Tính chất lịch sử và sự lôi cuốn đã đưa Carcassonne vào thơ ca văn học. Cuộc thập tự chinh Albegensian được mô tả trên bức tranh tường.-Ảnh: Đinh Ngọc Tâm Carcassonne được biết đến như tên một boardgame thú vị, trong đó người chơi thể hiện kỹ năng chiến lược của mình thông qua việc cạnh tranh để xây dựng lực lượng riêng trên các con đường, trong thành phố, nhà thờ và trên những cánh đồng. Boardgame này mượn tên một thành phố pháo đài ở miền nam Pháp và tất nhiên, xây dựng ý tưởng một phần dựa trên lịch sử của pháo đài này. Một số khách du lịch tìm đến Carcassonne là độc giả hâm mộ tiểu thuyết khảo cổ giả tưởng Labyrinth của nữ nhà văn Anh Kate Mosse. Tiểu thuyết hấp dẫn lấy bối cảnh xen kẽ giữa thời Trung cổ và nước Pháp ngày nay, xoay quanh những sự kiện thảm khốc từng diễn ra ở Languedoc. Cho dù không phải là độc giả của Kate Mosse, hầu như ai quan tâm đến Carcassonne đều biết đến sự kiện lịch sử gắn liền với danh tiếng của pháo đài, giáo phái Cathar và cuộc thập tự chinh Albegensian. Pháo đài Carcassonne nhìn từ xa. Ảnh: Đinh Ngọc Tâm Thành phố pháo đài Carcassonne cách Toulouse khoảng 90km, thuộc tỉnh Aude của Pháp. Pháo đài 2.500 tuổi nằm ở bờ phải sông Aude, có chu vi khoảng 3km và gồm 52 tháp canh. Carcassonne là một quần thể kiến trúc Trung cổ mặc dù ngay trong quần thể này vẫn còn nhiều dấu vết của kiến trúc Roman, chẳng hạn như những tháp canh ở vòng trong của pháo đài phòng thủ. Một phần lớn quần thể kiến trúc này thuộc về thời Pre-French, bao gồm tường thành bên trong và lâu đài tử tước. Nhưng tường thành bên ngoài và thành lũy của lâu đài lại thuộc về thời French. Chúng được thêm vào từ thế kỷ 13. Toàn thành phố pháo đài xây bằng đá, từ những con đường đủ cho ngựa chạy đến những ngôi nhà và những tháp canh, tất cả đều đậm đặc không khí Trung cổ. Tính chất bề thế chắc chắn giải thích hợp lý cho sự tồn tại gần như nguyên vẹn của nó cho đến ngày nay. Xung quanh pháo đài có một con hào bao quanh nhưng không có nước. Những lỗ nhỏ trên bức tường đá dày phục vụ cho mục đích phòng thủ bằng cung tên. Thành phố pháo đài ban đầu là một công trình phòng ngự xây bởi người Volques Tectosages từ thế kỷ 3 trước Công nguyên. Đến năm 122 trước Công nguyên thì bị đế chế La Mã chiếm đóng, biến thành pháo đài nhỏ với khu vực dân cư xung quanh. Thế kỷ 5 thuộc Công nguyên, Carcassonne rơi vào tay người Visigoth, đến năm 713 chuyền sang tay người Ả Rập và trở lại thuộc quyền quản lý của người Pháp dưới triều Pépin Lùn. Vào thế kỷ 10, Carcassonne được mở rộng với dân số chừng 3.000 - 4.000 người, đa số thuộc giáo phái Cathar. Năm 1208, pháo đài thất thủ trước cuộc thập tự chinh dưới thời giáo hoàng Innocentius III. Năm 1226, sau cuộc thập tự chinh thứ hai do vua Louis VIII chỉ huy, pháo đài chính thức trở thành đất của hoàng đế Pháp. Một lớp tường thành thứ hai được xây để chống lại các cuộc bao vây dài ngày. Trong thời gian chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 16, nơi này là thành lũy của người Công giáo chống lại người Tin lành. Sang thế kỷ 17, khi hiệp ước Pyrénées được ký kết quyết định biên giới giữa Tây Ban Nha và Pháp lùi xuống phía nam như hiện nay, Carcassonne mất vị trí chiến lược phòng thủ và dần suy tàn, nơi này chỉ còn là khu phố nghèo của những người thợ dệt. Đến năm 1820 pháo đài bị gạch tên khỏi các địa điểm quân sự và bị bỏ hoang hoàn toàn. Quá trình khôi phục Carcassonne bắt đầu bởi nhà quý tộc Jean-Pierre Cros-Mayrevieille và được Napoléon III hưởng ứng. Đến nay, chỉ 30% diện tích Carcassonne được tu sửa nhưng thành phố đã là một trong những điểm đến đáng chú ý tại miền nam Pháp. Lối vào pháo đài (Ảnh: Đinh Ngọc Tâm) Ly kỳ những câu chuyện lịch sử Giống như hầu hết các pháo đài ở châu Âu, Carcasonne cũng có nền tảng là một pháo đài La Mã. Tuy nhiên theo thời gian, với sự phát triển của vũ khí và các phương pháp công thành, dấu ấn của kiến trúc La Mã dần biến mất, nhường chỗ cho những đặc trưng của pháo đài Trung cổ. Sự kỳ vĩ của pháo đài thể hiện ở những lớp tường trùng điệp có thể nhìn thấy từ xa, với những tháp canh nhô cao có mái nhọn. Tiến vào pháo đài, ta sẽ đi qua cổng lớn với những vòm cung bằng đá tên gọi cổng Narbonne. Vào trong thành phố có thể nhìn thấy bức tượng Lady Carkass, vợ của vua Hồi giáo Saracen Balaak, người cai trị thành phố pháo đài trong thế kỷ 8. Sau cái chết của chồng, bà tiếp tục lãnh đạo dân chúng chống lại cuộc vây thành của Charlemagne. Có nhiều giai thoại thú vị xoay quanh Lady Carkass nhằm tôn vinh tài trí và công đức của bà. Tuy nhiên, ở nhiều điểm truyền thuyết và lịch sử chồng chéo nhau, không có bằng chứng lịch sử khả tín về Lady Carkass, rất có thể bà là một nhân vật hư cấu. Hai lớp tường thành kiên cố (Ảnh: Đinh Ngọc Tâm) Cũng nằm trong khuôn viên thành phố pháo đài, Basilica of Saints Nazarius and Celsus là nhà thờ Công giáo La Mã tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic-Romanesque. Nhà thờ xây bằng sa thạch trên một mặt bằng hình chữ thập Latin. Phần cổ xưa nhất trong nhà thờ là gian giữa theo phong cách Romanesque, trong khi hành lang và cung thánh được xây lại theo phong cách Gothic cùng với những cửa sổ kính màu lớn lấy nhiều ánh sáng. Lâu đài tử tước Château Comtal de Carcassonne, còn được gọi là “lâu đài Cathar”, nằm ở vị trí trung tâm phía trong những bức tường thành đồ sộ của Carcassonne là hình ảnh tiêu biểu của lâu đài Trung cổ. Địa điểm này thu phí vào cổng và chỉ mở vào một số thời điểm nhất định. Cũng như những điểm đến du lịch khác, cùng với khách thập phương, Carcassonne giờ đây tràn ngập những nhà hàng và cửa hàng lưu niệm. Dù vậy, bất chấp những phiền nhiễu không tránh khỏi của đời sống hiện đại, Carcassonne dường như vẫn là nơi mà không khí lịch sử sống động hơn bất kỳ đâu khác. Năm 2018 vừa qua, nhằm kỷ niệm 20 năm ngày pháo đài Carcassonne được UNESCO công nhận là di sản thế giới, một công trình nghệ thuật thị giác được thực hiện ở đây bởi nghệ sĩ Felice Varini người Thụy Sĩ. 15 vòng tròn đồng tâm màu vàng làm từ nhôm gắn vào tường tạo hiệu ứng thị giác từ xa. Những vòng tròn này sau đó được gỡ ra mà không gây tổn hại nào cho công trình. Những vòng tròn màu vàng đồng tâm (Ảnh: Đinh Ngọc Tâm) Tính chất lịch sử và sự lôi cuốn đã đưa Carcassonne vào thơ ca văn học. Hãy nói về bài thơ của Gustave Nadaud, một bài thơ góp phần vào sự nổi tiếng của Carcassonne. Bài thơ có ngữ điệu giản dị của một điệu hát dân gian kể về lời than thở từ người nông dân không bao giờ có thể đến thăm Carcassonne. Tôi đang già đi, tôi đã sáu mươi; Tôi cả đời lao nhọc trong vô vọng: Ngần ấy năm hi vọng rồi sợ hãi Tôi đã đánh rơi ước muốn thân thương nhất: Tôi thấy rõ ở chốn này bên dưới kia Niềm hạnh phúc thuần khiết nào có cho ai Điều mong cầu của tôi sẽ không thành: Tôi chưa bao giờ thấy Carcassonne, Tôi chưa bao giờ thấy Carcassonne!■ Tags: Du lịch PhápCarcassonPháo đài cổ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.