Hiện nay tình trạng cáp viễn thông, dây điện chằng chịt "như mạng nhện" xuất hiện khắp các con đường, ngõ hẻm ở TP.HCM nhưng không thấy ai thu gọn.
Việc này đã và đang gây ra những sự cố cháy nổ, đe dọa an toàn giao thông.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thông tư 33, 20 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy chuẩn kỹ thuật lắp đặt cáp ngoại vi viễn thông đã quy định rất rõ việc thu hồi, sắp xếp, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông và trách nhiệm các bên.
Ở TP.HCM cũng như các địa phương khác thường do công ty điện lực làm chủ quản cột điện, thỏa thuận hợp đồng với các tập đoàn, đơn vị truyền thông về giá cả thuê cột để treo cáp viễn thông.
Điện lực hướng dẫn cách treo và yêu cầu các đơn vị phải làm đúng quy chuẩn của thông tư.
Theo thông tư, các đơn vị chủ quản cột, đơn vị dùng cột có trách nhiệm kiểm tra, sắp xếp, làm gọn hệ thống cáp treo viễn thông tối đa sáu tháng một lần hoặc theo kế hoạch của UBND các địa phương.
Đồng thời phải loại bỏ và thu hồi cáp hỏng, cáp không sử dụng. Kéo căng, buộc gọn hệ thống dây cáp viễn thông, đưa vào gông gom (nếu có).
Sắp xếp cáp dự phòng, tủ/hộp cáp treo trên cột theo đúng quy định. Đồng thời duy tu, bảo dưỡng, thay thế cột không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Đối với cột trong khu vực đô thị có ít nhất 2 tuyến cáp, đơn vị sở hữu cáp hoặc đơn vị sở hữu cột phải trang bị dây treo cáp, khuyên đỡ bó cáp, chủ động xây dựng kế hoạch thu hồi, sắp xếp, chỉnh trang. Khi treo cáp không được phép quấn xung quanh thân cột.
Cáp dự phòng sau khi đã trừ đoạn cáp từ điểm bắt đầu trên cột xuống tới mặt đất, phần còn lại có chiều dài tối đa không quá 10m.
Tất cả cáp dự phòng được quấn thành đường tròn (đường kính nhỏ hơn 0,6m) đưa vào mặt sau của cột và được cố định chắc chắn, mỹ quan vào thân cột, điểm thấp nhất cách mặt đất tối thiểu là 3m. Khoảng cách giữa 2 vòng tròn cáp của 1 chủ sở hữu cáp tối thiểu 200m.
Ngầm hóa đồng bộ dây điện, cáp viễn thông
Theo Sở Công Thương TP.HCM, ngành điện và các đơn vị viễn thông có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn trong lúc vận hành. Cáp viễn thông treo trên trụ điện là theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai đơn vị với nhau. Trong quá trình đó, ngành điện phải đảm bảo an toàn với trụ điện.
Và đương nhiên khi xảy ra va chạm giữa trụ điện, ngành điện sẽ có những cách xử lý với bên đã ký hợp đồng có liên quan, lên kế hoạch cải tạo đảm bảo an toàn.
Với cáp viễn thông hư hỏng, cần thu hồi phải làm việc và thực hiện theo nội dung ký kết hợp đồng. Do đó, hai bên cùng nhau bàn bạc để đưa ra phương án thu gom.
Riêng với khu vực dọc các đường ray xe lửa, Sở Công Thương ghi nhận lưới điện, cáp viễn thông không nhiều, chủ yếu ở vị trí giao giữa đường ray xe lửa với các tuyến đường như Nguyễn Kiệm (xảy ra sự cố níu toa tàu vừa qua).
"Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Công Thương đã yêu cầu điện lực rà soát lại tất cả các vị trí có nguy cơ mất an toàn, thu gom dây điện, cáp viễn thông lòng thòng, không còn sử dụng. Và ngầm hóa đồng bộ là phương án giải quyết căn cơ", đại diện Sở Công Thương cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận