TTCT - Khi công cuộc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc và các công trình giao thông trọng điểm đang diễn ra quyết liệt, thì các đơn vị nhà thầu lại thiếu thứ nguyên liệu căn bản và có sẵn ở địa phương: cát đắp nền. Ảnh: Wealth ManagementChính người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã nhận định về tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, cũng như đề cập tới giải pháp, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Cần Thơ mới đây: "Cả nước đang như đại công trường, nhiều tuyến đường, hạ tầng thi công cùng lúc thì tất yếu phải xảy ra thiếu cát, thiếu vật liệu xây dựng... Nhưng khi phát sinh thiếu thì các địa phương phải cùng Chính phủ đồng lòng giải quyết từng khâu, nếu tắc từ phía dân thì lãnh đạo phải gặp dân tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Cùng liên kết các địa phương để hoàn thành các tuyến cao tốc, cầu đường trọng điểm, từ đó mới tạo động lực phát triển vùng" (tuoitre.vn 12-5).Giữa cát và xi măngCon số khái lược, nguồn cung cát cho san lấp mặt bằng cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long so với nhu cầu chỉ đạt khoảng 25% vào thời điểm cuối năm 2023 và đầu 2024. Nguyên do không phải vì thiếu cát, mà là cát từ mỏ không thể được khai thác để vận chuyển đến nơi cần. Không được khai thác, vì trước đó nhiều doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương buông lỏng kiểm soát, thậm chí tiếp tay cho doanh nghiệp khai thác lậu, khai thác quá mức, dẫn đến thay đổi dòng chảy, tác động nghiêm trọng đến hai bờ sông, làm đảo lộn môi trường sống.Đây đang là vấn đề chung của các quốc gia hạ lưu sông Mekong, khi khả năng tái tạo và vận chuyển cát từ thượng nguồn tít cao nguyên Tây Tạng thấp hơn nhiều so với con số khai thác công bố của các quốc gia (khoảng 60 triệu tấn mỗi năm). Về mặt môi trường, càng khai thác cát nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đang tự đào đất ngay kế móng ngôi nhà mình.Để đáp ứng nhu cầu hạ tầng và tăng trưởng ngắn hạn, Chính phủ giải cứu bằng giải pháp trao quyền khai thác cát cho nhà thầu. Tuy nhiên với địa phương, quy trình để một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, bình thường mất khoảng 8 tháng đến 1 năm. Máy móc, phương tiện thi công, con người, trong thời gian đấy, nằm chờ, kể cả khi người đứng đầu Chính phủ chạy đôn chạy đáo, như đã nói ở trên.Cũng đã có những giải pháp khác được đưa ra: sử dụng cát biển và thay đổi thiết kế từ đường đắp trên nền địa chất có sẵn sang cầu cạn. Cả hai đều cần thời gian thử nghiệm đánh giá và so sánh chi phí. Dùng cát biển, chưa ai dám khẳng định chất lượng. Làm cầu cạn, chi phí gấp 1,5 đến 2 lần. Không chỉ lưỡng nan, đây là tình huống tam nan khó thể có giải pháp hài hòa, sẽ có những thứ cần ưu tiên, và những điều khác bắt buộc phải hy sinh. Lý tưởng nhất là dùng ít cát hơn để đắp, phần còn lại chuyển sang cầu cạn, chấp nhận chi phí cao hơn. Giải pháp này còn có một tác dụng là hỗ trợ ngành xi măng.Sản xuất xi măng là ngành thâm dụng nhiên liệu, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường cao nhất nhì trong các ngành công nghiệp chế tạo, nhất là công đoạn khai thác nguyên liệu thô. Với các yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe, chi phí đầu vào cho sản phẩm do đó ngày càng cao, trong khi nhu cầu khách hàng chưa có dấu hiệu hồi phục, không khó hiểu tại sao đề nghị làm cầu cạn - tức sử dụng nhiều xi măng hơn cho đường bê tông, lại được đề xuất khá nhiệt tình.Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng xấp xỉ gấp đôi và toàn bộ công đoạn thiết kế phải được làm lại, đấy là mặt trái cho phương án giải cứu này. Ngược lại, nó giải quyết được vấn đề chờ lún trong quá trình thi công, và giảm thiểu nạn sụt lở bờ sông do bớt đi lượng khai thác cát.Xét về dài hạn, và các cam kết môi trường với các tổ chức quốc tế, cũng như nhìn ra các quốc gia lân cận như Malaysia hay Thái Lan, thì đấy nên là một lựa chọn được cân nhắc, nhất là khi vài năm tới sẽ là giai đoạn quyết định để Việt Nam hoàn thiện hệ thống hạ tầng quốc gia ít ra là ở mức cơ bản của một nước không còn nghèo. Nghèo gặp eo - như cao tốc Túy Loan - La Sơn do không đủ tiền, đã buộc phải phân kỳ để làm trước 2 làn - nên việc lựa chọn phương án chi phí cao hơn cho đường ở miền Tây thực sự là một quyết định không dễ dàng.Tới sắt thépVới thép xây dựng lại là câu chuyện hoàn toàn khác: Những khó khăn của một nền kinh tế có độ mở rất lớn càng ngày càng đa dạng và phức tạp. Cụ thể, các nhà sản xuất thép Việt Nam đang kiện lẫn nhau trong việc định nghĩa thế nào là giá dưới chuẩn và phi thị trường. Chuyện này liên quan tới vụ kiện Trung Quốc bán phôi thép cán nóng (HRC) - nguyên liệu để gia công thép hình, thép ống, tôn lợp - giá quá rẻ, làm hai nhà sản xuất HRC hiếm hoi của Việt Nam không cạnh tranh nổi. Trong khi đó, 12 nhà sản xuất thép thứ cấp cũng của Việt Nam, tức các đơn vị nhập khẩu HRC Trung Quốc, thì đương nhiên phản đối hai hãng kia.Nguyên nhân nằm ở việc nền sản xuất Trung Quốc đang ở tình trạng thừa cung, nên bán rẻ hoặc rất rẻ. Đây là thực tế được dự báo sẽ còn kéo dài. Cung cao hơn cầu, kể cả bán lỗ cũng phải làm, là câu chuyện của bất cứ ai có tồn kho quá ngưỡng. Việc khởi kiện điều tra để áp thuế chống bán phá giá là chuyện nên làm, một khi Việt Nam cũng đã gia nhập các sân chơi thế giới, và đã không ít lần là đối tượng của những vụ kiện như vậy.(Tất nhiên, kết quả thế nào lại là chuyện khác, khi khả năng điều tra giá thành sản xuất thép của Trung Quốc có lẽ vượt quá năng lực của các cơ quan phòng vệ thương mại nước nhà).Đây là sân chơi và cuộc chơi không dành cho những tay mơ, chính vì vậy mà chúng ta lại càng nên làm, để học hỏi kinh nghiệm nữa. Một chi tiết ít ai biết có tính minh họa cao là hằng năm, một công ty thép ống hàng đầu của Hàn Quốc ở Việt Nam phải chi hàng chục tỉ đồng để duy trì tiền phí cho đội ngũ luật sư đối phó với các đe dọa kiện tụng, áp thuế chống phá giá liên tục từ Mỹ và Canada!Khi chúng ta nói nhiều về nền kinh tế tự chủ, thì ngay cả những ngành xương sống cho công cuộc phát triển hạ tầng, cát làm nền, xi măng làm đường và sắt thép, đều đang có vấn đề, và nhiều vấn đề rất phức tạp, liên quan rộng, mà chúng ta chỉ có quyền tự quyết ở mức độ hạn chế. Nhưng như mọi thứ khác, có đi - hay có cát, xi măng và thép - thì mới thành đường. ■ Số liệu của Hiệp hội Xi măng chỉ ra nhu cầu của ngành này chỉ vào khoảng 80% so với mức cung trong năm 2023 và với tình hình chưa mấy sáng sủa của ngành xây dựng và bất động sản như năm 2024, ngành xi măng sẽ phải đối mặt với một năm ảm đạm tiếp theo. Với những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thành phẩm hoặc nguyên liệu clinker thì năm rồi thực sự là thảm họa. Doanh nghiệp chế biến clinker đóng mỏ đá ở miền Trung, công nhân được nghỉ luân phiên và nhân viên chỉ hưởng lương căn bản trong năm 2022 và 2023 không phải là chuyện hiếm. Tags: Vật liệu xây dựngKhai thác cátTiến độ thi côngCông trình giao thôngĐồng bằng sông Cửu Long
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.