Thanh Minh và Thu Huyền lần lượt đạt điểm 3.93 và 3.87/4, lọt vào top 20 sinh viên tiêu biểu, cùng tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương sớm nửa năm với bằng xuất sắc.
"Nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi hay xuất sắc là một điều bình thường, giống khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp sớm cùng đợt. Chúng tôi phải tìm điều khác biệt, cùng đứng trên bục vinh danh 20 sinh viên tiêu biểu toàn khóa để bố mẹ tự hào" - Thanh Minh và Thu Huyền tự tin nói với Tuổi Trẻ.
Mục tiêu là làm lớp trưởng
* Không chỉ cùng tốt nghiệp loại xuất sắc, hai chị em còn lọt top 20 sinh viên tiêu biểu toàn khóa. Vậy để đạt kết quả này, các bạn đã phấn đấu như thế nào trong thời gian qua?
- TRẦN THU HUYỀN: Trước khi là sinh viên Trường đại học Ngoại thương, hai chị em tôi là học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. Tôi và chị Minh cùng có nguyện vọng vào Trường đại học Ngoại thương vì được biết đến đây là môi trường năng động, hội tụ nhiều học sinh giỏi khắp nơi đổ về học. May mắn cả hai chị em đều đỗ nguyện vọng 1 vào học cùng khoa, chị Minh đạt 26,5 điểm, trúng tuyển chuyên ngành kinh tế đối ngoại. Tôi đạt 26,4 điểm, trúng tuyển ngành thương mại quốc tế.
Mục tiêu cá nhân của tôi khi vào đại học là làm lớp trưởng tất cả các lớp tín chỉ và phải được học bổng tất cả các kỳ. Tôi nghe nói để thực hiện điều này rất khó nên đã đặt làm mục tiêu cho bản thân. Ngay kỳ 1 năm nhất, tôi đã may mắn đạt được học bổng của trường. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng giành học bổng của trường các kỳ sau, tiếp đó là học bổng của các doanh nghiệp, rồi đến danh hiệu Sinh viên 5 tốt của thành phố Hà Nội.
- TRẦN THANH MINH: Khoảng thời gian đầu năm nhất tôi bị áp lực và cảm thấy khó hòa nhập với môi trường mới, khó tiếp cận phương pháp học tập mới... Chính vì vậy, học kỳ 1 năm nhất tôi không đạt học bổng. Sang học kỳ 2, tôi có một nhóm bạn cùng học, cùng chơi và cùng ôn bài trước khi thi.
Trong tổng số 48 lớp tín chỉ, tôi có 15 lần đảm nhận nhiệm vụ làm lớp trưởng lớp tín chỉ, việc này giúp tôi tự đặt ra cho mình trách nhiệm phải nỗ lực hơn trong học tập. Trên lớp, tôi chú ý nghe giảng, note lại những phần quan trọng mà thầy cô nói để vừa ghi nhớ, vừa chia sẻ lại với các bạn trong lớp. Từ đó, kết quả học tập của tôi cải thiện rất nhiều với 6 kỳ liên tiếp giành học bổng của trường và 3 học bổng của doanh nghiệp, đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt của thành phố Hà Nội.
* Bí kíp lọt top 20 sinh viên xuất sắc nhất là gì?
- TRẦN THANH MINH: Thật ra chúng tôi cũng học tập, ôn thi và chạy nước rút giống như bao sinh viên khác, nhưng vì là chị em sinh đôi nên chúng tôi có một lợi thế khá khác biệt với bạn bè.
Dù khác chuyên ngành nhưng hai chị em chỉ có 3 môn học khác nhau, vì vậy với những môn tôi học trước sẽ chuyển tài liệu, đề cương cho Huyền học sau và ngược lại. Trong lúc cả hai học bài, sẽ luôn cố gắng đuổi kịp kiến thức nhau, với những môn thi vấn đáp hai chị em sẽ kiểm tra kiến thức cho nhau... Đó là lợi thế không phải ai cũng có.
- TRẦN THU HUYỀN: Khi mới vào học Ngoại thương, cả hai chị em vừa học vừa tham gia hoạt động ngoại khóa, năm học thứ hai bắt đầu đi làm thêm. Bước vào một môi trường rất nhiều người giỏi khiến bản thân tôi luôn luôn nỗ lực, vì nếu đứng yên sẽ bị bỏ lại phía sau ngay lập tức.
Để có thể cân bằng giữa việc học - làm thêm và vui chơi trong cùng một thời điểm là không thể. Do vậy bản thân tôi luôn đặt việc học trên lớp là mục tiêu cao nhất, chỉ làm thêm trong những khung thời gian rảnh để vừa có tiền sinh hoạt lại tích lũy được kinh nghiệm.
Tự phá bỏ rào cản
* Theo các bạn, người trẻ có đang sợ trách nhiệm?
- TRẦN THANH MINH: Bản thân tôi trước khi nhận làm một công việc nào đó đều phải xác định rõ mục đích công việc mình làm là gì. Chẳng hạn, việc 15 lần làm lớp trưởng các môn tín chỉ giúp tôi rèn luyện sự bền bỉ, để bản thân phải chú tâm trong việc học hơn, có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô để dễ dàng thu nạp kiến thức... Khi một người sợ trách nhiệm là họ không thấy được lợi ích từ công việc sẽ đảm nhận.
- TRẦN THU HUYỀN: Tôi đồng ý quan điểm của chị Minh, việc nhận trách nhiệm phải xuất phát từ mục tiêu của bản thân mình trước, phải dám nghĩ, dám làm. Khi nhận trách nhiệm về mình là chúng ta đã vượt qua vòng an toàn của bản thân, để bứt phá. Bản thân tôi, ngoài việc học, khi tham gia hoạt động ngoại khóa đã có khi rất tự ti nhưng tôi vẫn xung phong làm nhóm trưởng để tự phá bỏ rào cản "sợ mình làm không tốt", "sợ suy nghĩ của người khác"...
Sau mỗi lần thử tôi mới biết mình thiếu sót ở đâu, và cần cải thiện như thế nào trong cả học tập và cuộc sống. Với tôi, thất bại là trải nghiệm, còn thành công sẽ cho mình nhiều kỷ niệm, không làm chắc chắn không thành công.
Làm trái ngành là bình thường
* Được biết sau khi ra trường cả hai bạn đều đang đảm nhận những công việc không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đã học. Quan điểm thế nào về việc sinh viên ra trường không làm đúng ngành học?
- TRẦN THANH MINH: Tôi thấy việc sinh viên ra trường làm việc trái với ngành học là rất bình thường, tùy từng thời điểm sẽ có những cơ hội lựa chọn công việc khác nhau, có khi là "nghề chọn người". Hiện tại, hai chị em tôi đều đang làm việc trái với chuyên ngành đã học. Tôi làm việc tại một ngân hàng trong nước, Huyền làm việc tại một agency, biết đâu đây cũng là một lợi thế cho chúng tôi trong thời điểm đặc biệt này.
- TRẦN THU HUYỀN: Điều quan trọng trong quãng thời gian học đại học ngoài kiến thức thu nạp còn là kỹ năng sống. Làm việc trái ngành cũng là một cách để mở mang kiến thức, không thể nói làm việc trái ngành là mình không áp dụng được kiến thức đã học. Những kiến thức chuyên ngành có thể chưa sử dụng đến nhưng trong tương lai hoàn toàn có thể sử dụng.
Cả hai chị em tôi đều có định hướng học lên thạc sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế trong năm nay tại Trường đại học Ngoại thương Hà Nội. Riêng tôi, từ ngày học cấp III tôi đã có mong ước trở thành một người phụ nữ có thể tự chủ về tài chính và cuộc sống. Hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng theo đuổi mục tiêu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận