16/01/2019 15:15 GMT+7

'Cát tặc' xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Vùng đệm Thánh địa Cát Tiên đang sạt lở và có nguy cơ xâm lấn vào bên trong khu vực chính. Đây là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 1.

Thánh địa Cát Tiên là một phế tích đặc biệt được giới khảo cổ trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Vùng đệm của phế tích này đang bị xâm hại bởi nạn khai thác cát rầm rộ - Ảnh: M.VINH

Di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) hay Thánh địa Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn, trải dài khoảng 15 km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn (huyện Cát Tiên - tỉnh Lâm Đồng).

Nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ,… đã được phát lộ trong những đợt khai quật từ năm 1994 đến 2006. Hơn 1000 hiện vật gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm,… đã được tìm thấy.

Qua loại hình kiến trúc, hiện vật tìm được cho thấy đây là một thánh địa tôn giáo và là dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc trong quá khứ. Năm 2014, Thánh địa Cát Tiên được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Thánh địa Cát Tiên bị "cát tặc" xâm hại nghiêm trọng - Video: M.VINH

Thánh địa Cát Tiên nằm ngay bên bờ sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa phận huyện Cát Tiên và bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động khai thác cát rầm rộ trên tuyến sông này trong nhiều năm qua.

Cát hút lên, hai bờ sông sạt xuống và di tích khảo cổ đặc biệt này cũng cùng chung số phận. Theo ghi nhận của chúng tôi, bờ đất nằm cạnh sông của di tích khảo cổ Cát Tiên đã sạt một đoạn dài thành một bãi đất bằng. Trên bãi đất ấy, cỏ voi, cây bụi đã mọc um tùm.

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 3.

Ngay cạnh Thánh địa Cát Tiên là 2 bãi cát lớn, tàu cát liên tục cập về đây để bơm cát - Ảnh: MAI VINH

Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng – đơn vị quản lý Di tích khảo cổ Cát Tiên, cho biết: "Sạt lở mới ảnh hưởng ở vùng đệm nhưng dòng chảy trên sông Đồng Nai đã bị thay đổi khiến tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng. Nếu không ngưng khai thác cát, không có giải pháp điều chỉnh dòng chảy thì sạt lở sẽ ăn dần vào sâu bên trong khu chính di tích".

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 4.

Các đơn vị mua bán cát dùng cơ giới lớn hoạt động rầm rộ hai bên bờ sông Đồng Nai cạnh di tích Cát Tiên - Ảnh: M.VINH

"Chúng tôi đánh giá cát sông Đồng Nai cạn kiệt rồi, có thể nói là không còn bao nhiêu và chắc chắn không đáp ứng công suất khai thác cực lớn hiện nay. Cát đã cạn kiệt nên những doanh nghiệp khai thác cát đang có giấy phép không chỉ hút cát giữa sông mà còn dùng vòi sục vào hai bên bờ sông mà hút cát. Họ giấu kỹ vòi, khó phát hiện. Khi thấy cơ quan chức năng đi kiểm tra thì mau chóng thu vòi. Khai thác như thế là sai vị trí, bờ sông sẽ bị khoét sâu vào trong kiểu hàm ếch rồi sập sau đó không lâu". - Một cán bộ giấu tên tại UBND huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) nói


Chúng tôi có mặt trên đoạn sông Đồng Nai chảy qua Thánh địa Cát Tiên và chứng kiến hoạt động khai thác cát ở đây. Ngay cạnh di tích là các bãi tập kết cát lớn nhỏ. Trên đoạn sông này, máy hút cát được đặt trên các thuyền lớn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy công suất lớn đứng cách xa vài cây số vẫn còn nghe được. 

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 6.

Nền đất thuộc di tích bị sạt thành vách dựng đứng - Ảnh: M.VINH

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Cát Tiên, tính đến nay đã có hơn 150 ha đất vườn dân sống cạnh bờ sông Đồng Nai bị sạt xuống. Riêng đối với Di tích khảo cổ Cát Tiên, tình trạng sạt lở được ghi nhận tuy nhiên chưa có thống kê cụ thể. Đơn vị quản lý di tích lo ngại sự thay đổi của dòng chảy, địa hình lòng sông Đồng Nai sẽ uy hiếp sự toàn vẹn Thánh địa Cát Tiên. 

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 7.

Tàu hút chở cát hoạt động rầm rộ trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua Di tích khảo cổ Cát Tiên - Ảnh: M.VINH

Theo đánh giá của Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng: việc khai thác cát với công suất quá lớn khiến địa hình lòng sông thay đổi nhanh, từ đó tác động tiêu cực đến vùng ven sông là nguyên nhân gây sạt lở trên diện rộng tại đoạn sông Đồng Nai chảy qua các xã Tư Nghĩa, Quảng Ngãi và đặc biệt là Phước Cát 2 thuộc huyện Cát Tiên.

Được biết các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước đã cấp phép có thời hạn đến năm 2019 cho 8 đơn vị với công suất cực lớn lên đến 210.000 m3/năm.

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 8.

Tàu cát đậu giữa sông nhưng sục vòi vào tận bờ hút cát. - Ảnh: M.VINH

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 9.

Hàng trăm điểm sạt lở xuất hiện dọc sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Cát Tiên - Ảnh: M.VINH

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 10.

Bờ đất phía Vườn quốc gia Cát Tiên (đối diện Thánh địa Cát Tiên) cũng bị sạt xuống sông - Ảnh: M.VINH

Cát tặc xâm hại Thánh địa Cát Tiên, vắt kiệt cát sông Đồng Nai - Ảnh 11.

Nền đất ở vùng đệm Thánh địa Cát Tiên tiếp tục nứt chân chim và có thể sạt xuống sông trong thời gian tới - Ảnh: M.VINH


MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên