20/09/2024 05:45 GMT+7

Cắt giảm lãi suất: Động thái gây tranh cãi của Fed

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã cắt giảm lãi suất, nhưng động thái này của Ngân hàng Trung ương Mỹ liệu có diễn ra quá muộn và có liên quan gì tới ngày bầu cử tổng thống 2024 sắp tới?

Động thái gây tranh cãi của Fed - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 18-9 - Ảnh: REUTERS

Theo tuyên bố ngày 18-9, Fed quyết định giảm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) lãi suất cho vay qua đêm, giữ chỉ số này trong khoảng 4,75 - 5%. Chính sách nới lỏng này sẽ tiếp tục theo lộ trình để đưa lãi suất này về khoảng 3 - 3,5% tính tới cuối năm 2026.

Nền kinh tế Mỹ đang ở tình trạng tốt và quyết định của chúng tôi hôm nay nhằm duy trì tình trạng ấy.

Chủ tịch Fed JEROME POWELL

Hạ cánh an toàn?

Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hơn bốn năm qua. Từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 (2019), Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, với mục tiêu tìm kiếm một cuộc "hạ cánh mềm".

Khái niệm này được các nhà phân tích kinh tế sử dụng để mô tả việc hạ lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Cụ thể, nhiệm vụ của Fed là đưa lạm phát xuống xung quanh mức 2% đồng thời giữ tỉ lệ thất nghiệp thấp.

Động thái của Fed đồng nghĩa triển vọng về cuộc "hạ cánh mềm" ấy đã tươi sáng hơn. Quyết định trên được đưa ra khi lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tích cực, nhưng vấn đề lớn đang nằm ở tình hình thất nghiệp đáng lo ngại.

Thực tế, phát biểu hồi tháng trước Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc tới thị trường việc làm khi khẳng định "sứ mệnh" của tổ chức này là đưa nền kinh tế Mỹ ra khỏi cú sốc lạm phát. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ một thị trường lao động mạnh mẽ khi chúng tôi đạt bước tiến hơn nữa tới sự ổn định giá cả", ông nói.

Các chuyên gia kinh tế có những góc nhìn khác nhau về động thái của Fed. Với một số người, đây là tin tốt cho Tổng thống Joe Biden, vốn phải vật lộn với tình hình lạm phát kỷ lục của nước Mỹ trong những năm qua. Với số khác, cắt giảm lãi suất cũng cho thấy việc kìm hãm quá lâu khiến nền kinh tế Mỹ thực sự cần một cú hích. Đa phần nhìn nhận kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Lãi suất và bầu cử

Việc Fed cố giữ lãi suất cao và giảm mạnh hiện nay đặt ra nhiều dấu hỏi về tác động của quyết định này tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Đây là tin tốt cho Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden và ứng viên đề cử Kamala Harris, những người sẽ được ghi nhận ở thành tích kiềm chế lạm phát. Việc hạ lãi suất dẫn tới chi phí đầu tư hoặc chi tiêu giảm đi cũng là tín hiệu tích cực cho các cử tri chỉ vài tháng trước ngày bỏ phiếu.

Ngược lại, truyền thông Mỹ lập tức "rào" trước về khả năng Đảng Cộng hòa cáo buộc quyết định của Fed mang động cơ chính trị, cụ thể là "giúp đỡ" Đảng Dân chủ ngay trước bầu cử.

Mặc dù vậy, các tờ báo Mỹ đa phần cho rằng đây chỉ là quyết định xuất phát từ lý do kinh tế, không có bằng chứng cho thấy sự liên quan tới chính trị. Tờ Conversation lập luận rằng trong một nền kinh tế rất đa dạng, hạ lãi suất có thể khiến một nhóm thấy vui nhưng có những nhà đầu tư khác, ví dụ đầu tư vào thị trường tiền tệ, sẽ không cho đây là điều tốt đẹp.

Thêm vào đó, có lý do để cả bà Harris lẫn đối thủ Donald Trump sẽ tận dụng động thái này để diễn giải có lợi cho họ. Nếu Đảng Dân chủ sẵn sàng nhận bất kỳ lời khen nào cho việc đưa lạm phát trở lại quỹ đạo, thì Đảng Cộng hòa cũng có thể nhân đó chỉ ra rằng việc Fed giảm lãi suất là biểu hiện cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tuyệt vọng dưới thời ông Biden, là hệ lụy từ những chính sách của chính quyền Biden-Harris.

Đài CNN trong khi đó khẳng định việc Fed giảm lãi suất không ảnh hưởng gì tới bầu cử. Ông Jason Furman, từng là kinh tế trưởng dưới thời tổng thống Barack Obama (Đảng Dân chủ), phân tích rằng sẽ phải tới năm 2025 các khoản cắt giảm này mới tạo ra thay đổi trong hành vi kinh tế.

"Chuyện này gần như không ảnh hưởng gì tới kinh tế trước ngày bầu cử. Thị trường đã như thế và còn rất xa để tới ngày tác động đến những thứ như tỉ lệ thất nghiệp, GDP hay lạm phát", vị này nói với CNN.

Trong quá khứ, tổng thống George H. W. Bush của Đảng Cộng hòa từng chứng kiến tăng trưởng kinh tế 5,8% trong ba tháng ngay sau bầu cử. Tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh lên mức 7,8% vào tháng 6-1992. Đó là thời điểm phe Dân chủ của ông Bill Clinton đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng "Đó là kinh tế, đồ ngốc" để khiến cử tri "lật" ông Bush và bầu cho ông Clinton.

Tập đoàn Trump Organization tìm cơ hội đầu tư tại Hưng Yên

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-9, ông Nguyễn Hùng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - xác nhận Tập đoàn Trump Organization (Mỹ), thuộc sở hữu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư tại tỉnh này trong lĩnh vực xây dựng khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên mọi thứ vẫn ở khâu tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và Tập đoàn Trump Organization chưa đề xuất số vốn, địa điểm đầu tư cụ thể tại tỉnh.

Hôm 16-9, đại diện Tập đoàn Trump Organization đã có buổi làm việc với bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên theo đề xuất của Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên. Trao đổi tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Văn - chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - mong muốn Tập đoàn Trump Organization nghiên cứu phương án đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - cho biết tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật để Trump Organization đến tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư. Tỉnh sẽ giao các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương hỗ trợ để tập đoàn xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hưng Yên đạt hiệu quả cao nhất.

Động thái gây tranh cãi của Fed - Ảnh 2.Giá vàng bật lên 2.600 USD/ounce rồi giảm sau khi Fed hạ lãi suất

Giá vàng thế giới đã vọt lên 2.600 USD/ounce khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, nhưng nhanh chóng giảm trở lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên