Chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trong đô thị như thế nào? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của bạn đọc, chuyên gia và đại diện đơn vị quản lý cây xanh.
Cây xanh thiết yếu như điện, nước
Diện tích cây xanh bình quân theo đầu người của TP.HCM đang còn rất thấp so với tiêu chuẩn cần phải đạt được ở mức trung bình trên thế giới.
Khắp ngõ phố đều "bê tông hóa" tỏa nhiệt nung nóng hầm hập, nếu thiếu vắng những tán cây, thảm cỏ xanh che bóng và giữ nước giữ ẩm... không gian sống sẽ thêm nóng bức.
Các đô thị Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang đau đầu giải bài toán làm thế nào để nhanh chóng nâng mảng xanh.
Việc chặt bỏ, tỉa cành nhánh đều có lý do (như đề phòng mưa bão gãy đổ, phục vụ ngầm hóa lưới điện, mở rộng đường...) nhưng đáng tiếc là khó có thể thể bù đắp ngay không gian xanh bị mất đi.
Tăng số lượng cây xanh, tăng mảng xanh đô thị cần thời gian tính bằng năm, thậm chí chục năm. Singapore làm nên thương hiệu đất nước xanh, sạch chính là phát triển mảng xanh.
Họ đang chuyển chiến lược môi trường từ "rừng trong phố" (phát triển mạnh mảng xanh giữa không gian hầu hết là cao ốc) sang "phố trong rừng" (xanh hóa toàn lãnh thổ thành quần thể rừng đa dạng sinh học).
Bên cạnh đầu tư lớn xây dựng thêm công viên, họ chú trọng bảo tồn các cụm/khu rừng tự nhiên để giữ những lá phổi xanh và phát triển du lịch sinh thái.
Hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép nước ta làm được như Singapore. Tuy nhiên, với siêu đô thị như TP.HCM, bất cứ dự án quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nào... cũng cần phải tính đến yêu cầu phát triển cây xanh, nâng cao tỉ lệ xanh hóa.
Nguyễn Văn Hùng
Cắt tỉa trơ trụi có thể gây hại cây xanh
Không nên cứ vào mùa mưa bão là tỉa cành trơ trụi, phải tỉa đúng kỹ thuật, hợp lý, đúng thời điểm. Cây đường phố phải trồng theo quy trình riêng, từ chọn loài cây, tuổi cây, kích thước hố đủ lớn phù hợp đặc tính sinh thái loài.
Hiện nay mình trồng cây to quá, đất bên dưới không hợp nên khả năng phát triển rễ cây rất kém, khi cành phát triển to dẫn tới việc không cân đối dễ gãy đổ. Đây cũng là lý do phải tỉa cành cây hằng năm. Việc cắt tỉa cây xanh trụi lủi sẽ gây hại tới cây xanh.
Khi trồng lên được cành nào cắt đi cành đó thì ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Vì vậy, khi trồng cây đô thị phải chọn đúng loại cây.
PGS Nguyễn Minh Thanh (Trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội)
Giám sát việc chăm sóc cây xanh
Việc lựa chọn loài cây cần có sự đánh giá phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, không gian kiến trúc.
Việc chăm sóc cây xanh cần được thực hiện đúng kỹ thuật, có sự giám sát của các chuyên gia có kinh nghiệm về trồng cây đô thị để đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển tốt, bộ rễ khỏe. Có thể tạo dựng các mảng xanh trên nóc nhà, sân thượng, các dải mành cây theo hầm chui, hầm vượt.
Cô Mai Hương Lam (giảng viên Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)
Cưa trụi lủi cây xanh là sai
Ngoài tưới nước, bón phân theo định kỳ thì việc cắt tỉa cây xanh vô cùng quan trọng. Cây xanh đô thị nếu không được cắt tỉa hoặc cắt tỉa không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất an toàn.
Việc duy tu cây xanh cần phải có khảo sát và có hướng cắt tỉa để thân cây, tán, rễ cây cân đối thì cây mới sinh trưởng tốt.
Hiện nay công ty triển khai thực hiện các công tác duy tu, chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cây xanh theo kế hoạch do các chủ đầu tư thông qua.
Trước mùa mưa bão, công ty đẩy mạnh việc xử lý cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố xảy ra gây thiệt hại nếu có cây ngã đổ, gãy nhánh.
Ông Lê Công Sơn (trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM)
Hạ độ cao cây xanh là cần thiết
Đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết đối với cây bóng mát, đơn vị sẽ phân làm hai loại, gồm cây mới trồng và cây đã sinh trưởng phát triển bình thường để có phương pháp chăm sóc riêng biệt. Mỗi quý, công ty sẽ kiểm tra cây, đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc cắt tỉa.
Có hai phần việc chính khi cắt tỉa. Thứ nhất là cắt tỉa nâng cao vòm lá (1-2 lần trong năm) nhằm loại bỏ những cành thấp, cản trở tầm nhìn và những cành cây khô. Thứ hai là việc cắt tỉa làm thưa tán, hạ độ cao, hai năm thực hiện một lần tùy từng chủng loại cây.
Việc này nhằm loại bỏ bớt tán lá, ngọn cây phòng nguy hiểm khi có mưa bão, cũng là cách giúp cây phát triển cân đối.
Một số nơi trong quá trình cắt tỉa đã cắt toàn bộ phần cành, ngọn giữa mùa hè, liệu việc này có làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây?
Đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng đây là điều cần thiết. Việc cắt tỉa cây xanh đều được cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm tra và đề ra kế hoạch cắt tỉa như thế nào cho phù hợp.
"Thực ra việc hạ độ cao của cây bóng mát là cần thiết. Khi cây bị cắt tỉa, nhất là vào mùa hè, người dân sẽ cảm thấy thiếu đi bóng mát, nhưng đây là việc làm nhằm đảm bảo an toàn cho cây và an toàn cho người đi đường trong mùa mưa bão sắp đến.
Khi cắt đi như vậy, cây vẫn phát triển, vẫn sẽ ra tán lá mới nhưng độ cao của cây sẽ được khống chế và giảm bớt cành, giảm bớt nguy cơ gãy đổ của cây khi có mưa to gió lớn", đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận