● Tôi bị nứt kẽ hậu môn. Đi khám bác sĩ này bảo uống thuốc, bác kia kêu mổ. Nghe ai bỏ ai?
N.Đào (Long An)
- Nứt kẽ hậu môn không chết ai nhưng phiền, đau rát, xú uế, nhiễm trùng cầm canh. Điều trị chủ yếu xoay quanh “quả đấm thép” chống táo bón, giãn cơ, botox... Mục tiêu là giải phóng áp lực hậu môn để kẽ nứt tự lành. Phẫu thuật không ngoài việc cắt bớt cơ thắt trong, nhẹ gánh cho “bệnh binh” tự thu xếp.
● Tôi táo bón kinh niên, hết trĩ rồi rò hậu môn. Tôi được “gà” dùng kích điện hậu môn, không biết có thoát trầm luân?
M.Tuyến (An Giang)
- Táo bón, “oan gia” vùng hậu môn-trực tràng, sinh dưỡng đủ từ nứt kẽ, trĩ nội ngoại, đến rò hậu môn... Dứt dạt táo bón, ngoài chế độ ăn, sinh hoạt, thuốc nhuận trường, cần điều trị bệnh gốc nếu có. Mất phản xạ đại tiện, cần lấy lại cảm giác mót rặn bằng phẫu thuật, kích điện... Nói chung cũng mơ hồ nên không chắc sau “chạy điện” táo bón có chịu buông tha.
● Mẹ tôi bị rò hậu môn lâu năm, khổ sở, còn được cảnh báo nguy cơ ung thư cao...
Ph.Viên (TP.HCM)
- Từ ổ ápxe rồi trổ đường hầm ra ngoài, gọi là rò hậu môn. Một trời khổ ải từ cái lỗ rò, đau đớn, xì phân, chảy mủ, ẩm ương, nhiễm trùng đủ loại... Rò hậu môn nổi tiếng trầm kha, tái đi tái lại. Không tuyệt đối, nhưng viêm nhiễm triền miên, lan rộng, là mối dọa ung thư tiềm tàng. Ngày nay, điều trị rò hậu môn lắm kế nhiều mưu, không phải quá lo lắng.
● Vợ tôi sinh có cắt tầng sinh môn. Giờ bị chứng rò hậu môn. Có phải do việc này? Điều không mong muốn hay tay nghề bác sĩ kém?
H.Nguyên (TP.HCM)
- Hậu môn gặp chuyện sau sinh, hầu hết thọ nghiệp từ chính thai kỳ, từ táo bón, tử cung đè ép, nhiễm trùng đến rặn đẻ... Hiếm hoi can thiệp sản khoa mới bị réo tên. Cắt tầng sinh môn, có chi không phải với cổng hậu, không chỉ do lỡ tay mà còn do khâu vá, hậu phẫu, nhiễm trùng... Cửa mình-hậu môn gần mà xa, phải rủi lắm mới xảy ra phạm dao lỡ kéo.
● Tôi được một phòng khám khuyên cắt trĩ Longo. Hơi hao mà không biết tiệt căn như quảng cáo không?
H.Thiện (Long An)
- Trị trĩ, ngoại khoa động thủ theo hai kiểu: cắt trĩ tận tay, hoặc bỏ đói búi trĩ (chích xơ, thắt thun, quang đông...). Longo là phương pháp ngả theo chước thứ nhì. Người ta đưa dụng cụ chuyên vào cắt khâu một khoảnh niêm mạc, ngắt máu nuôi đến đám rối tĩnh mạch trĩ, kết hợp treo búi trĩ lên khỏi lòng thòng. Nhẹ nhàng, ra viện sớm, tái sử dụng WC ngay nhưng hao ví. Cũ hay mới đến nay chưa có phương pháp nào dám mạnh miệng “một lần và mãi mãi” với bệnh trĩ cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận