấn đề từ giao thông, ô nhiễm?- Sẽ khó để nói là tôi thích VN nào hơn. Tôi không còn 32 tuổi nữa (cười) khi tôi thích chụp được hình và có những trải nghiệm, nên tôi sẽ thích những tiện nghi của bây giờ, hạ tầng giờ tốt hơn nên tôi có thể dễ dàng đi lại. Thách thức của tôi giờ chỉ là khả năng sáng tạo hay vấn đề về tiếp cận. Những năm 1990, mọi thứ rất khó. Đi lại từ nơi này tới nơi kia vô cùng vất vả. Không có WiFi, rồi cái gì người Việt cũng nói “vâng vâng” (vì không hiểu ngoại ngữ). Trải nghiệm khi đó thì thú vị nhưng làm việc thì rất vất vả.Coca-Cola tới Việt Nam, 1995Trong thời gian dài, chủ đề chính trong các tác phẩm của chị là hình ảnh VN cũ, quá trình đổi mới, tướng Giáp hay những hậu quả chiến tranh. Giờ chương tiếp theo của chị với VN sẽ là gì?- Trong nhiều năm tới VN, những tấm hình tôi chụp thường là bổ sung kho tác phẩm tôi đã có. Khoảng năm 2011-2012, tôi có phần trình bày lớn với National Geographic LIVE nên mỗi lần chuẩn bị, thấy mình còn thiếu gì đó tôi sẽ bay về VN để chụp bổ sung, ví dụ về Việt kiều, về cựu binh Việt Nam... Thỉnh thoảng tôi làm một số việc cho National Geographic như chụp ảnh về Việt Nam mới...Vài năm trở lại đây, tôi không còn làm phần trình bày đó nữa nên không còn lý do kiếm những gì còn thiếu trong kho dữ liệu. Rồi ngành công nghiệp tạp chí gần như không còn nữa, họ không còn tiền cho các tác phẩm nhiếp ảnh.Phần lớn tác phẩm mới của tôi mấy năm gần đây là do tôi tự trả tiền để tới VN chụp hoặc làm cho một vài tạp chí có các dự án nhỏ. Tôi cũng có những chương trình đào tạo chụp ảnh, triển lãm ảnh của tôi năm 2015 (kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh). Lúc này tôi đang sắp xếp kho ảnh đã chụp và làm các dự án với nó như triển lãm ảnh, cuốn sách 25 năm, chia sẻ với mọi người, đào tạo chụp ảnh, đi nói chuyện...Năm 2014, tôi bắt đầu tự mình thiết kế các chương trình dạy chụp ảnh. Tôi thường có 10-11 học viên học trong khoảng hai tuần. Đó là chương trình hằng năm của tôi. Tôi có những dự án sắp tới như dự án về chất độc da cam.Tôi có bao giờ nghĩ rằng chương về VN của tôi đang khép dần lại? Không bao giờ!!!Tập thể dục buổi sáng trên cầu Thê Húc trước đền Ngọc Sơn, 1995 Tôi luôn ấn tượng với cách chị giữ quan hệ với những nhân vật của mình. Đó là vì phóng viên ảnh chuyên nghiệp sẽ vậy hay đó là cách của Catherine Karnow?- Đó là cách của tôi (cười). Nhiếp ảnh có thể làm gì? Đó vẫn là bí ẩn, tôi không thể giải thích. Tại sao tôi vẫn thấy hấp dẫn bởi công việc mà tôi đã làm từ năm 1975 cho tới giờ. Năm 1975 là năm có ý nghĩa với cả lịch sử VN và Mỹ, cũng là năm tôi cầm máy ảnh lên và quyết định sẽ nghiêm túc với nghiệp nhiếp ảnh. Tôi yêu nhiếp ảnh ngay khi đó. Làm thế nào tôi vẫn yêu thích nó đến vậy sau quãng thời gian dài thế, thật là điên khùng. Nên có gì đó rất bí ẩn về nhiếp ảnh.Khi bạn chụp hình với ai đó, bạn có trải nghiệm với người đấy. Đặc biệt là khi có trải nghiệm đặc biệt - đôi khi chẳng cần phải là chụp ảnh. Ví dụ như Trần Thị Điệp (nhân vật của bức hình “Người phụ nữ trên tàu hỏa”). Bức hình của Điệp trở thành biểu tượng. Khi chúng tôi gặp lại, khoảnh khắc đó rất đặc biệt với tôi.Bức hình đã được triển lãm, được đăng đi đăng lại rất rất nhiều lần, nhưng tôi lại chưa chia sẻ được thành công của bức hình đó với Điệp. Tôi là người chụp hình nhưng chị ấy là nhân vật, chị ấy đúng ra xứng đáng nhận những khen ngợi. Bức hình của tôi sẽ không thể thành công vậy nếu không có Điệp.Tôi không muốn đó chỉ là bức hình nổi tiếng và chị ấy chỉ là một khuôn mặt. Chị ấy là một con người. Chị ấy có ký tờ giấy đồng ý làm mẫu, nhưng điều đó là không đủ với tôi, tôi muốn xây dựng tình bạn, một tình bạn thật sự.Vịt trên xe máy, TPHCM, 1995 Chúng ta đang ở Sài Gòn, mẹ chị từng sống ở đây những năm 1950, bố chị thì viết cuốn sách kinh điển về Việt Nam. Chị có bao giờ cảm thấy áp lực khi mình là một đứa con của gia đình Karnow với người cha nổi tiếng vậy?- Không. Tôi đến cái tuổi mà tham vọng về nghề nghiệp đã dịu hoàn toàn (cười). Dù tôi luôn cố gắng hết sức cho các dự án của mình nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng leo bất cứ chiếc thang nào hay đặt ra mục tiêu phải đạt. Đời quá ngắn mà tham vọng vậy thì chẳng ý nghĩa gì. Tôi có những đồng nghiệp mà cả đời khổ sở để cố leo chiếc thang nào đó...Nhưng tôi thật sự rất đòi hỏi với chính mình, muốn có cảm giác là mình thành công (trong công việc). Tôi cần làm việc. Việc này có rất nhiều lý do: Tôi đến từ gia đình Do Thái nhập cư từ Đông Âu tới Brooklyn. Trong cộng đồng đó, từ cha tôi truyền tới tôi, mọi người đều có sự thôi thúc phải cố gắng kiếm được chỗ đứng của mình. Nó đơn giản là đặc trưng của cộng đồng Do Thái nhập cư dù đã trải qua nhiều thế hệ.Áp lực không đến từ cha mẹ tôi mà thường từ chính bản thân tôi. Tôi theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Mọi việc nên được làm bằng cách tốt nhất. Tinh thần đó được truyền cho tôi từ rất sớm. Tôi thấy mình có một tài năng và cùng lúc, thấy mình có một sứ mệnh. Sẽ là một sự phí phạm tài năng đó nếu tôi không phát huy được nó.Có áp lực gì từ việc cha tôi là nhà báo nổi tiếng không ư? Phải thừa nhận là mặt nào đó thì có. Nhưng không phải là “tôi phải cố được bằng như ông ấy”. VN của ông và VN của tôi rất khác nhau. Ông ấy là nhà sử học và nhà báo nên ông ấy viết về VN theo cách đó. Tôi là phóng viên ảnh, tôi là nhà báo ảnh, tôi nghiên cứu, tự viết câu chữ, cố tìm hiểu rõ nhất những gì tôi chụp, cái gì nên chụp, ý nghĩa của nó là gì. Lời chú thích cần thông minh, dễ hiểu và mang thông tin cho người xem. Tôi là phóng viên ảnh chứ không phải là người chụp hình nghệ thuật.Với cha tôi, VN là tư duy, bộ não. Với tôi, VN là trái tim và linh hồn. Tôi yêu việc chúng tôi chia sẻ đam mê về VN. Khi còn sống, ông luôn tự hào nói tôi nối tiếp di sản của ông. Mỗi lần tôi từ VN về, ông rất thích nghe những câu chuyện, nghe xem tôi gặp ai, những quan sát của tôi. Ông nhìn bức ảnh rồi nói: “Nhìn này, Gucci kìa. Thật kinh hoàng!!!”. Ông rất ngạc nhiên với những thay đổi mà ông chứng kiến trong lần cuối ông đến VN năm 2000 qua những bức hình của tôi.Catherine Karnow và người cha - nhà báo đoạt Pulitzer, sử gia Mỹ nổi tiếng, tác giả cuốn sách Việt Nam - một lịch sử (Vietnam - A History)Cuộc nói chuyện trong gia đình Karnow sau này về VN chủ yếu là những câu chuyện từ VN của chị?- Ký ức của tôi mạnh nhất là trong 20 năm qua, gia đình tôi hay có tiệc tùng mời bạn bè đến. Rất nhiều người từng tác nghiệp ở VN đến. Họ liên tục nói về VN. Không phải chỉ là nhớ lại. Họ nói rất to về chuyện gặp ông đại tá nào đó ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Đức Thọ hay các nghị sĩ... Cho đến lúc cánh phụ nữ phải nói: “Đêm nay không nói gì về VN. Nếu các ông muốn nói về VN thì chúng tôi sẽ ra phòng khách”.Thỉnh thoảng có ai đó hỏi về VN bây giờ, cha tôi bảo: “Cái đó thì phải hỏi Cathy, con bé biết nhiều hơn về VN bây giờ”. Ông đã chuyển cây gậy tiếp sức cho tôi. Nên nếu nói về VN sau năm 1975 thì tôi sẽ là người nói hoặc kể chuyện.Nhiếp ảnh giờ ngày càng thay đổi, chị có lời khuyên gì cho những phóng viên ảnh trẻ?- Cứ chăm chỉ, hãy đam mê, hãy hết lòng với công việc. Nhưng theo đuổi nhiếp ảnh vào lúc này thì cần tìm hiểu thêm. Tôi thành công với nghề ảnh nhưng không thành công về mặt tiền bạc với nghề ảnh. Hầu như tôi làm mà không để dành được gì. ■(*): Nhiếp ảnh gia báo chí của National Geographic, nổi tiếng và quen thuộc với hàng ngàn bức ảnh chụp VN trong 28 năm qua, đặc biệt là những bức ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nạn nhân chất độc da cam. Tháng 4-2018 tại Hà Nội, chị tổ chức thành công triển lãm “Việt Nam 25 năm - Một đất nước đang thay đổi" và ra mắt cuốn catalogue ảnh về VN.Chị có cách chụp phụ nữ rất đặc biệt. Và có vẻ phụ nữ thường là chủ đề lớn của chị mỗi khi tới VN, dù đó là người phụ nữ trên con tàu, cô gái bán hoa... Đó có phải vì chị thấy dường như phụ nữ VN có gì đó khác biệt?- Tôi yêu phụ nữ. Tôi nghĩ phụ nữ luôn rất tuyệt và đặc biệt. Họ năng động, hài hước và luôn làm được việc. Vẻ đẹp của phụ nữ rất khác. Tôi yêu những người bạn nữ của tôi và thích gặp những người bạn nữ mới. Tôi thích trò chuyện với phụ nữ. Tôi thích cách phụ nữ nói thẳng vào vấn đề. Tôi thích cách phụ nữ có thể tình cảm với nhau theo cách riêng của họ. Họ nhiều ý tưởng. Phụ nữ Việt rất đẹp. Đẹp một cách tự nhiên.Thành thật mà nói, tôi thật sự nghĩ rằng phụ nữ rất đặc biệt. Họ có trực giác rất mạnh. Đặc biệt là phụ nữ tới một độ tuổi nhất định. Chúng tôi không sợ phải chia sẻ suy nghĩ hay cảm xúc của mình ngay khi gặp. Chúng tôi hỗ trợ, quan tâm lẫn nhau. Chúng tôi có thể dễ dàng kết bạn. Chúng tôi thấy gì đó hỏng thì sẽ cố gắng khắc phục. Chúng tôi biết cách quan tâm người khác. Chúng tôi cảm giác rất mạnh là mọi việc đang diễn ra như thế nào, có rađa rất mạnh với cảm xúc của mọi người xung quanh. Những bức ảnh đi cùng một nhân vật đặc biệt của Catherine Karnow: Chị Trần Thị Điệp. Chị Trần Thị Điệp trong bức hình nổi tiếng "Người phụ nữ trên tàu hỏa" chụp năm 1990Catherine Karnow gặp lại chị Điệp sau 21 nămCatherine Karnow dự đám cưới con gái chị Điệp Tags: Catherine KarnowTuoitrecuoituanNatGeoNhiếp ảnh gia người Mỹ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.