Ông Nguyễn Quang Thái - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Thái nói:
- Theo đồng hồ nợ công thế giới, tại thời điểm 30-10-2015, nợ công VN đã ở mức hơn 93 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mỗi người dân VN đang “cõng” khoảng 1.021 USD nợ công (trên 22 triệu đồng/người).
Một khi quy mô kinh tế tăng lên thì quy mô các khoản chi cũng tăng và thâm hụt ngân sách, nợ công cũng vì thế có thể to lên. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ nợ trong nước quá lớn, lại chủ yếu là vay ngắn hạn và rất ngắn là yếu tố không hợp lý...
Theo đồng hồ nợ công thế giới, tại thời điểm 30-10-2015, nợ công VN đã ở mức hơn 93 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mỗi người dân VN đang “cõng” khoảng 1.021 USD nợ công (trên 22 triệu đồng/người) |
Chi có thể khác dự toán Quốc hội phê chuẩn 30 - 40%
* Theo ông, thực trạng thâm hụt ngân sách và nợ công hiện nay có phải đã đến mức chưa từng có trước đây? Có phải do chúng ta có nhiều cách chi “đặc thù”?
- Thâm hụt ngân sách là căn bệnh trầm kha đã từ lâu. Có Luật ngân sách mới, nước ta vẫn chưa có ngân sách thống nhất mà vẫn bị chia thành ngân sách “trong cân đối” và “ngoài cân đối”. Ngân sách trong cân đối lại chia thành trung ương và địa phương.
Chi ngân sách ngoài cân đối gồm các khoản như trái phiếu Chính phủ. Do đó, có nhiều khoản chi dễ bị chồng chéo.
Về cách lập dự toán, khi nó được trình Quốc hội duyệt thì chủ yếu mới chi tiết theo các khoản thu chi trong cân đối và “xin chủ trương” về các khoản chi khác ngoài cân đối.
Song, khi quyết toán lại là toàn bộ thu chi ngân sách trong và ngoài cân đối, nên quyết toán thực chi có thể khác dự toán Quốc hội phê chuẩn tới 30 - 40%, có khi tới cả trăm ngàn tỉ. Cái này khiến không chỉ người dân mà cả các nhà nghiên cứu cũng khó theo dõi.
* Quốc hội tranh luận rất nhiều, tính từng đồng khi phê duyệt ngân sách. Nhưng đến khi Chính phủ trình chi vượt dự toán, tức là quá mức Quốc hội cho, chưa bao giờ chúng ta xem xét trách nhiệm ai cả?
- Chi ngân sách thường hai năm sau mới duyệt quyết toán. Ví dụ các đại biểu Quốc hội khóa năm 2016 sẽ duyệt quyết toán năm 2014. Và việc duyệt quyết toán lại thường làm ngay trong phiên họp đầu nên thường dễ dãi do có nhiều đại biểu mới.
Và tăng chi đều có lý do. Có nhiều yếu tố tác động làm tăng chi, nhất là khi biên chế phình to của các cơ quan nhà nước, Đảng và các đoàn thể.
Đầu tư theo “tư duy nhiệm kỳ”
* Để giảm gánh nặng nợ công, phải xem lại khả năng đầu tư lãng phí? Như đại lộ Thăng Long, bảo tàng ngàn tỉ cần, nhưng mức độ thế nào cần tính kỹ. Có phải là nhà nghèo không nên cái gì cũng muốn hoành tráng ngay?
- Nói thâm hụt ngân sách vì vay cho đầu tư là hợp lý, nhưng phải rất cụ thể mới thấy rõ vấn đề. Như làm quốc lộ 1A đúng là cần thiết, nhưng làm cả 1A cũ và 1A mới như đoạn Hà Nội đi Ninh Bình lúc này đã hợp lý chưa?
Cơ sở hạ tầng dù cần thiết nhưng cũng phải có bước đi thích hợp và phối hợp với nhau. Đầu tư cho các bệnh viện, trường học cũng cần xem cái gì nên là ngân sách, cái gì có thể xã hội hóa, tránh đầu tư theo tư duy nhiệm kỳ, để lại gánh nặng cho nhiệm kỳ sau...
* Có giải pháp cụ thể nào để tránh kiểu đầu tư còn lãng phí trên? Đặc biệt, làm sao để tránh kiểu ai cũng cố xin ngân sách, rồi cố tiêu cho hết. Ngân sách khó nhưng cuối năm, cái nhỏ nhất nhìn thấy là vỉa hè còn tốt cứ cố cạy lên làm lại?
- Đây là vấn đề người dân thấy rõ và mong có cải thiện nhanh. Với cơ chế phân cấp hiện nay, bên cạnh mặt tích cực, tạo chủ động cho các địa phương thì cơ chế “xin cho” rất rõ.
Thực tế VN vẫn có tới 50 tỉnh chưa tự cân đối được thu chi, phải do ngân sách trung ương hỗ trợ, chỉ có hơn 10 tỉnh thành vượt cân đối. Việc điều tiết cũng có ý kiến cho rằng còn “cảm tính”, gây bức xúc cho không ít địa phương.
Rồi địa phương vượt thu thì xin trung ương cho “để lại”, gây khó cho cân đối chung. Tôi cho rằng tái cơ cấu thu và chi ngân sách cần tiếp tục làm như một phần quan trọng của cơ cấu lại nền kinh tế.
* Người VN rất lo nợ công cao, mỗi người đã gánh trên 22 triệu đồng rồi. Nỗi lo nợ công có chính đáng không, thưa ông?
- Hầu hết các nước đều phải vay nợ để phát triển, nhưng vấn đề là mục đích vay để làm gì. Nếu để chi tiêu thường xuyên (lý thuyết có thể gồm các khoản như mua sắm ôtô, trả lương...), hay tài trợ cho các “quả đấm” doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ thì rõ ràng không nên.
Song, nếu vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, thậm chí nếu vay để đảo nợ và giảm lãi suất thì theo tôi không đáng ngại, vì nợ không tăng mà lãi suất vốn vay lại giảm.
Nhưng vấn đề là cần công khai số liệu và tăng cường giám sát của xã hội để tiền vay về sử dụng đúng mục đích, nguyên tắc, tránh “nhầm chỗ”.
Cần có đầu lạnh, tỉnh táo
* Chi tiêu công một phần quan trọng là chi thường xuyên. Bộ máy hiện nay theo nhiều đánh giá quá cồng kềnh, chồng chéo. Dù thâm hụt ngân sách hay không cũng phải giảm bộ máy?
- Chi thường xuyên tăng mạnh có nhiều khoản mục, nhưng chi cho bộ máy quá lớn như hiện nay theo tôi phải giảm mạnh. Không chỉ của cơ quan nhà nước mà ngay bộ máy hệ thống chính trị cũng nên được rà soát kỹ.
Ví dụ 28 tổ chức xã hội “đặc thù” vẫn được ngân sách hỗ trợ như: Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Khuyến học...
Nó rất khó hiểu, nhất là có năm họ còn được cấp vốn làm dự án đầu tư phát triển và trợ giá cho nhiều đơn vị...
Cái này có nên sửa đổi để tránh gánh nặng cho ngân sách? Khi hoạt động của hội được xã hội công nhận, họ sẽ được trả thù lao tương xứng?
Ngoài ra, hệ số lương ở một số cơ quan công quyền cũng rất phản cảm, có khi được thêm hệ số 1,5, có khi tăng hệ số lên đến gần 3. Nên mới có chuyện giám đốc hoặc chuyên viên nào đó lại có lương cao hơn cả thủ tướng, bộ trưởng.
* Không chỉ các hội, hiện bệnh viện, trường học, các cơ quan cung cấp dịch vụ công đơn thuần... cũng đều ăn lương ngân sách. Các nước có thế không?
- Đã có chủ trương tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan dịch vụ y tế, giáo dục và nghiên cứu khoa học... nhưng triển khai rất chậm vì tâm lý “níu kéo” bao cấp rất nặng nề, trong khi việc giảm biên chế lại rất khó khăn từ tư duy đến thủ tục.
Đã đến lúc phân tích kỹ, chỉ chọn một số ít công chức mẫn cán và có trình độ chuyên nghiệp cao sang làm quản lý nhà nước, còn lại các dịch vụ công nên cho chuyển sang khu vực tư nhân, không cần công chức trực tiếp thực hiện.
Ngoài ra, nhu cầu chi cho các trợ cấp xã hội cũng rất lớn, nó đòi hỏi được tổ chức lại một cách nghiêm túc.
* Còn bao cấp, chưa quyết giảm biên chế nên dễ sinh tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về”? Nên cắt “bầu sữa” ngân sách, các viện nghiên cứu cũng nên chuyển sang đặt hàng, trả tiền theo kết quả?
- Hầu hết các đơn vị đều đã phình to nên không tránh khỏi tình trạng một số công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Muốn khắc phục tình trạng này, cần có mô tả công việc và phân công cán bộ công chức cho đúng chức năng của cơ quan, không được tùy tiện.
Có những cơ quan ta thấy dường như trùng chức năng sao không phối hợp để giảm đầu mối, giảm chi phí, trong khi lập thêm cơ quan là thêm tiền xây dựng trụ sở và tuyển nhân viên mới...
Nên chuyển một phần dịch vụ công hiện nay sang khu vực tư nhân làm dịch vụ công, theo hướng Nhà nước phục vụ chứ không phải Nhà nước trực tiếp làm kinh doanh. Như vậy tình trạng tham nhũng, lười nhác, nhũng nhiễu cũng sẽ giảm mạnh... Tuy nhiên, để làm được lại cần có đầu lạnh, tỉnh táo.
3 nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước Năm 2016, Chính phủ đề xuất Quốc hội ba nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước. Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, ưu tiên cho chi đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ sở thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước; ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội đã ban hành; thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát các lĩnh vực, nhiệm vụ chi để bố trí có trọng tâm, trọng điểm và kết hợp việc triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Thứ hai, bố trí tăng chi trả nợ, đảm bảo trả đủ nợ nước ngoài đến hạn. Đối với chi trả nợ trong nước đảm bảo trả đủ lãi và một phần nợ gốc, giảm nhu cầu vay đảo nợ. Thứ ba, bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận