23/10/2014 09:07 GMT+7

​Cấp thuốc đặc trị Ebola cho châu Phi

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Ngày 22-10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sẽ đưa huyết thanh sản xuất từ máu người sống sót dịch Ebola tới Liberia trong hai tuần nữa.

 

Kiểm tra thân nhiệt hành khách từ Tây Phi tại sân bay O'Hare ở Chicago - Ảnh: Reuters
Kiểm tra thân nhiệt hành khách từ Tây Phi tại sân bay O'Hare ở Chicago - Ảnh: Reuters

 Hai loại văcxin chống Ebola cũng sẽ được triển khai từ tháng 1-2015.

Theo Guardian, bác sĩ Marie Paule Kieny, phó giám đốc WHO, cho biết loại huyết thanh đưa tới Liberia được sản xuất từ máu của một số người đã khỏi bệnh Ebola. Các chuyên gia y tế xác định trong máu của người khỏi bệnh Ebola có chứa kháng thể đủ sức chống loại virút này.

Các bệnh nhân thoát chết ở Mỹ và Tây Ban Nha, trong đó có y tá gốc Việt Nina Phạm, đang trong quá trình phục hồi, đều đã được truyền huyết thanh có kháng thể chống Ebola.

WHO cũng đặt mục tiêu thử nghiệm hai văcxin chống Ebola trên cơ thể hơn 20.000 nhân viên y tế đang làm việc tại Tây Phi từ tháng 1-2015. Bác sĩ Kieney cho biết đây là cuộc thử nghiệm có quy mô lớn.

Một văcxin có hiệu quả sẽ không đủ sức kiềm chế đại dịch Ebola, nhưng có thể bảo vệ nhân viên y tế ở “tiền tuyến”. Đến nay đã có hơn 200 bác sĩ và y tá thiệt mạng vì Ebola ở Tây Phi.

Cứu nhà giàu?

Nina Phạm hồi phục tốt

Hôm qua, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo tình trạng sức khỏe của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đã được nâng từ mức trung bình lên tốt. Đại diện NIH tin tưởng cô sẽ nhanh chóng bình phục hoàn toàn.

Phóng viên tự do Ashoka Mukpo, người bị nhiễm Ebola khi làm việc ở Liberia cho Hãng NBC, cũng đã khỏe mạnh trở lại sau khi được điều trị tại Trung tâm Y tế Nebraska. Xét nghiệm cho thấy virút Ebola đã biến mất khỏi cơ thể Mukpo.

Loại văcxin đầu tiên mà WHO sẽ sử dụng là Okairos AG do Viện Y tế quốc gia Mỹ và Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất từ một virút cúm tinh tinh biến đổi gen và protein của Ebola.

Hiện văcxin này đang được sản xuất tại Rome (Ý) và các cuộc thử nghiệm sơ bộ đang tiến hành ở Anh và Mali. GSK khẳng định có đủ cơ sở khắp thế giới để đẩy nhanh sản xuất văcxin Okairos AG ở quy mô thương mại.

Loại thứ hai là VSV-EBOV do Cơ quan Y tế công Canada phát triển, hiện đang được Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed ở Maryland (Mỹ) thử nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh. Văcxin này cũng sẽ sớm được thử nghiệm trên người tình nguyện ở Thụy Sĩ, Đức, Gabon và Kenya.

Hãng dược Canada Tekmira Pharmaceuticals đang sản xuất hạn chế liệu pháp chữa trị virút Ebola chủng Guinea. Johnson & Johnson vừa cho biết sẽ tung ra thị trường 1 triệu liều văcxin ngừa Ebola trong năm 2015.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đang chỉ trích các hãng dược được hưởng lợi lớn từ đại dịch Ebola ở Tây Phi. Theo trang mạng y tế Benzinga, cổ phiếu của các hãng dược sản xuất văcxin Ebola đang tăng vọt.

Trong đó, giá cổ phiếu Hãng Tekima tăng 180% từ tháng 7 đến tháng 10. Giáo sư Adrian Hill thuộc ĐH Oxford (Anh) cho rằng việc ngăn chặn đại dịch từ lúc ban đầu không phải là mối quan tâm của các hãng dược.

“Khi dịch mới phát sinh, các hãng dược không thấy lợi ích từ việc sản xuất văcxin vì nó xảy ra ở Tây Phi nghèo đói, người dân không có khả năng trả tiền và quy mô dịch là nhỏ” - giáo sư Hill cho biết.

Bác sĩ Giles Fraser thuộc Bệnh viện St. Mary’s Newington ở Anh bình luận thực tế các hãng dược không quan tâm đến Ebola dù virút này được phát hiện từ năm 1976 bởi nó chỉ hoành hành ở khu vực không có nhiều tiền bạc.

“Khi virút Ebola chạm đến các nước phát triển thì đại dịch này đột nhiên trở thành thương vụ làm ăn béo bở” - bác sĩ Fraser lên án. Nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề việc văcxin được sản xuất quá vội vàng có thể không đảm bảo chất lượng và không bảo vệ được người dân trước dịch Ebola.

Mỹ tăng cường giám sát

Theo Reuters, cũng trong ngày 22-10, Chính phủ Mỹ tuyên bố hành khách từ ba nước Sierra Leone, Guinea và Liberia đến Mỹ phải nhập cảnh ở năm sân bay lớn là JFK ở New York, Newark tại New Jersey, Washington Dulles, Atlanta và O'Hare ở Chicago. Đây là các sân bay Mỹ đang triển khai hệ thống quét thân nhiệt nghiêm ngặt.

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson khẳng định sẽ đảm bảo quy định mới không ảnh hưởng lớn đến giao thông hàng không. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ xem xét cấm đi lại từ Tây Phi nếu cần thiết.

Khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy 2/3 người Mỹ ủng hộ việc cấm đi lại đến Tây Phi. Hàng loạt nghị sĩ Mỹ cũng đã kêu gọi chính quyền Obama sớm hành động.

Trong hôm qua, WHO đã mở cuộc họp khẩn ở Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận thêm phương pháp kiềm chế đại dịch Ebola ở Tây Phi. Ông Elhadj As Sy, giám đốc Liên đoàn Chữ thập đỏ và lưỡi liềm đỏ quốc tế, dự báo cần ít nhất bốn tháng để kiềm tỏa dịch.

Trước đó, WHO cảnh báo tỉ lệ lây nhiễm ở Tây Phi có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 nếu cộng đồng quốc tế không hành động quyết liệt.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên