15/07/2015 09:30 GMT+7

Cát tặc lộng hành, tan tác bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ

TT - Sáng 8-7, tại sông Sài Gòn đoạn dưới cầu Bến Súc (giáp ranh TP.HCM - Bình Dương) trên tỉnh lộ 15, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM, ghe cát tặc đang rúc vào lùm cây hút cát trộm.

Một ghe khai thác cát trên sông Sài Gòn đoạn gần điểm sạt lở bờ kè qua huyện Củ Chi, TP.HCM (ảnh chụp trưa 10-7) Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một ghe khai thác cát trên sông Sài Gòn đoạn gần điểm sạt lở bờ kè qua huyện Củ Chi, TP.HCM (ảnh chụp trưa 10-7) - Ảnh: Quang Định

Trong tám điểm sạt lở bờ sông mới phát sinh trên địa bàn TP.HCM từ tháng 5-2015 đến nay, khu vực địa bàn huyện Củ Chi có đến bốn điểm, tập trung gần cầu Bến Súc. Nguyên nhân được xác định do tình trạng bơm, hút cát trái phép gây ra.

Nghênh ngang giữa ban ngày

Tại đây, ba cát tặc đang hí hoáy chọc vòi hút cát xuống đoạn khu vực đất vườn của nhà dân, cách đê bao ven sông Sài Gòn 5 - 7m. Tiếng máy nổ của ghe hút cát cách cả trăm mét vẫn nghe thấy, khói đen từ máy nổ bay nghi ngút.

Khoảng 30 phút sau cát đầy ghe, nhóm cát tặc cho ghe rời bến. Tiếp đó, nhiều ghe khác tiếp tục rảo quanh bờ sông vào khu vực hút cát.

Dọc bờ sông thuộc tỉnh Bình Dương, những chiếc ghe lớn chằng chịt đường ống dùng để hút cát ẩn nấp trong các bụi cây ven bờ chờ thời điểm hoành hành.

Thấy cát tặc xuất hiện ở khu vực đất vườn nhà mình, anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ tỉnh Bình Dương) bỏ cả việc cắt cỏ để chạy ra canh chừng. Anh Phương cho biết những năm trước anh có mảnh đất trồng tràm, cây ăn trái sát sông Sài Gòn đoạn ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng.

Thời gian qua việc hút cát đã làm dòng sông ăn sâu vào đất khoảng 20m. Cây tràm, vườn ăn trái... cứ thế trôi tuột xuống lòng sông.

“Tui và người dân đã thưa nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Trước kia chưa làm bờ kè người ta còn ra canh chừng, còn khi đã giải tỏa đền bù để làm kè thì tụi nó ngang nhiên như chốn không người” - anh Phương nói.

Một người dân ở xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) cho biết ngày trước, khúc sông Sài Gòn đoạn gần cầu Bến Súc khá hẹp. Nhưng những năm gần đây do những người khai thác cát hút cát sát bờ dẫn đến sạt lở, lòng sông cứ thế mở rộng ra hai bên khiến nhiều người mất trắng cả mảnh vườn.

Đánh giá về tình trạng sạt lở những đoạn bờ kè mới được xây dựng vài tháng thuộc dự án đê bao ven sông Sài Gòn từ rạch Thai Thai đến cầu Bến Súc, ông Lê Văn Châu, cán bộ quản lý công trình thủy lợi xã An Phú, Phú Mỹ Hưng (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM), cho rằng nguyên nhân do các ghe hút cát, ban ngày các ghe cát tặc hoạt động ít nhưng về đêm hoạt động nhộn nhịp.

Ông Châu cho biết hiện các đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế... đang đánh giá lại nguyên nhân cụ thể để có hướng giải quyết. Tuy nhiên qua các cuộc họp, nhà thầu có ý kiến muốn làm lại đoạn đê bao bị sạt thì phải... bổ sung vốn.

“Tại dự án đê bao ở xã Phú Mỹ Hưng sạt hai điểm, còn các dự án khác sạt nhiều lắm” - ông Châu cho biết thêm.

Bờ kè bên sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi vừa mới làm được hơn hai tháng nhưng đã bị sạt lở xuống sông. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng nhận định là do tình trạng khai thác cát gây ra (ảnh chụp trưa 10-7)  Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bờ kè bên sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi vừa mới làm được hơn hai tháng nhưng đã bị sạt lở xuống sông. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng nhận định là do tình trạng khai thác cát gây ra (ảnh chụp trưa 10-7) - Ảnh: Quang Định

“Phức tạp lắm”

Ông Trần Văn Hên, chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Hưng, cho biết địa bàn của xã sạt lở ba vị trí. Nguyên nhân sạt lở là việc hút cát trái phép gây ra.

Trong năm 2014, công an xã đã phối hợp bắt năm vụ (năm ghe) đang khai thác cát trái phép trên dòng sông Sài Gòn. Riêng năm 2015 bắt được một vụ, đã tịch thu tài sản liên quan.

Theo ông Hên, điều khó khăn trong công tác chống khai thác cát lậu là không có phương tiện để tuần tra, đuổi bắt kịp thời.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tài - phó chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Củ Chi, cát tặc hoạt động bất kể ngày đêm. Khi phát hiện, lực lượng công an xã ra truy đuổi thì các ghe cát bỏ chạy về phía Bình Dương.

Đánh giá về tình trạng cát tặc hoành hành, ông Tài nói: “Phức tạp lắm”. Khi chúng tôi hỏi xã có nghe chuyện bảo kê cát tặc không, ông Tài nói: “Cũng chỉ nghe dư luận thôi. Nhưng tôi nghĩ nếu quyết tâm, phối hợp sẽ xử lý triệt để được”.

Ông Tài cho rằng muốn giải quyết triệt để tình trạng trên đòi hỏi phải có đoàn liên ngành của TP.HCM, Bình Dương chung tay xử lý cát tặc.

Trong khi đó theo UBND TP.HCM, việc khai thác cát và nạo vét làm sạt lở bờ sông ở Q.9 đang gây phản ứng gay gắt của nhân dân vì ảnh hưởng sự an toàn về tính mạng và tài sản người dân ở hai bên bờ sông Đồng Nai.

Do đó ngày 5-6-2015, UBND TP đã yêu cầu tạm thời đình chỉ thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy sông Đồng Nai. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, không để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Theo ông Hoàng Văn Hùng - chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa phía Nam thuộc Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông vận tải, hầu hết dự án khai thác cát đều có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thế nhưng vấn đề chính là các cơ quan chức năng chưa kiểm chứng thực tế về việc khai thác cát ở lòng sông quá sâu dẫn đến nguy cơ gây sạt lở bờ sông. Hiện việc khai thác cát theo kiểu tự nhiên là chỗ nào có cát thì địa phương cấp phép cho khai thác.

Điều này dẫn đến hậu quả trong vòng 5 - 10 năm tới các dự án khai thác cát sẽ ngày càng đào sâu xuống lòng sông trên 20m thì nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng tăng cao.

Nên xử phạt vựa mua cát trộm

Theo Chi cục đường thủy phía Nam, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là hai dòng sông có nhiều mỏ cát, trong đó sông Đồng Nai có nhiều mỏ cát cho chất lượng tốt.

Vì vậy, việc khai thác và vận chuyển cát từ các dòng sông này cung cấp cho thị trường TP.HCM - địa phương có nhu cầu xây dựng rất lớn - lại có chi phí thấp nhất.

Do đó nạn trộm cát xảy ra trên hai dòng sông cả ngày lẫn đêm. Một cán bộ Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cho biết các nhóm cát tặc chỉ cần đưa máy hút cát xuống lòng sông hút cát lên ghe “là đã có tiền”.

Một cán bộ Đoạn quản lý đường sông số 10 cho biết có lần đi kiểm tra trên sông Đồng Nai bị nhóm cát tặc hành hung, buộc phải quay canô bỏ chạy và điện thoại nhờ công an ứng cứu.

Ông Hoàng Văn Hùng cho rằng hiện nay các biện pháp chống cát tặc không mang lại hiệu quả. Bởi vì khi các cơ quan chức năng đi kiểm tra thì cát tặc lẩn trốn và cũng không thể 24/24 giờ chốt chặn kiểm tra.

Hơn nữa, việc kiểm tra, xử phạt cát tặc chỉ là biện pháp tình thế và không đủ sức răn đe. Như vậy sẽ không xử lý được nạn cát tặc gây lở bờ sông làm nhiều nhà dân bị sụp đổ, mất đất đai...

“Cần thay đổi hình thức chống cát tặc bằng biện pháp xử phạt chủ vựa mua cát không có xuất xứ rõ ràng. Hiện các doanh nghiệp có giấy phép khai thác cát đã chịu thuế tài nguyên khoáng sản nên cát có giá cao hơn so với cát tặc. Do đó, nhiều vựa cát đã tranh mua cát của cát tặc để hưởng lợi nhuận cao hơn và càng khuyến khích cát tặc hoạt động mạnh hơn.

Biện pháp xử phạt các điểm mua cát tặc cũng chính là xử phạt nơi tiêu thụ của bọn trộm cát - tài nguyên khoáng sản đã được pháp luật quy định. Không thể chấp nhận những vựa cát mua cát trộm vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật” - ông Hùng nói.

TP.HCM có 45 điểm sạt lở

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, hiện đã bước vào mùa mưa bão cũng là mùa xảy ra những vụ sạt lở trên các sông, kênh rạch.

Từ tháng 5-2015 đến nay đã phát sinh tám điểm sạt lở mới, trong đó huyện Củ Chi có bốn vị trí, còn lại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Q.2 và Q.Thủ Đức mỗi nơi có một vị trí. Như vậy từ 37 vị trí sạt lở đã được xác định trong năm 2014, đến nay toàn TP.HCM đã tăng lên 45 vị trí sạt lở.

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên